pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cửa hàng tạp hóa - Cầu nối giúp chị em vùng sâu vùng xa phát triển kinh tế
Cửa hàng tạp hóa tổng hợp ở xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè, Lai Châu
Nguồn cung ứng tổng hợp đa dạng
Tại khu vực trung tâm xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, có tới 5 cửa hàng tạp hóa lớn nhỏ. Tại đây, có rất nhiều các loại mặt hàng "thượng vàng hạ cám", vô cùng đa dạng.
Từ các loại nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu cuộc sống, đến các trang thiết bị, máy móc nông nghiệp, vật tư sản xuất, đều có sẵn để phục vụ nhu cầu của người dân địa phương.
Chị Phùng Pó Me, thôn Sín Chải B, xã Pa Vệ Sủ, mang lồng gà xuống bán cho cửa hàng nhà chị Vân, sau khi bán gà chị Pó Me lại mua thuốc trừ sâu, mua các nhu yếu phẩm như dầu ăn, mì chính, nước mắm, ngay tại cửa hàng này.
Chị Phùng Bé Xó, thôn Sín Chải A, thì đến mua phân bón về bón cho rau, mua một số đồ dùng cho gia đình ngay tại cửa hàng nhà chi Vân.
Chị Bé Xó, cho biết: "Nếu không có các cửa hàng như này, mỗi khi mình cần mua gì lại phải đi ra ngoài chợ huyện mất hơn hai mươi km, mất thời gian đi lại. Bây giờ thì tiện lắm rồi, mua cái gì cũng có ở ngay gần nhà mình".
Trước đây, người dân vùng sâu, vùng xa phải đi đến các chợ lớn thuộc khu vực trung tâm huyện, tỉnh mới có thể mua được các loại hàng hóa phục vụ nhu cầu cuộc sống và sản xuất. Ngày nay, mọi thứ đều có thể mua ở các cửa hàng tạp hóa ngay tại địa phương như ở xã Pa Vệ Sủ là một điển hình.
Anh Giàng Chừ Xá, thôn Thò Me, xã Pa Vệ Sủ, cho biết: Trước kia, muốn mua những loại hàng hóa như đồ điện tử, máy móc làm nông nghiệp, hoặc vật tư chăn nuôi, trồng trọt đều phải ra ngoài trung tâm huyện mới có. Bây giờ thì ra trung tâm xã là có đầy đủ tất cả. Không có đủ tiền thì cũng có thể mua chịu rồi trả sau được. Rất tiện lợi cho người dân.
Chị Vàng Khừ Lình, ở Pa Vệ Sủ, chia sẻ: Mua cái gì cũng có, nếu chưa có ngay thì mình đặt chủ cửa hàng họ lấy về cho. Mình không phải mất công đi hàng chục km ra huyện mua như trước kia nữa.
Ngay cả phân bón, hạt giống, cũng đều có sẵn ở các cửa hàng tạp hóa này. Họ nhập về bán cho dân rất thuận lợi, người dân cũng yên tâm về chất lượng hàng hóa vật tư nông nghiệp do các chủ cửa hàng nhập về.
Là nơi cung cấp thông tin và thu mua sản phẩm cho địa phương
Ngoài vai trò cung cấp sản phẩm hàng hóa, vật tư sản xuất nông nghiệp cho người dân địa phương, các cửa hàng này còn đóng vai trò cung cấp thông tin, tiêu thụ sản phẩm nông lâm nghiệp.
Chị Vàng Gió Nhù, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Tè, cho hay: "Ở các xã vùng sâu, vùng xa, người dân sản xuất ra sản phẩm thì có thể bán cho chính các chủ cửa hàng tạp hóa. Bởi họ có xe hàng chuyển chở hàng đi hàng về, nên họ đóng vai trò mua gom rồi đem tiêu thụ sản phẩm địa phương luôn. Từ sản phẩm nông sản đến vật nuôi, người dân không cần phải vất vả vận chuyển đi bán ở chợ xã như xưa nữa, nên có thể nói đây là những kênh tiêu thụ rất thuận lợi cho người dân".
Chị Nguyễn Thị H, chủ cửa hàng tạp hóa ở xã Pa Vệ Sủ, cho biết: "Mình làm kinh doanh ở đây thì phải nắm bắt các thông tin về sản xuất, về thị trường, để cung cấp cho người dân địa phương. Cái gì họ không hiểu, không biết thì mình phải hướng dẫn cho họ. Từ việc thông báo giá cả mua bán, đến hướng dẫn sử dụng các loại đồ gia dụng, vật tư sản xuất. Vì nhiều chị em người dân tộc thiểu số cũng còn nhiều hạn chế về thông tin, hoặc đọc hiểu hướng dẫn sử dụng. Nên mình phải giúp cho họ".
Về tiêu thụ sản phẩm, thì mình cũng phải kiêm luôn việc thu mua khi họ cần bán. Hàng ngày mình có xe chuyên chở hàng đi hàng về, thì mình mua hàng của họ để gom lại. Đủ số lượng mới đem bán, ví dụ họ cần tiền thì mang vài con gà, con lợn, ít ngô… đi bán. Nếu mình không mua giúp họ thì họ lại phải mang đi hàng chục km mới bán được. Nên ở đây chúng tôi kiêm luôn dịch vụ tiêu thụ cho dân, chị H cho biết thêm.
Vận hành theo thị trường góp phần thúc đẩy phát triển
Ông Nguyễn Văn Sự, Giám đốc một đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp, nhận xét: Ngày nay các hộ kinh doanh tạp hóa ở các địa phương vùng sâu, vùng xa khá phổ biến. Họ làm ăn khá minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, đặc biệt là luôn phải giữ uy tín với những khách hàng bản địa. Nếu làm ăn mất uy tín, thị chắc chắn sẽ bị người địa phương quay lưng, khi ấy chỉ còn nước đóng cửa kinh doanh.
Cho đến nay, các hệ thống cửa hàng tạp hóa đến tận thôn bản, tức là nó đi theo chuỗi cung cầu, vận hành theo thị trường. Khiến việc mua bán của nhân dân địa phương gặp thuận lợi rất nhiều. Chính điều này đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương rất lớn. Vì người dân nhận ra những hàng hóa nào thị trường cần, thị trường thích, từ đó họ có điều chỉnh sản xuất cho phù hợp, hiệu quả.