'Cuộc chiến' vợ chồng có thể tránh được

26/10/2016 - 11:00
Chúng tôi nói không dứt về những ước mơ nhưng lại quên mất nói về dự định tài chính cho những ước mơ đó. Nó đã ươm mầm cho một cuộc chiến thực sự.
Tôi chỉ cần anh đưa tiền... (ảnh minh hoạ)
Giờ tôi chả còn buồn nghĩ hay chồng mình có người khác, hay chồng không yêu mình, những thứ đang khiến bao nhiêu phụ nữ dằn vặt, đau khổ… Tôi chỉ cần hàng tháng anh đưa tiền cho tôi nuôi con.

Hôm nay, không lẩn tránh được nữa, không ý tứ tế nhị được nữa, đang giờ làm tôi nhắn anh về nhà ngay có chuyện gấp cần bàn. Tôi nói: “Từ ngày cưới tới giờ đã 2 năm anh chưa hề đưa tiền cho em. Trước thân ai nấy lo thôi thì bỏ qua, nhưng từ khi có con, anh cũng chẳng chịu đóng góp đồng nào, như vậy là sao? Lương em 5 triệu một tháng, tằn tiện lắm mới đủ sống, nuôi một đứa con nhỏ phát sinh nhiều chi phí. Ngoài ra, anh là bố, anh phải có nghĩa vụ đóng góp nuôi con”. Chồng tôi chẳng nói gì. Tôi tiếp: “ Đã tới mức này, nói khéo anh không nghe, ép buộc vậy. Từ nay trong nhà mọi thứ cưa đôi. Tiền nhà trọ cưa đôi. Tiền gửi con, mua thức ăn, sữa, quần áo cho con cưa đôi. Tiền tàu xe, quà cáp mỗi lần về quê cưa đôi. Anh biết đấy, vợ chồng mà đã chơi kiểu sòng phẳng này thì tình cảm chẳng còn gì nữa”. Chồng tôi châm thuốc hút. Một lúc mới nói: “Em bình tĩnh, chuyện đâu có đó. Trước mắt khó khăn, sau này anh sẽ có tiền. Em đừng lo”. Tôi những muốn nổi điên. “Đừng lo” ư? Vậy ai lo cho. Anh nhé, anh lo cho em nhé. Cứ hiện tại đi, anh đừng nói chuyện sau này nữa, mệt mỏi lắm”.

Tôi buộc phải gọi anh về để bàn chuyện gấp (ảnh minh hoạ)

Chồng tôi làm ngành xây dựng. Không phải công nhân nhưng cũng chả khác gì công nhân. Năng lực có hạn, anh làm tay sai cho người ta, giám sát những công trình nhỏ. Tôi hỏi anh có lương không, anh bảo có lương. Tôi hỏi thế lương đâu, anh bảo lương ít lắm, xăng xe, thuốc nước cà phê hết luôn. Ít là bao nhiêu, vài triệu không? Anh ầm ờ, thì chừng chừng đó.  Tôi tiếp “Vài triệu có cách tiêu của vài triệu. Nhận lương về anh cứ đưa hết cho em. Sau đó cần tiêu gì hỏi, có phải hơn không”.  Anh phản ứng “Như thế còn gì là đàn ông nữa, một nghìn mua gói thuốc lào cũng hỏi vợ”.  Máu trong người tôi nổi lên “Vậy cách xử sự như hai năm vừa rồi là đàn ông chắc. Lơ là trách nhiệm làm chồng, làm bố vậy là đàn ông chắc”. Chồng tôi nổi quạu “Sao khi nào em cũng tiền tiền tiền vậy? Đã bảo rồi, sau này anh sẽ có”. Cuộc nói chuyện kết thúc, chả giải quyết được vấn đề.

Tôi quá chủ quan vì xem nhẹ chuyện tiền bạc khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Mẹ tôi lo lắng “Lấy nó có khi phải nuôi nó đấy, cái thằng công việc không ổn định ấy, lại đi suốt ngày”. Chị tôi cũng phản đối “Thuê nhà cả đời đó, mà chả đủ tiền thuê cái nhà tử tế đâu, nghĩ kỹ đi em ơi”. Tôi ức “Có gì mà phải nghĩ kỹ với không kỹ. Có gì mà không sống được”.  Tôi cho rằng mẹ, chị tôi suy nghĩ tiền bạc trần trụi quá, xúc phạm cả hạnh phúc người khác.  

Tôi quen sống có mẹ và chị lo cho hết về kinh tế nên chả biết điều đó quan trọng tới cỡ nào. Lấy anh rồi, những điều mẹ và chị cảnh báo trước kia đều đúng.  Một mặt tôi vẫn cố bảo vệ, giữ hình ảnh cho chồng, mặt khác tôi vẫn về nhà xin thêm tiền mẹ, tiền chị hàng tháng để đủ nuôi con. Khi yêu anh, nghĩ về tương lai anh chia sẻ, tôi cứ xúc động trong tim. Tôi tin chắc vợ chồng tôi sẽ sống tốt.

Chúng tôi mải nói về ước mơ mà quên mất cơ sở thực hiện ước mơ đó

Một sai lầm nữa là trước khi bước vào cuộc hôn nhân, tôi và anh chưa khi nào bàn chuyện tiền bạc. Lẽ ra chúng tôi phải nhìn thẳng vào vấn đề này. Nhất là với anh, tay trắng lấy vợ, đã là đáng ái ngại rồi, nên càng phải nhấn mạnh chuyện kinh tế. Khi đó nếu cùng bàn bạc, đưa ra những nguyên tắc về trách nhiệm của mỗi người, về kế hoạch chi tiêu thì có lẽ không có ngày chúng tôi phải “chiến tranh” thế này.                                             

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm