Theo quy định, hóa đơn điện nước tới phiên nhà nào thì nhà nấy trả. Ví dụ tháng này vợ chồng tôi trả thì tháng sau đến nhà chú út, tháng tiếp theo đến lượt ông bà.
Một hôm, vợ chồng chú út đi vắng đúng lúc hàng loạt hóa đơn ào về, tôi không thích nhưng vẫn phải đóng giúp, định lúc nào họ về thì đòi lại sau. Nhưng khi tôi đưa hóa đơn ra, cả 2 đồng thanh bảo: “Bao giờ có tiền thì trả”. Chờ đến tận vài tháng sau cũng không thấy chú thím ấy đả động gì đến khoản nợ đó, tôi cũng ngại, không muốn mở miệng đòi tiền, nhiều lúc tôi phải nghĩ rằng họ quên thật chứ không cố tình. Nhưng chuyện như vậy liên tục diễn ra. Một lần khác, tổ trưởng dân phố đến thu tiền ủng hộ hội khuyến học, tôi lại phải móc ví đóng hộ nhà chú thím ấy. Đợi chú út về, tôi truyền đạt lại thì chú chỉ buông một câu: "Ôi dào, mấy vụ tào lao ấy mà nhà bác cũng tin sao?".
Em chồng nói thế khác nào "phủi tay" cho xong chuyện, tôi lại thêm một lần nữa "mất oan" tiền. Rút kinh nghiệm, những lần sau, dù ở nhà tôi cũng không đóng hộ tiền cho vợ chồng chú ấy nữa. Nhưng không ngờ, tôi mới chỉ "làm ngơ" đúng 1 lần mà đã bị em dâu xỏ xiên: "Eo ơi, anh chị em trong nhà với nhau mà keo kiệt thế không biết".
cứ diễn ra nhiều lần, hết từ việc nhỏ đến lớn (Ảnh minh họa) |
Thế nhưng tiền nong chỉ là chuyện nhỏ, chuyện lớn hơn lại là vì mấy đứa con. Có hôm vừa ăn cơm xong, con trai tôi xuống tầng 1 chơi với ông bà nội và con gái của chú thím. Không biết tranh giành đồ chơi thế nào, con gái chú thím đánh con tôi rất đau khiến nó khóc váng lên. Nghe tiếng trẻ con khóc, cả tôi và em dâu đều chạy xuống. Tôi xót con nên buột miệng: “Ôi, sao cháu lại đánh anh như thế? Hai anh em cùng chơi chung chứ”. Tôi cũng không có ý trách móc gì, sau đó bế con trai lên phòng. Tôi cũng bảo con trai lần sau chơi thì phải nhường nhịn em.
Tuy nhiên, không biết tính khí trẻ con như thế nào, trưa hôm sau, con trai tôi đấm lại em gái rất đau. Tôi chưa kịp mắng con thì chú út đã xông đến tát con trai tôi đau điếng, in lằn 5 ngón tay trên má. Tôi chưa hết sốc thì chú ấy chỉ mặt tôi quát: "Chị dạy dỗ thằng bé như thế à? Thích trả thù thì đấm vào mặt tôi đây này, đừng đụng vào con gái tôi". Chết sững trước hành động của chú út, tôi không phản ứng được gì, chỉ biết ôm con lên phòng, cả 2 mẹ con cùng khóc tức tưởi.
Khóc xong, tôi thấy mình dại quá, đúng thời khắc quan trọng thì tôi lại quên mất, ngoài bố mẹ chồng thì trong cái nhà này, tôi vẫn là vai trên, tại sao tôi phải nhún nhường chú thím ấy mãi. Tôi chưa bao giờ làm sai chuyện gì, họ toàn quá đáng với tôi trước, lần này còn đánh cả con tôi. Chuyện xảy ra lần một thì chắc chắn sẽ tái diễn, tôi không thể nhún nhường họ cả đời được.
***
Đợi chồng về nhà, tôi kể hết cho anh ấy. Nghe xong, anh lập tức đến phòng chú út, nói rõ quan điểm: "Trẻ con đánh nhau là chuyện thường. Chú là người lớn mà lại nhảy vào đánh cháu bênh con như thế thì có đúng không? Hôm qua anh nghe chị dâu nói con bé nhà chú cũng đánh thằng cu nhà anh, anh chị chẳng trách mắng nó câu nào chứ đừng nói đến chuyện đánh lại. Hôm nay chú làm thế có đáng là người lớn không?". Chú út mặt hằm hằm nhưng không dám cãi chồng tôi câu nào.
Hôm đó tôi được thể kể luôn cả mấy vụ bị chú thím ấy "xù" tiền. Chồng tôi bảo: "Thôi em ạ, chú thím ấy suy nghĩ nông cạn, vợ chồng mình không chấp. Nhưng rút kinh nghiệm từ bây giờ, em phải kể hết mọi chuyện cho anh nghe, đừng chịu ấm ức một mình". Sau khi chồng đòi lại công bằng, tôi cũng thấy mình được an ủi phần nào.
Từ vụ xô xát đó, tôi buộc phải nghĩ mình đang sống với chồng con chứ không phải với mấy khuôn mặt khó ưa kia. Sau này nếu gom đủ tiền, nhất định vợ chồng tôi sẽ ra ở riêng!