Cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ: Vì một thế giới an toàn hơn

16/07/2018 - 15:33
Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đứng đầu Điện Kremlin Vladimir Putin ngày 16/7 tại thủ đô Helsinki (Phần Lan) được kỳ vọng sẽ giúp quan hệ song phương "tan băng". Qua đó, tạo cơ hội để hai cường quốc thiết lập lại các mối quan hệ và phát triển hợp tác trong nhiều vấn đề quan trọng. Trước mắt, việc quan hệ Nga-Mỹ được cải thiện sẽ có lợi cho hòa bình, ổn định tại khu vực và thế giới.
helsinki-2.jpg
Helsinki (Phần Lan) là nơi sẽ diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ

 

Cuộc gặp của ông Trump và ông Putin lần này diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương đang rơi xuống mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, nhà phân tích Andrei Baklitsky cho rằng, thực tế cuộc gặp được tổ chức cũng đã là một "chiến thắng" với Điện Kremlin sau khi Washington liên tục lùi kế hoạch gặp song phương, trong khi Moscow luôn tìm kiếm cơ hội để hai nhà lãnh đạo có thể ngồi lại và thảo luận về tình hình thế giới cũng như quan hệ song phương. Chuyên gia Baklitsky hy vọng hai bên sẽ đạt được những quyết định mang tính đột phá tại cuộc gặp lần này để có thể ra một tuyên bố chung.
  
Còn cựu Ngoại trưởng Phần Lan Pertti Torstila cho rằng, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga được dự báo sẽ đầy chông gai, bắt đầu với các vấn đề như cuộc xung đột tại Syria, Ucraina cũng như cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016, những biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga... Tuy nhiên, nhà ngoại giao này bày tỏ tin tưởng nhiệm vụ khó khăn đó sẽ không ngăn cuộc họp diễn ra bởi "an ninh không tới từ những bức tường mà từ việc dỡ bỏ chúng". Do vậy theo ông, việc càng liên lạc và tiếp xúc nhiều, thế giới càng trở nên an toàn hơn.
 
donald-trump-vladimir-putin-1a.jpg
Cái bắt tay giữa nguyên thủ hai nước Mỹ - Nga

 

Theo cựu Ngoại trưởng Phần Lan, cả Mỹ và Nga đều muốn chấm dứt cuộc chiến ở Syria và dù có thể những tiến bộ không được đưa ra ở Helsinki, song khả năng sẽ có một khởi đầu nào đó tại đây, điều sẽ dẫn tới những kết quả tốt đẹp sau này.
 
Cố vấn cấp cao và Giám đốc Chương trình Nga và Âu-Á tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế Olga Oliker nhìn nhận, hai nhà lãnh đạo sẽ tập trung vào 3 chủ đề liên quan tới lợi ích song phương, gồm việc mở rộng Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START mới), bảo vệ Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung và thiết lập các kênh liên lạc quân sự chặt chẽ hơn trong nhiều lĩnh vực.  Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới 2010 (START mới) là một thỏa thuận kiểm soát vũ khí có hiệu lực vào ngày 5/2/2011. Mục đích của hiệp ước này, về cơ bản là giới hạn quy mô các kho vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ - hai nước sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân nhất thế giới. Hiệp ước này cũng cho phép Washington và Moscow theo dõi chương trình hạt nhân của nhau thông qua việc kiểm tra nghiêm ngặt và chia sẻ dữ liệu. START mới có hiệu lực cho đến năm 2021 và người ta đang kỳ vọng cuộc gặp Thượng đỉnh Trump-Putin có thể mở đường cho việc gia hạn hiệp ước này thêm 5 năm.
 
Nếu START mới có thể được gia hạn thì sau đó hai bên có thể cân nhắc nối lại những cuộc đàm phán ổn định chiến lược. Trong đó, một lựa chọn sẽ là khởi động đối thoại 2 2 của Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Mỹ-Nga. Các chuyên gia kỳ vọng Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Nga giải quyết được những khúc mắc vốn tồn tại lâu nay nhưng cuộc gặp Trump-Putin hoàn toàn có thể mở ra những hướng giải quyết mới, hạ nhiệt những điểm nóng hiện nay trên thế giới cũng như những “điểm nóng” trong quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm