130 triệu trẻ em gái và phụ nữ châu Phi là nạn nhân của tảo hôn

Kim Ngọc
18/06/2022 - 21:11
130 triệu trẻ em gái và phụ nữ châu Phi là nạn nhân của tảo hôn

Ảnh minh họa

UNICEF kêu gọi các chính phủ và tất cả các bên liên quan đẩy nhanh nỗ lực và tăng nguồn lực trong nước để chấm dứt tình trạng tảo hôn và cắt âm vật.

Châu Phi là nơi có 130 triệu cô dâu nhí, bao gồm cả trẻ em gái dưới 18 tuổi đã kết hôn và phụ nữ trưởng thành từng là nạn nhân của tảo hôn. Nhân Ngày Quốc tế Trẻ em Châu Phi 16/6 vừa qua, Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã đưa ra các báo cáo cấp châu lục và khu vực về nạn tảo hôn và hủ tục cắt âm vật (FGM) ở châu Phi. Những báo cáo cung cấp thông tin về các hủ tục và kêu gọi chính phủ và các tổ chức khu vực đẩy nhanh nỗ lực và tăng cường nguồn lực trong nước để chấm dứt tình trạng tảo hôn và cắt âm vật, phù hợp với Chương trình nghị sự toàn cầu năm 2063 và 2030 của Liên minh Châu Phi về phát triển bền vững. Các ưu tiên của khu vực và toàn cầu được nhấn mạnh bởi Hiến chương Châu Phi về Quyền và Phúc lợi của Trẻ em và Công ước về Quyền Trẻ em.

Tảo hôn và cắt âm vật là vi phạm quyền trẻ em. Tuy nhiên, ở nhiều cộng đồng trên khắp lục địa, trẻ em gái tiếp tục có nguy cơ phải trải qua một trong hai vấn nạn này. Tình trạng tảo hôn diễn ra khắp châu Phi, với mức cao nhất ở Sahel và ở các nước Trung và Đông Phi. Chín trong số mười quốc gia có mức độ tảo hôn cao nhất trên thế giới thuộc châu Phi cận Sahara, bao gồm Niger, Cộng hòa Trung Phi, Chad, Mali, Mozambique, Burkina Faso, Nam Sudan, Guinea và Nigeria. Gần 140 triệu trẻ em gái và phụ nữ ở châu Phi đã trải qua hủ tục cắt âm vật, trong đó hơn 40 triệu người cũng từng là nạn nhân của tảo hôn.

Marie-Pierre Poirier, Giám đốc UNICEF khu vực Tây và Trung Phi, cho biết: "Chấm dứt tình trạng tảo hôn là ưu tiên hàng đầu của UNICEF. Để đẩy nhanh các nỗ lực, chúng ta cần đầu tư vào các lĩnh vực có tác động cao, đặc biệt là giảm nghèo như một động lực chính của tảo hôn, đảm bảo trẻ em gái được tiếp cận với nền giáo dục và học tập có chất lượng trên quy mô lớn và thay đổi hành vi xã hội có lợi cho trẻ em gái và phụ nữ tham gia tích cực vào đời sống kinh tế - xã hội. Cần có các can thiệp đa ngành và theo bối cảnh do tỷ lệ tảo hôn ở các vùng nông thôn, các hộ nghèo nhất và những người ít hoặc không được học hành ngày càng cao. Chúng ta cần các mô hình kinh doanh để xoay chuyển vấn đề tảo hôn và giúp đảm bảo quyền được bảo vệ của trẻ em gái và phụ nữ".

130 triệu trẻ em gái và phụ nữ châu Phi là nạn nhân của tảo hôn - Ảnh 1.

130 triệu trẻ em gái và phụ nữ châu Phi là nạn nhân của tảo hôn. Ảnh: UN

Một số quốc gia ở châu Phi đã đạt được tiến bộ lớn trong việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn, trong khi những quốc gia khác lại có sự trì trệ. Xung đột, biến đổi khí hậu và COVID-19 đã làm gián đoạn giáo dục và tạo ra các cú sốc kinh tế, khiến nhiều phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ trở thành nạn nhận của tảo hôn hơn khi một số bậc cha mẹ muốn gả con gái sớm để đối phó với tác động của khủng hoảng.

Dữ liệu cho thấy ở cấp độ châu lục, châu Phi tiếp tục tụt hậu trong việc đạt được các mục tiêu của Mục tiêu phát triển bền vững 5.3 nhằm loại bỏ tất cả các hủ tục vào năm 2030. Nếu tiến độ không được đẩy nhanh, sẽ có thêm 45 triệu trẻ em gái ở khu vực cận Sahara của châu Phi trở thành những cô dâu nhí trong thập kỷ tới, do tiến bộ chậm và gia tăng dân số.

"Khi các chính phủ châu Phi đánh giá cả những gì đã đầu tư và những gì còn phải làm để xóa bỏ nạn tảo hôn và cắt âm vật, thì việc tăng cường nguồn lực trong nước để loại bỏ hủ tục có hại là cấp thiết. Điều này sẽ mang lại cho mọi trẻ em trên lục địa này cơ hội tốt hơn để có được tuổi thơ và những điều các em đáng được hưởng", Mohamed M. Malick Fall, Giám đốc UNICEF khu vực Đông và Nam Phi cho biết.

Các can thiệp phối hợp như UNICEF-UNFPA Toàn cầu/ Chương trình chung nhằm xóa bỏ tảo hôn và cắt âm vật (FGM), chiến dịch của Liên minh châu Phi nhằm chấm dứt tảo hôn và FGM (Sáng kiến Saleema) cũng như Sáng kiến Spotlight đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết để thành công các hủ tục trên lục địa.

Để đẩy nhanh hành động nhằm cải thiện quyền trẻ em ở châu Phi, UNICEF kêu gọi chính phủ và tất cả các bên liên quan đẩy nhanh các nỗ lực và tăng nguồn lực trong nước để chấm dứt tình trạng tảo hôn và cắt âm vật.

"Nếu không có sự tham gia của cộng đồng và các nhà lãnh đạo truyền thống để thúc đẩy các can thiệp, sẽ không thể thay đổi các chuẩn mực xã hội góp phần gây ra tảo hôn và những hủ tục khác. Chúng ta cần các tổ chức xã hội dân sự quyết liệt hơn, các nhà lãnh đạo truyền thống và các cơ cấu dựa vào cộng đồng để củng cố hệ thống bảo vệ trẻ em, đồng thời bảo vệ trẻ em gái và trẻ em trai khỏi bạo lực, bóc lột, lạm dụng và các hủ tục", tiến sĩ Edward Addai, Trưởng đại diện UNICEF tại Liên minh châu Phi và Ủy ban Kinh tế Liên Hợp Quốc về Châu Phi, nói.

Nguồn: UNICEF
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm