“Cuộc chiến” tranh giành con sau ly hôn: QUÁ KHỐC LIỆT: Tổ chức xã hội "gánh" trách nhiệm kết nối

Nhóm PV
12/03/2023 - 14:00
“Cuộc chiến” tranh giành con sau ly hôn: QUÁ KHỐC LIỆT: Tổ chức xã hội "gánh" trách nhiệm kết nối

Tranh minh họa

Việc kết nối để giúp phụ nữ trong hoàn cảnh bị chồng cũ “bắt” con, không cho con gặp mẹ của các tổ chức có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em là trách nhiệm, thúc đẩy các vụ việc đi tới hồi kết.
Từ trường hợp cụ thể

Trong 2 bài trước, chúng tôi đã đề cập tới trường hợp của chị Cấn Thị Thùy Dương (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) thời điểm ly hôn chồng là anh Đ.T.K đã được TAND TP Bắc Ninh giao quyền chăm sóc con chung là cháu Đ.G.T, 2 tuổi. Tuy nhiên, sau khi bản án có hiệu lực, chị Dương đã nhiều lần đến nhà chồng cũ để đón con về nhưng bị chồng cũ và gia đình ngăn cản.

Bà Quách Thị Ánh, Chủ tịch Hội LHPN TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) cho phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam biết, ngay từ thời điểm chị Cấn Thị Thùy Dương và chồng mâu thuẫn gay gắt liên quan đến người con chung - khi vợ chồng đang ly thân - chị Dương có gửi đơn đến Hội LHPN TP Bắc Ninh nhờ giúp đỡ. 

"Chúng tôi đã chỉ đạo Hội LHPN phường, tổ dân phố tích cực tuyên truyền, vận động, hòa giải nhưng không có kết quả. Khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm và có nhiều thời điểm xảy ra xô xát, chúng tôi cũng đã có công văn gửi sang cơ quan công an để yêu cầu cơ quan này cùng vào cuộc, can thiệp và xử lý", bà Quách Thị Ánh cho biết.

Cụ thể, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Hội LHPN TP Bắc Ninh đã hướng dẫn chị Dương làm đơn gửi đến các cơ quan có thẩm quyền. Sau khi chị Dương nộp đơn ra tòa án, tổ chức này tiếp tục có công văn gửi tới tòa và các cơ quan chức năng. Vụ việc sau đó được TAND thành phố (cấp sơ thẩm) và TAND tỉnh Bắc Ninh (phúc thẩm) đưa ra xét xử rất nhanh và chị Dương được quyền nuôi con.

 “Cuộc chiến” tranh giành con sau ly hôn: QUÁ KHỐC LIỆT: Tổ chức xã hội gánh trách nhiệm kết nối (bài cuối) - Ảnh 1.

Luật sư Lê Thị Hoàng Yến, Phó Ban Giám sát, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam

"Dù đã có phán quyết của tòa án, người chồng vẫn không chịu giao lại con cho chị Dương. Bên thi hành án cũng nhiều lần thuyết phục và cưỡng chế nhưng chưa thành công. Ngày 23/2, đoàn cưỡng chế trong đó có cả đại diện phụ nữ phường tiếp tục đến nhà cưỡng chế nhưng một lần nữa, người chồng vẫn không chịu giao con cho chị Dương. Chúng tôi đã làm hết chức năng, nhiệm vụ nhưng kết quả hiện tại chưa được như mong muốn. 

Bây giờ thẩm quyền thuộc bên Thi hành án nhưng chúng tôi vẫn sẽ đồng hành và hết sức hỗ trợ chị Dương trong thẩm quyền của mình. Vụ việc giờ chỉ chờ bên pháp luật có biện pháp mạnh hơn và chỉ có như thế mới giải quyết được", bà Quách Thị Ánh đưa ý kiến.

Việc khó nhưng cần cố gắng hết sức

Theo ThS - Luật sư Lê Thị Hoàng Yến, Phó Ban Giám sát Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, theo số liệu thống kê mới nhất, số vụ ly hôn ở Việt Nam hiện là 60.000 vụ/năm. Tỷ lệ ly hôn so với kết hôn là 25%, có nghĩa là cứ 4 cặp vợ chồng đi đăng ký kết hôn thì có 1 cặp ly hôn (Theo Báo Đại Đoàn kết ngày 28/6/2022).

Sau ly hôn, nhiều trường hợp cha mẹ cùng yêu thương con nhưng khi không được quyền nuôi trẻ sẽ tìm mọi cách để giành quyền này. Nhiều phụ huynh không quan tâm đến cảm xúc, tâm lý của trẻ, thậm chí có trường hợp coi đứa trẻ như "hàng hóa" hay "công cụ" để trả thù đối phương. Có trường hợp tìm cách "bắt cóc" trẻ em để nuôi dưỡng nhưng cũng có những người "bắt cóc" con chỉ để giao con cho ông bà hay người khác nuôi dưỡng. 

Những trẻ em trong tình trạng bị cha/mẹ tranh giành nuôi con đã vi phạm quyền được sống chung với cha, mẹ, không được đảm bảo theo quy định tại Điều 22 Luật Trẻ em năm 2016.

Cũng theo luật sư Lê Thị Hoàng Yến, hành vi không cho con tiếp xúc với cha/mẹ, hay mang con đi nơi khác khiến người có quyền nuôi dưỡng không rõ tung tích của con là vi phạm quy định tại Điều 82, Điều 83 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về quyền và nghĩa vụ của cha/mẹ đối với con sau khi ly hôn. 

Theo quy định trên thì cha/mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi cũng như tôn trọng quyền được nuôi con của người trực tiếp nuôi.

Hành vi không chấp hành bản án có hiệu lực về việc giao con chung cho người mẹ/cha chăm sóc nuôi dưỡng là vi phạm quy định tại Điều 165 Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 380 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) về Tội không chấp hành án.

Luật sư Lê Thị Hoàng Yến cho biết, khi có đơn thư yêu cầu Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam can thiệp, Hội sẽ lên tiếng, hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi trẻ em bị vi phạm quyền theo thẩm quyền.

Về phía các cơ quan liên quan khác, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh nơi có trẻ em đang cư trú cần chỉ đạo Chi cục Thi hành án thành phố, huyện nơi trẻ em cư trú để phối hợp với UBND cấp xã nơi trẻ em cư trú trên tinh thần giáo dục, thuyết phục người vi phạm tự nguyện thi hành bản án có hiệu lực pháp luật để giao lại cho người mẹ/cha theo quyết định của tòa án.

Trường hợp người cha/mẹ nhất định không giao lại con cho người kia chăm sóc nuôi dưỡng thì cơ quan Thi hành án tổ chức cưỡng chế thi hành án.

"Khi có yêu cầu, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam có thể có ý kiến với các cơ quan hữu trách để yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền thực thi trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất của trẻ em theo quy định của pháp luật", luật sư Lê Thị Hoàng Yến cho biết.

Theo các cán bộ Hội phụ nữ và Hội Bảo vệ Quyền trẻ em, việc thi hành án những trường hợp tranh chấp quyền nuôi con là một trong những việc khó vì trẻ em không phải là "món hàng". Để con trẻ phải chứng kiến các việc tranh chấp như vậy, rất dễ dẫn tới các sang chấn tâm lý, ảnh hưởng suốt đời với hệ lụy lâu dài và nguy hiểm.

Thực hiện loạt bài này, chúng tôi mong rằng, người lớn hãy yêu thương con trẻ đúng cách. Đừng nhân danh tình yêu thương cá nhân để thỏa mãn sự ích kỷ, hiếu thắng của bản thân. Trẻ em đã có đầy đủ quyền được luật hóa. Do vậy, phụ huynh hãy suy nghĩ thấu đáo, cần đặt lợi ích của trẻ em lên hàng đầu. 

Trẻ em được sống đầy đủ trong tình yêu thương của cả cha mẹ thì không bị thiệt thòi và sẽ phát triển đồng đều, tốt nhất cả thể chất lẫn tinh thần.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm