pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cuộc sống như động vật của những người “vợ” nô lệ ở Niger
Các cô gái nô lệ tại một buổi lễ năm 2005 khi Arissal Ag Amdague, người đứng đầu cộng đồng nô lệ ở miền tây Niger, hứa sẽ trả tự do cho tất cả 7.000 nô lệ. Ảnh: Georgina Cranston/Reuters
Al-Husseina Amadou không bao giờ quên ngày cô bị bán đi làm "vợ". Giống như cha mẹ mình, Amadou sinh ra trong thân phận nô lệ ở miền Nam Niger, một quốc gia ở Tây Phi. 45 năm trước, khi mới 15 tuổi, cô được một doanh nhân giàu có từ Nigeria đến và mua về. "Cha mẹ tôi là những người không có tiếng nói. Tôi chỉ là một cô gái và ông ta mua tôi không khác gì mua một con gà ngoài chợ. Khi phải theo ông ta rời đi, tôi đã khóc với mẹ", cô nói.
Trong 15 năm, Amadou sống với "chồng" ở miền Bắc Nigeria, phục vụ cho 4 người vợ chính thức đã kết hôn theo luật Hồi giáo và các con của họ, đồng thời làm công việc đồng áng và chăn nuôi gia súc.
Amadou ít khi được ăn uống tử tế, cô sẽ ăn thức ăn thừa của gia đình hoặc trộm ngũ cốc để ăn. Cô đã hàng chục lần bỏ trốn để trở về gia đình ở Niger, nhưng luôn bị bắt đưa trở lại và sau đó bị đánh đập. "Nếu tôi bỏ trốn hoặc không làm việc, những người vợ và thậm chí cả con của họ sẽ đánh tôi. Tôi gầy đi vì lúc nào cũng đói. Nếu chồng tôi mua đồ ăn thì anh ấy chỉ đưa cho những người vợ và những đứa con kia. Tôi không có gì cả", Amadou nói.
Cuối cùng, Amadou cũng trốn thoát bằng cách gia nhập đoàn người chăn nuôi lạc đà, đi bộ bảy ngày để qua biên giới Niger. Cô nói: "Bất cứ khi nào tôi nhớ lại cuộc hành trình đó, tôi đều khóc. Tôi thậm chí còn không có giày để mang".
Wahaya và những người "vợ" nô lệ ở Niger
Chế độ nô lệ rất phức tạp ở Niger và đã phổ biến ở các vương quốc Tây Phi từ nhiều thế kỷ trước. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực xóa bỏ, nhưng lúc bấy giờ nó vẫn tiếp diễn. Theo các tổ chức Anti-Slavery International và Timidria, hàng chục nghìn người bị bắt làm nô lệ trên khắp Niger, con số này ước tính lên tới 130.000. Hầu hết họ là con cháu của những nô lệ từ nhiều thế hệ trước, sống và làm việc trên mảnh đất của những người từng là "chủ nhân".
Wahaya là một trong những hình thức nô lệ phổ biến nhất ở Niger. Thông qua wahaya, những người đàn ông giàu có và các nhà lãnh đạo truyền thống có thể mua phụ nữ để phục vụ tình dục và giúp việc nhà với giá chỉ 200£ (hơn 5,6 triệu đồng). Ngày nay, wahaya chủ yếu diễn ra ở khu vực phía Nam gần biên giới Nigeria. Wahaya cho phép đàn ông có tối đa 4 vợ theo luật Hồi giáo được lấy thêm vợ lẽ, gọi là "vợ thứ năm".
Tiến sĩ Benedetta Rossi, người nghiên cứu chế độ nô lệ ở Niger ở Đại học College London, Anh quốc, cho biết: "Đó là một hình thức buôn bán tình dục. Trong Hồi giáo, mại dâm và quan hệ tình dục ngoài hôn nhân bị coi là có tội, và do đó, luôn có nhu cầu tìm kiếm phụ nữ cho một mối quan hệ hợp pháp theo truyền thống và tôn giáo-luật pháp".
Con cái của những phụ nữ bị bắt làm nô lệ như wahaya không có địa vị gì trong gia đình. Những đứa trẻ này lao động không công trong khi wahaya không ngừng làm việc: lấy nước, dọn dẹp, nấu ăn và phục vụ những người vợ chính thức.
Cuộc sống của những phụ nữ từng là wahaya
Hadizatou Mani từng là nạn nhân của wahaya và được tổ chức Timidria hỗ trợ thoát khỏi cảnh nô lệ. Năm 1996, ở tuổi 12, Mani bị bán với giá khoảng 250£ (hơn 7 triệu đồng) cho một người đàn ông 60 tuổi, người đã đánh đập và buộc cô phải sinh 3 đứa con. Mani nói: "Tôi được đưa đến khu coumpound nhà chồng vào ban đêm. Tôi phải giã kê, lấy nước và làm việc trong trang trại trong suốt mùa gieo sạ và thu hoạch. Tôi không có quyền nói không và không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải làm mọi công việc".
Năm 2005, hai năm sau khi bộ luật hình sự mới của Niger hình sự hóa chế độ nô lệ, Mani được cấp chứng nhận tự do và được chồng trả tự do sau 10 năm làm nô lệ. Tuy nhiên, khi trở thành một phụ nữ tự do và kết hôn, chồng cũ đã đệ đơn kiện, cho rằng Mani là vợ của mình chứ không phải là nô lệ và buộc tội cô tội trùng hôn.
Mani sau đó bị thẩm phán kết án 6 tháng tù. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của Timidria và Tổ chức chống nô lệ quốc tế, năm 2008 Mani đã khởi kiện lên tòa công lý Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (Ecowas). Cô được tuyên bố giành chiến thắng và nhận khoản bồi thường 20.000 USD (hơn 465 triệu đồng). Một năm sau, vào năm 2009, Mani nhận Giải thưởng Phụ nữ can đảm quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại một buổi lễ ở Washington cùng với bà Hillary Clinton và bà Michelle Obama. Mani cũng nằm trong danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2009 của Tạp chí Time.
Vào năm 2019, tòa án tối cao của Niger cuối cùng đã lật lại vụ án trùng hôn của Mani và trực tiếp cấm wahaya. Mani nói: "Tôi rất tự hào, rất hạnh phúc, vì điều đó có nghĩa là nhiều phụ nữ sẽ được nhận được lợi ích chứ không chỉ riêng tôi. Trước đây tôi không có bất kỳ quyền nào, tôi không thể nói ra những gì tôi muốn. Nhưng từ đó khi tôi có thể làm việc, tôi có thể giúp ích cho mình và cho những người khác".
Không giống như Mani, Amadou chọn không kết hôn. Ngày nay, cô sống với 5 phụ nữ khác cũng từng wahaya và con cái của họ. Họ cùng nhau điều hành một hợp tác xã, dệt chiếu rơm và bán tại chợ địa phương. Amadou nói: "Chúng tôi từng bị đối xử như động vật. Bây giờ chúng tôi được tự do và được sống như những người bình thường. Không ai bắt chúng tôi phải làm. Chúng tôi có một cuộc sống hạnh phúc".