Cuộc sống vội vã sau vô lăng của nữ tài xế taxi

11/02/2017 - 07:30
Chị Vũ Thu Huyền sinh năm 1980, ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội, làm nghề tài xế taxi đã được tròn 2 năm. Đây cũng là quãng thời gian mà phía sau vô lăng, chị đã có những ngày thường nhật trôi qua, tuy đầy phụ thuộc, vội vã, thất thường nhưng... đam mê.

Sáng nay (10/2) tức ngày 14 tháng Giêng Âm lịch, chị Huyền thức giấc từ 5 giờ sáng như thường lệ. Chị tranh thủ ăn vội chút bánh rán rồi gọi điện nhờ người em dâu đi chợ mua đồ lễ hoa quả để cúng rằm giùm. Tuy dậy sớm nhưng chị Huyền không có thời gian để đi chợ vì phải vội vã lái xe 26km từ nhà vào trung tâm thành phố để bắt đầu một ngày làm việc dài và bận rộn.

e.jpg
 Như mọi ngày, chị Huyền thường lên ô tô đi làm khi trời còn chưa sáng khi chồng - con cũng chưa thức giấc

Năm 2014, chị Huyền bén duyên với nghề tài xế taxi. Chị kể, cơ duyên đến với nghề không có gì đặc biệt. Trước, chị làm nghề buôn bán nhỏ. Gần nhà chị có mấy chiếc taxi hay đỗ lại và chị hay trò chuyện với các tài xế. Khi nghe các anh kể về nghề lái xe, về thu nhập, cách để chọn địa điểm/nhận diện khách hàng cho an toàn, kinh nghiệm để xử lý khi xe bị trục trặc kỹ thuật… thì chị thấy thích. Sau đó chị quyết định đi học lái ô tô.

Sau khi lấy bằng, chị Huyền tìm đến hãng taxi ABC trong nội thành Hà Nội nộp hồ sơ xin việc.

Ban đầu, chị sợ công ty không nhận phụ nữ lái taxi nên chị đã phải đăng ký tên của chồng. Lúc nộp tiền đặt cọc cho hãng, nhận xe, tham gia khóa sát hạch, tập huấn… thì chị mới “lộ diện” mình là người lái chính, chứ không phải chồng; Rất may công ty không "tỏ thái độ" gì mà chấp nhận chị luôn.

b.jpg
Thời gian đầu khi mới vào nghề tài xế, cuộc sống của gia đình chị Huyền có nhiều xáo trộn.

Kể từ khi vợ lái xe, chồng chị phải bỏ dở công việc đang làm để ở nhà đảm nhiệm các việc chợ búa, giặt giũ, nấu ăn, đưa con đi học, đón con, dọn dẹp nhà cửa, đối nội, đối ngoại… Cậu con trai lớn của anh chị khi ấy đang học lớp 8 bắt đầu phải học nấu ăn, làm việc nhà, dạy dỗ các em. Con gái thứ 2 của chị khi ấy bắt đầu vào lớp 1. Bé út thì vừa mới cai sữa. Có những ngày, bé khóc suốt vì nhớ mẹ. Có những ngày, bé dứt khoát đòi mẹ phải ở nhà, không cho đi làm... Với bản thân chị Huyền, thời gian đầu khi mới vào nghề, chị chạy được ít, thu nhập không nhiều. Chị hay bị công an phạt vì chưa thuộc luật, thuộc đường, bị khách phàn nàn, thậm chí quỵt tiền... Khi về đến nhà thì chị hay mệt mỏi, buồn ngủ triền miên. Quan hệ vợ chồng cũng từng rơi vào lục đục, khủng hoảng vì thiếu hụt sự quan tâm...

Khoảng nửa năm trôi qua, chị Huyền và các thành viên trong nhà bắt đầu học được cách “cân bằng”. Vợ chồng thường xuyên động viên nhau cùng cố gắng. Các con cũng học được cách tự chăm sóc mình. Mỗi khi mẹ - con nhớ nhau thì có thể gọi điện. Chồng, vợ muốn bàn bạc chuyện lớn, chuyện nhỏ thì thông qua điện thoại. Có tháng, chị Huyền chi tới 700 ngàn đồng tiền điện thoại chỉ để dành gọi riêng cho gia đình. Vào những ngày lễ, tết, giỗ chạp, họp hành… chị cũng luôn cố gắng thu xếp thời gian trước 1 – 2 ngày để đổi ca, nghỉ phép. Vào những ngày ít khách được về sớm, chị luôn cố gắng tìm cách bù đắp thời gian, tình cảm, sự chăm sóc cho chồng con…

Tuy nhiên, nói về nhịp làm việc, suốt 2 năm qua, trung bình mỗi ngày chị Huyền đều ngồi sau vô lăng từ 9-10 giờ đồng hồ và làm bất kỳ việc gì cũng luôn vội vã. Buổi sáng, khoảng 6h30 đến 7 giờ, chị đã nhanh chóng có mặt ở khu vực sảnh sau của bệnh viện Phụ sản Hà Nội để sẵn sàng phục vụ những vị khách cần rời viện sớm.

Trong ngày, lúc đang trên đường đưa khách đi, chị cũng luôn rơi vào tâm trạng "phải nhanh" vì hay có khách hẹn đón ở điểm hẹn tiếp theo. Những lần chị chạy xe đưa phụ nữ tới viện đẻ thì càng "phải chạy cật lực". Buổi trưa, việc chị bỏ bữa, nhỡ bữa ăn là thường xuyên. Đã rất nhiều lần chị Huyền phải vừa lái vừa uống tạm ngụm nước, ăn vội chiếc bánh cầm hơi. Cũng rất nhiều bữa, chị vừa bê hộp cơm lên đã phải vội hạ xuống vì có khách...

Khi xe dừng đỗ, đợi khách, chị Huyền lại có rất nhiều việc để làm: tranh thủ gọi điện về nhà cho chồng, con; Tranh thủ trao đổi với đồng nghiệp (công ty ABC nơi chị làm đang có 7 nữ tài xế taxi) về cách xử lý xe khi trục trặc kỹ thuật, khi gặp sự cố bị khách sàm sỡ, quỵt tiền...; Vào những hôm quá mệt mỏi và cần ngủ, chị cũng chỉ có thể cho phép mình chợp mắt vội trong xe chừng 15 phút...

img_20170210_103600.jpg
Vào những ngày "đến tháng" của phụ nữ, chị Huyền thường mang theo 1 chiếc quần nhỏ dự phòng và khi cần thiết, sẽ tranh thủ tạt vào nhà vệ sinh của bệnh viện để thay rửa
1.jpg
Không có thời gian ra tiệm để chăm sóc móng, chị sắm 1 chiếc kìm nhỏ để "làm đẹp" luôn trên xe.
img_20170210_103004.jpg
Ngày nhiều khách, chị phải chạy tới 6-7 chuyến/ngày. Muốn soi gương, làm điệu, chị chỉ có thể tranh thủ chút ít khi dừng xe, đợi khách. 
a.jpg
Để đỡ tốn thời gian cho việc làm đẹp, chị Huyền xăm mắt, môi, lông mày để được... luôn đẹp sẵn.

Ngoại trừ những lần phải chạy xe đêm, chạy đường dài (có hôm về nhà đã hơn 1 giờ sáng), còn lại chị Huyền thường có mặt ở nhà vào lúc 8 giờ tối. Đây cũng là thời điểm công việc của chị như "dồn ứ" lại. Chị ăn, tắm rửa rất nhanh và chỉ có thể dành 30 phút xem lại bài vở của 2 con lớn (cháu đang học lớp 10, cháu học lớp 3), khoảng 1 - 1,5 giờ chơi với con nhỏ và chồng… Cũng đã từ 2 năm nay, kể từ khi bước vào nghề, chị chưa bao giờ xem hết được 1 bộ phim hoàn chỉnh. Váy áo điệu đà cũng không được mua sắm, diện thêm. Thậm chí, quần áo trong tủ chị còn phải cho bớt đi vì quanh ngày chỉ mặc bộ đồng phục tài xế, hầu như không có thời gian để ăn diện...

h.jpg
Vất vả và luôn vội vã là vậy nhưng khi được hỏi “Có gắn bó với nghề không?”, chị Huyền đã gật đầu ngay. Chị bảo, nghề lái xe mang lại cho chị rất nhiều kinh nghiệm sống. Chị đã quen với công việc và không cảm thấy mệt mỏi nhiều. Chị cũng được tiếp xúc với đủ mọi kiểu người, thấy mình giao tiếp tốt hơn, tính tình vui vẻ, nền nã hơn.  

Chị Huyền tâm sự: “Ngoài sự vội vã, phụ thuộc, bận rộn và thậm chí cuộc sống của nữ tài xế sau vô lăng nhiều khi còn chịu nhiều kỳ thị (ví như đã từng có những người khách không muốn đi xe của mình vì cho rằng “không đi xe của nữ tài xế, không tin tưởng”; “đi xe của phụ nữ lái thì không may mắn”…); Tuy nhiên mình xác định sẽ gắn bó mãi với nghề. Thậm chí, nếu sau này con gái mình lớn lên, nếu cháu thích nghề này thì mình cũng không cản. Lý do rất đơn giản là mình cảm thấy an toàn, tự tin và không biết chán nghề lái xe. Mình yêu thích cuộc sống phía sau tay lái và nghề cũng cho gia đình mình thu nhập tốt - khoảng chừng 15 triệu/tháng để vợ chồng có thể nuôi dạy các con”.

*Nghe tâm sự của tài xế Vũ Thu Huyền:

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm