Cụ bà sinh con đầu lòng ở tuổi 70

Phương Thanh (dịch)
23/10/2021 - 22:30
Cụ bà sinh con đầu lòng ở tuổi 70

Bà Jivuben Vallabhai Rabari sinh con đầu lòng ở tuổi 70. Ảnh: The Independent

Trường hợp hi hữu đã xảy ra tại miền tây Ấn Độ khi một cụ bà sinh con đầu lòng thành công ở độ tuổi xế chiều nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Bác sĩ Naresh Bhanushali, bác sĩ phụ khoa tại Trung tâm IVF Bhuj's Harsh, thuộc thị trấn Bhuj, bang Gujarat (Ấn Độ) cho biết, bà Jivuben Vallabhai Rabari, sống tại miền tây nước này đã sinh con thành công nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Em bé đã chào đời vào ngày 9/9/2021, theo thông tin từ bác sĩ Bhanushali.

"Đây là một trường hợp hi hữu, có thể nói là một điều kì diệu. Với 20 năm tuổi nghề, tôi đã thực hiện hơn 1000 ca thụ tinh trong ống nghiệm nhưng đây là lần đầu tiên kì tích xảy ra. Trong khi tôi và các đồng nghiệp rất vui mừng vì ca sinh đã thành công nhưng chúng tôi không khuyến khích mọi người cố gắng sinh con khi đã lớn tuổi", bác sĩ Bhanushali cho biết.

Hồ sơ nhập viện không liệt kê chính xác tuổi của bà Rabari vì bà không có bất cứ giấy tờ nào để chứng minh tuổi như thẻ cử tri hoặc giấy khai sinh. Vấn đề này dường như rất phổ biến ở những miền nông thôn của Ấn Độ. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết tuổi của bà Rabari khoảng 70.

Bà Rabari là một nông dân nuôi bò lấy sữa tại làng Rapar, cách thị trấn Bhuj khoảng 100km. Bà và chồng đã tha thiết mong các bác sĩ không tính đến yếu tố tuổi tác để thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) vì bà rất khao khát có con.

Bác sĩ Bhanushali chia sẻ, "Tôi đã thừa nhận rằng bà ấy quá lớn tuổi để có thể sinh con và điều này có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Nhưng bà ấy đã khóc và nói rằng bà mong có thể mãn nguyện vì khi lìa đời cũng một lần biết cảm giác có con là gì".

IVF - Thụ tinh trong ống nghiệm là kỹ thuật điều trị vô sinh – hiếm muộn, trong đó, tinh trùng của người chồng và trứng của người vợ sẽ được thụ tinh trong phòng thí nghiệm để tạo thành phôi. Sau một thời gian nuôi cấy bên ngoài (thường 2-5 ngày), phôi sẽ được đưa trở lại buồng tử cung của người vợ.

ando_bqdt.jpg

Cụ bà sinh con đầu lòng ở tuổi 70 nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Ảnh: AFP

Sau khi 4 người trong gia đình sinh con thành công nhờ phương pháp IVF tại trung tâm y tế, nơi bác sĩ Bhanushali làm việc, bà Rabari đã tìm đến và mong muốn thực hiện liệu pháp. Đó là câu chuyện cách đây 1 năm rưỡi. Mặc dù được cảnh báo và khuyên ngăn rằng những người thành công trước đó đều trong đội tuổi từ 45 - 50 tuổi và phương pháp này ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, thậm chí có thể gây tử vong, bà Rabari vẫn một mực muốn thực hiện. Vì sự quyết tâm và cảm xúc của bà, các bác sĩ cuối cùng đã đồng ý.

Để tiến hành phương pháp, các bác sĩ đã mở rộng tử cung của bà Rabari và dùng hormone để bắt đầu kinh nguyệt vì bà đã mãn kinh cách đây hơn 20 năm. Sau đó, họ chuyển một phôi đã được thụ tinh trong ống nghiệm vào cơ thể bà.

"Thông thường, chúng tôi sẽ chuyển nhiều phôi. Nhưng trong trường hợp đặc biệt của bà Rabari, chúng tôi chỉ chuyển 1 phôi vì quan ngại tử cung của bà không thể xử lý nhiều hơn", bác sĩ Bhanushali cho biết.

Các xét nghiệm máu sau đó 15 ngày cho thấy phôi đã được thụ thai thành công. Thai nhi phát triển bình thường và khỏe mạnh cho đến khi được 8 tháng tuổi. Các bác sĩ phát hiện huyết áp của bà tăng cao những tháng cuối thai kì và đã quyết định phẫu thuật sinh con sớm 1 tháng cho bà.

Cả quá trình phẫu thuật và hậu phẫu diễn ra thành công, không để lại bất kì biến chứng nào. Con trai đầu lòng của bà được đặt tên Laalo, được chăm sóc đặc biệt trong 15 ngày tại bệnh viện.

Bác sĩ Bhanushali chia sẻ: "Chúng tôi lo lắng trường hợp ca sinh có thể ảnh hưởng đến tính mạng của bà Rbari. Tuy nhiên, các thành viên trong gia đình và một vài hàng xóm đến thăm và đảm bảo họ sẽ chăm sóc đứa trẻ nếu điều không may xảy ra".

Tham gia vào ca phẫu thuật hạ sinh của bà Rabari có cả bác sĩ tim mạch để đảm bảo không phát sinh bất cứ biến chứng nào. Ca sinh thành công là một ngoại lệ và dường như là phép màu đến với gia đình bà. Câu chuyện cũng là minh chứng của kĩ thuật y khoa hiện đại có thể là đáp án cho những cặp vợ chồng hiếm muộn hiện nay.

Nguồn: Yahoo News
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm