pnvnonline@phunuvietnam.vn
“Cuộc chiến” hoa hồng và “bài toán” với người nông dân thời 4.0
Người trồng hoa ở làng hoa Mê Linh (Hà Nội) chăm sóc những chậu hoa hồng
Câu hỏi đó đến nay còn chưa có lời giải nhưng có một điều dễ nhận thấy là người nông dân thời 4.0 không còn chỉ chăm chú về giống, về giá bán với thương lái mà còn phải đối mặt với những “bài toán” phức tạp hơn.
Tranh cãi từ giá bán "gây sốc"
Mọi chuyện bắt đầu khi anh Nguyễn Thế Anh, một chủ vườn ở làng hoa Mê Linh (Hà Nội), rao bán hoa trên sàn thương mại điện tử của nền tảng mạng xã hội Tiktok với thông điệp "gây sốc": "Hoa hồng chỉ 15k (15.000 đồng - PV), đến mua tại vườn 1 cây cũng bán". Thông tin này nhận được sự chú ý của nhiều người dùng mạng xã hội cũng như thương lái, nông dân.
Các luồng ý kiến chia làm hai phía rõ rệt. Một bên cho rằng, thời buổi thuận mua vừa bán, các mặt hàng đáp ứng được tiêu chí "ngon-bổ-rẻ" sẽ thu hút được người mua. Phía còn lại tỏ ra nghi hoặc với mức giá "không tưởng" này. Thậm chí một số người cho rằng, việc tận dụng mạng xã hội bán hàng giá rẻ vô hình trung đã "phá giá" thị trường, gây ảnh hưởng tới những người nông dân khác.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo PNVN, tại làng hoa Mê Linh, không khí mua bán đang diễn ra nhộn nhịp. Anh Nguyễn Văn Đông, một người tiêu dùng đến từ Ninh Bình, cho biết, sau khi xem thước phim trên mạng xã hội, anh đã thuê xe tải đến tận vườn của anh Nguyễn Thế Anh để mua hoa về buôn dịp Tết. "Tôi đến mua thì đúng là có giá 15 nghìn đồng. Tôi mua số lượng lớn, khoảng 200 cây, để kinh doanh", anh Đông cho biết.
Mang tâm lý tò mò, chị Trần Ngọc Hà (ở quận Long Biên, Hà Nội) cũng đến một số "nhà vườn 15k" tại làng hoa Mê Linh để mua. "Trước đó, tôi có hỏi qua thì nhận thông tin vườn đã hết loại 15 nghìn đồng/cây nhưng thấy họ nói 1 chậu cũng bán nếu người mua đến tận nơi nên tôi đến.
Tuy nhiên, tôi chưa thật sự ưng ý với chất lượng cây. Tôi dự kiến bày hoa làm tiểu cảnh trong nhà nhưng những chậu giá rẻ mà tôi mua được thì hoa đã nở khá nhiều nên sợ là không chơi được đến Tết", chị Hà chia sẻ.
Anh Nguyễn Thế Anh, chủ vườn rao bán hoa với giá "gây shock", cho biết, ban đầu, anh chỉ định bán số cây hoa hồng của gia đình mình. Khi thấy cây bán được số lượng lớn, nhiều nhà vườn xung quanh đã ngỏ ý nhờ anh bán trên mạng xã hội với giá 15 nghìn đồng/cây. Thậm chí nếu có ai mua cả vườn, họ sẵn sàng bán với mức giá 10 nghìn đồng/cây.
Chị Dương Minh Hoa, một người trồng hoa ở Mê Linh, cũng đưa ra mức giá bán 15 nghìn đồng/cây với điều kiện mua từ 100 cây, chỉ áp dụng với các dòng hoa hồng trứng xanh, hoa hồng trứng đỏ, hồng tỉ muội...
Chị Hoa cho biết, để giải quyết khó khăn kinh tế trước mắt khi phải thuê đất trồng mà hàng chưa bán được, nhiều người trồng hoa đã chấp nhận bán không lợi nhuận, thậm chí là lỗ nhẹ.
"Cần nói rõ về chất lượng cây đáp ứng mức giá đó"
Cũng xuất thân tại làng hoa Mê Linh, anh Lê Văn Cả không đồng tình với việc bán hoa với giá 15 nghìn đồng/cây lần này. Theo anh Cả, trong kinh doanh, chuyện thuận mua vừa bán là điều ai cũng hiểu. Nhưng những người đang bán hoa giá 15 nghìn đồng đã không nói rõ về chất lượng cây đáp ứng mức giá đó.
"Tôi cho rằng, bán hàng thế nào phải thành thật về chất lượng cây như thế, để không ảnh hưởng tới những người buôn bán khác. Hiện nay, việc câu "view" và kinh doanh mang tính cá nhân như vậy khiến nhiều thương lái đến ép giá chúng tôi chỉ 10-15 nghìn đồng/cây.
Tôi vẫn nói, hãy so sánh về chất lượng. Tôi khẳng định, một cây hoa thân mập, còn nhiều nụ, có thể sống bền thì không thể nào bán với giá đó được. Việc này nếu không được nhìn nhận đúng sẽ ảnh hưởng đến những người nông dân khác khi phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ", anh Cả nhận định.
Cùng quan điểm này, anh Ngô Minh Ngọc, một chủ vườn khác ở Mê Linh, chia sẻ: "Vốn ban đầu cho một cây hoa đã khoảng 6-7 nghìn đồng/cây. Nếu tính các chi phí đầu tư để ra thành phẩm thì tôi không hiểu, bán 15 nghìn đồng/cây, người nông dân sống bằng gì?".
Theo anh Ngọc, nhiều năm qua, cũng có nhà vườn "xả" gốc xấu, gọi là "hàng loại, hàng thải" với giá 10 nghìn đồng/gốc. Tuy nhiên, khách hàng mua về có tiếp tục trồng được hay không thì nhà vườn không thể cam kết cũng như hỗ trợ khách hàng.
Đến nay, chưa ai có thể khẳng định vựa hoa Mê Linh đang bị ảnh hưởng thế nào từ "cuộc chiến" hoa hồng chưa từng có này. Nhiều người nhẹ nhõm vì hàng đã bán hết mặc dù lợi nhuận không cao nhưng cũng có những người vẫn giữ vững niềm tin vào việc giá bán đi đôi với chất lượng.
Song, nếu nhìn ở một khía cạnh tích cực, người nông dân đã biết ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội, trên sàn thương mại điện tử. Và đi cùng với cơ hội luôn là những thách thức.
Giờ đây, người nông dân không còn chỉ chăm chú về giống, về giá bán với thương lái mà còn phải đối mặt với những "bài toán" phức tạp hơn về chiến lược kinh doanh, tiếp thị, bán hàng trên mạng.