pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cuộc chuyển hóa ngoạn mục của người đàn ông từng cầm dao đuổi chém vợ khắp làng
Vợ chồng anh Nguyễn Bá Thoại* và chị Nguyễn Thị Thu* trong một buổi sinh hoạt do Hagar tổ chức.
Cầm dao truy lùng vợ khắp làng
Ở xã Quỳnh Lương (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) ai cũng bảo chị Nguyễn Thị Thu* (SN 1983) là người phụ nữ khổ nhất thế gian, sinh ra để nếm trải những tột cùng của đau đớn.
Năm 2004, chị Thu kết hôn cùng anh Nguyễn Bá Thoại* (SN 1979, xã Quỳnh Lương). Những tưởng được bao bọc yêu thương, chăm sóc, nhưng nào ngờ đâu, số lần ăn đòn của chị sau khi lấy chồng còn nhiều hơn số lần chị ăn cơm.
"18 năm nay, anh ấy cứ đi uống rượu, đi chơi về là đánh đập, chửi bới vợ con. Những ngày hết tiền, không đi ăn chơi được, anh ấy cũng gây sự rồi đánh chửi tôi. Còn hôm nào ở nhà, anh ấy cũng yêu cầu tôi phải mua đồ ăn ngon, nếu không có tiền để mua thì cũng đánh…", chị Thu kể với giọng như sắp khóc.
Tình trạng bạo lực tại gia đình chị Thu xảy ra từ nhiều năm nay. Từ ngày lấy chồng, chị Thu chưa có 1 ngày trọn vẹn được hạnh phúc. Thậm chí, khi chị Thu mang thai đứa con đầu lòng, chị vẫn bị chồng dùng gậy đánh đến chảy máu đầu, phải nhập viện cấp cứu.
"Cách đây vài năm, anh Thoại còn khóa trái cửa phòng, đốt tủ quần áo, phá đồ đạc trong phòng. Đánh luôn cả đứa con út mới được 2 tuổi. Khi tôi chạy trốn khỏi nhà thì anh ấy vác dao đi tìm, lục soát khắp các nhà láng giềng…", chị Thu nói.
Khoảng 2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh Covid-19, anh Thoại không kiếm được tiền, gia đình càng trở nên mâu thuẫn thêm, bạo lực thường xuyên xảy ra. Bố mẹ chồng chị cũng nhiều lần khuyên ngăn về hành vi của anh Thoại, nhưng chỉ được vài hôm thì đâu lại vào đấy.
Từng nghĩ đến cái chết để giải thoát
"Có lần tôi bị chồng cầm dao đi tìm để giết vì tội không lo được tiền cho chồng đi chơi, may mà được mẹ chồng báo trước, bà còn chuẩn bị cho tôi mấy bộ quần áo để đi lánh nạn bên nhà ngoại...", chị Thu nói. Chị cho biết, nhiều năm nay, chị luôn trong tâm trạng mặc cảm, tự ti với mọi người vì có chồng như thế.
Vì tình trạng bạo lực kéo dài, chồng chị bỏ mặc không quan tâm đến chị và trách nhiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cái, đã có lúc chị Thu từng nghĩ đến cái chết để giải thoát, nhưng vì thương 3 đứa con nên chị phải cố gắng chịu đựng.
Chứng kiến cảnh chị Thu ngày nào cũng bị đánh, nhiều người đã khuyên chị nên ly hôn với người chồng bội bạc này đi, nhưng chị không đành lòng vì nghĩ đến các con, chị muốn các con lớn lên trong vòng tay có cả bố và mẹ.
Suốt gần 20 năm qua, chị Thu chỉ thấy an toàn khi chồng vắng nhà. Mặc dù bị đánh đập suốt thời gian dài, nhưng chị Thu vẫn cam chịu, không dám tâm sự hay chia sẻ cùng ai, vì nghĩ rằng "xấu chàng hổ ai" và nếu báo ai, nếu chồng biết được chồng càng đánh chị nhiều hơn.
"Có lần một người thân của chị Thu đến chơi và biết được sự việc chị Thu bị chồng đánh suốt 1 thời gian dài, người này đã tự ý lên trình báo với công an. Ngay hôm sau, anh Thoại bị công an gọi lên làm việc. Khi chị Thu biết tin, chị ta còn lên khóc lóc, van xin tha cho chồng", một người hàng xóm chị Thu nói và cho biết, sau khi được thả, chị Thu bị chồng đánh rất nặng.
Đời đổi thay khi… chồng thay đổi
Cuối năm 2019, Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam phối hợp cùng Hội LHPN huyện Quỳnh Lưu thành lập "đội phản ứng nhanh, hàn gắn những vụ bạo lực gia đình" tại xã Quỳnh Lương. Biết được hoàn cảnh chị Thu nên bà Bùi Thị Thoa, Chủ tịch Hội LHPN xã Quỳnh Lương đã động viên vợ chồng chị Thu tham gia.
Ngày đầu tiên vợ chồng anh chị đến buổi tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình, 2 mắt chị Thu vẫn còn vết bầm tím do bị chồng đánh, nhưng chị không dám nói ra vì sợ… người ta cười cho.
Vợ chồng chị được nghe các câu chuyện về bạo lực gia đình và dường như cả 2 vợ chồng đều nhận thấy hình ảnh của gia đình mình trong các câu chuyện đó. Khi được các chuyên gia của Hagar hỏi về tình trạng bạo lực trong gia đình mình, cả 2 vợ chồng đều ngượng ngùng chẳng ai dám nói ra, nhưng có lẽ vợ chồng anh chị đã cảm nhận được những hậu quả tồi tệ mà bạo lực mang lại.
"Chồng tôi đã thay đổi nhiều theo chiều hướng tích cực sau mỗi buổi tập huấn. Các cuộc tụ tập ăn uống, rượu chè đã được chồng hạn chế. Có lần chồng đi uống rượu về muộn, anh ấy còn tỏ ra như người có lỗi, chủ động bắt chuyện với tôi như để xoa dịu sự khó chịu của tôi. Trước có ngủ mơ, tôi cũng không dám mơ thế này", chị Thu nói và cho biết, đây là điều mà 18 năm qua chưa từng xảy ra.
Sau nhiều buổi tập huấn, anh Thoại đã biết lắng nghe vợ nhiều hơn, anh đã chăm chỉ đi làm, đóng góp kinh tế để cùng vợ nuôi con. Thi thoảng ngồi tâm sự với vợ, anh đã nhận ra lỗi lầm của mình. Tuy vậy, cuộc sống của vợ chồng vẫn có lúc "cái bát va nhau", nhưng anh Thoại không còn đánh vợ như trước đây nữa, mà đã áp dụng những kinh nghiệm được học hỏi các chuyên gia từ Hagar để giải quyết vấn đề một cách thấu tình đạt lý hơn.
"Từ ngày tham gia các buổi tập huấn do Hagar tổ chức, tôi đã nhận ra nhiều sai lầm của mình. Trước đây tôi luôn cho rằng các việc nhà như: nấu cơm, rửa bát, quét nhà… phải là do phụ nữ làm. Nhưng bây giờ tôi đã thay đổi cách nghĩ. Mọi công việc trong nhà, tôi đều san sẻ cùng vợ…", anh Thoại nói.
Từ một người đàn ông luôn tự phong cho mình cái quyền muốn đánh vợ lúc nào cũng được, giờ đây anh Thoại đã "văn minh" hơn rất nhiều. Không còn cảnh vác dao đuổi vợ chạy khắp làng, không còn những cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng và không đánh vợ mỗi khi bữa cơm không có đồ ăn ngon nữa.
Tạo ra môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em
Ông Hồ Nguyên Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) cho biết, trong 2 năm qua, với cơ chế hợp tác đa ngành trong hỗ trợ người bị bạo lực giới từ thực tiễn mô hình đội phản ứng nhanh đạt được kết quả rất tốt.
Đội phản ứng nhanh gồm 15 thành viên tham gia. Đứng đầu dự án là những cán bộ đại diện chính quyền (Phó chủ tịch UBND xã), các ban ngành, đoàn thể từ xã đến thôn, người uy tín trong cộng đồng trên địa bàn xã.
Thông qua các hoạt động truyền thông, các cuộc thi, dự án đã giúp cho người dân nâng cao nhận thức gia đình, cá nhân và cộng đồng trong xây dựng gia đình hạnh phúc và phòng, chống bạo lực gia đình, từng bước ngăn chặn và giảm dần số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn.
"Có thể nói đây là đội ngũ cán bộ có khả năng tuyên truyền, vận động quần chúng, tổng hợp các thông tin, dư luận từ nhân dân, tâm huyết, có thể phát hiện, giải cứu và kết nối các dịch vụ hỗ trợ bảo vệ cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại, mua bán và những người có nguy cơ cao trên cơ sở có sự hiểu biết về sang chấn, qua đó góp phần ngăn ngừa và giảm tình trạng bạo lực giới trên địa bàn xã.
Dự án đã tạo một môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em và người dân, đồng thời phát huy vai trò, chức năng và đáp ứng yêu cầu tuyên truyền các vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa, các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương và nhu cầu của đông đảo mọi tầng lớp phụ nữ và nhân dân trên địa bàn", ông Tuấn nói.
* Tên nhân vật đã được thay đổi