Cuộc chiến pháp lý từ đôi giày cao gót

14/05/2016 - 07:00
Việc một lao động nữ tại Anh bị đuổi việc vì không đi giày cao gót làm dấy lên làn sóng chỉ trích buộc công ty đã sa thải cô phải thay đổi quy định. Vụ việc cũng châm ngòi cho cuộc chiến pháp lý đòi điều chỉnh luật Lao động của nước này.
thorp-13-5-plo_uueo.jpg
Nicola Thorp phát động chiến dịch kêu gọi thay đổi Luật hiện hành
  Ảnh:thebwhagency.co.uk
Trong một thông báo mới đây, công ty tài chính Portico (có trụ sở tại London, Anh), nơi đã sa thải cô Nicola Thorp vì không đi giày cao gót, tuyên bố: Tất cả nhân viên nữ của công ty có thể tùy chọn mang giày cao gót hoặc giày đế bằng khi đi làm. Quy định này có hiệu lực ngay lập tức. Ông Simon Pratt, Giám đốc Portico, cho biết công ty đã "cam kết để trở thành một nơi đảm bảo cơ hội bình đẳng và tích cực đón nhận sự đa dạng trong tất cả các chính sách của mình, trong đó có sự đa dạng về giới”. 

Giống như nhiều doanh nghiệp tại Anh, theo Luật lao động hiện hành, Portico có thể yêu cầu nhân viên nữ của mình đi giày cao gót và trang điểm như một phần trong quy định về trang phục. Tuy nhiên, trước làn sóng chỉ trích dữ dội của dư luận cho rằng Portico đã có hành động phân biệt đối xử trên cơ sở giới, công ty này đã buộc phải thay đổi quy định của mình. Theo luật sư Rebecca Tuck (Anh), các công ty có quyền ra quy định trang phục cho nam, nữ nhân viên. Tuy nhiên nếu trang phục đó không thoải mái, gây cản trở công việc, ảnh hưởng sức khỏe của người lao động thì đó là vấn đề pháp lý cần thay đổi.

“Quy định trong luật hiện hành cần được thay đổi để phụ nữ có thể tùy chọn loại giày họ muốn đi tại nơi làm việc”, Nicola Thorp cho biết. Là người khởi xướng chiến dịch kêu gọi Quốc hội Anh ra luật cấm các công ty yêu cầu nhân viên nữ phải đi giày cao gót tại nơi làm việc, Thorp cho rằng, đang tồn tại một “chuẩn mực kép” về trang phục tại nơi làm việc. Trong khi yêu cầu đi giày có đế cao không bao giờ được đặt ra với nam giới thì phụ nữ lại bị bắt buộc thực hiện. Tính đến nay, chiến dịch của Nicola Thorp nhận được hơn 100.000 chữ ký vào đơn kiến nghị gửi tới Quốc hội Anh. Nhiều nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ như Margot James và Caroline Dinenage… cũng ký tên vào đơn kiến nghị. “Năm 2016 rồi mà vẫn có một phụ nữ bị đuổi việc chỉ vì không đi giày cao gót thật là vô lý. Sự phân biệt đối xử trên cơ sở giới này không thể chấp nhận được”, Tulip Siddiq, nghị sĩ thuộc đảng Lao động, đại diện cho quận Hampstead và Kilburn tại London, cho biết.
tulip_siddiq__3551673b-large_transpjliwavx4cowfcaekesb3kvxit-lggwcwqwla_rxju8.jpg
Nghị sĩ Tulip Siddiq
Trao đổi về tính khả thi được Quốc hội thông qua đối với đề xuất của Nicola Thorp, bà Anna Birtwistle, một đối tác của công ty lao động – việc làm CM Murray tại London, nhận định, Anh hiện không có luật riêng quy định về trang phục tại nơi làm việc. Trong trường hợp này, đề xuất của Thorp có thể được Ủy ban Nhân quyền và bình đẳng nước này ban hành một hướng dẫn cảnh báo các chủ sử dụng lao động có thể phải đối mặt với vấn đề pháp lý nếu yêu cầu lao động nữ phải đi giày cao gót.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm