pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng tới phụ nữ cả nước
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga tại Lễ trao giải
Những thập kỷ gần đây, khởi nghiệp sáng tạo xuất hiện và phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt, trong bối cảnh đất nước ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện và sâu rộng.
Đảng, Nhà nước đã có chủ trương và nhiều chính sách cụ thể tạo nền tảng hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII khẳng định "Xây dựng khung khổ pháp luật, môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số"; Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 844 (năm 2016) phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025.
Phát biểu khai mạc Lễ trao giải Chung kết toàn quốc cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp phát huy tài nguyên bản địa" năm 2023, Ủy viên Ban Chấp hành TƯ Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết: Bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, những năm qua, cùng với các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, Hội LHPN Việt Nam đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chủ động, tích cực tuyên truyền, hỗ trợ phụ nữ phát huy sức sáng tạo, tham gia khởi nghiệp, phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức phù hợp.
Đặc biệt, Hội đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì đề án Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025". Qua 6 năm triển khai Đề án, được sự quan tâm, tạo điều kiện của Chính phủ, sự hỗ trợ của các địa phương, các bộ ngành và sự cố gắng, nỗ lực bền bỉ của Hội Phụ nữ các cấp, đã có trên 80 ngàn ý tưởng kinh doanh của phụ nữ được hỗ trợ; trên 70 ngàn phụ nữ mạnh dạn khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; gần 5 ngàn tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ quản lý được thành lập; hơn 60 ngàn doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn nâng cao năng lực, hỗ trợ kết nối các nguồn lực để phát triển.
Nổi bật nhất trong các hoạt động của Đề án là Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp được triển khai hàng năm ở các cấp, thu hút sự tham gia của đông đảo phụ nữ trên khắp vùng miền Tổ quốc. Chủ đề, hình thức tổ chức Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp qua hàng năm đều được đổi mới, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế xã hội, phát triển khoa học công nghệ của đất nước, bắt kịp nhu cầu của hội viên phụ nữ.
Năm 2023, Hội LHPN Việt Nam chọn chủ đề "Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa", với mục tiêu lựa chọn các ý tưởng, dự án khởi nghiệp hình thành từ nguồn tài nguyên bản địa của các địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường, đồng thời tiếp tục lưu giữ và phát triển giá trị văn hoá, truyền thống đặc sắc, phong phú ở mọi vùng miền, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ độc đáo, có giá trị thương mại cao, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Đây chính là giá trị và ý nghĩa cốt lõi mà Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023 hướng tới.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết:"Ngay sau khi phát động, Cuộc thi năm nay đã nhận 2.024 dự án tham gia Cuộc thi, vượt xa con số 1.549 dự án của Cuộc thi năm 2021 và được Ban Giám khảo đánh giá cao về chất lượng, trong đó có tới 53,8% dự án thuộc loại hình hợp tác xã, tổ hợp tác. Qua các vòng thi bán kết, chung kết cấp vùng Bắc, Trung, Nam với sự làm việc trách nhiệm, nghiêm túc và minh bạch của Ban Giám khảo, đã có 33 Dự án xuất sắc được chọn vào vòng chung kết toàn quốc. Đây là các dự án đại diện cho hàng chục ngàn dự án khởi nghiệp đã được các cấp Hội Phụ nữ hỗ trợ qua các năm, tạo nên một phong trào khởi nghiệp thiết thực, sôi động, rộng khắp. Các dự án đạt giải cao năm nay, ngoài việc sử dụng chính những tài nguyên bản địa, còn tạo được nhiều việc làm cho lao động địa phương, có tiềm năng thay đổi lĩnh vực ngành nghề sản xuất của người dân, có đóng góp vào giá trị thặng dư và sản phẩm hướng tới vươn tầm quốc tế.
Có thể thấy, số lượng và chất lượng các dự án khởi nghiệp năm nay đã thể hiện tiềm năng to lớn của phụ nữ Việt Nam và năng lực của tổ chức Hội để có thể tiếp tục chủ trì thực hiện thành công hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2023, kịp thời cụ thể hóa Nghị quyết số 20 ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới".
"Là cơ quan phát động cuộc thi, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam rất vui mừng nhận được sự hưởng ứng của đông đảo hội viên, phụ nữ khắp cả nước với thành phần đông đảo đến từ nhiều dân tộc, độ tuổi, nhiều ngành nghề, lĩnh vực phong phú. Đặc biệt, chúng tôi vô cùng xúc động với những tác giả dự án là phụ nữ khuyết tật, phụ nữ dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa đã luôn ấp ủ, nuôi dưỡng trong mình ngọn lửa nhiệt huyết, niềm đam mê cháy bỏng và nghị lực phi thường vượt lên số phận, hoàn cảnh khó khăn, để khẳng định vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội bằng những ý tưởng dự án khởi nghiệp vô cùng ý nghĩa, giàu tính nhân văn.
Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang chịu nhiều tác động từ các khó khăn, thách thức của nền kinh tế thế giới và các yếu tố bất lợi khác như thiên tai, dịch bệnh, bất ổn chính trị, xung đột giữa một số quốc gia, thì việc hưởng ứng tham gia cuộc thi với tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, khát khao cống hiến của các tác giả dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần phát huy truyền thống tự lực tự cường của dân tộc Việt Nam, phụ nữ Việt Nam, truyền cảm hứng và lan tỏa tinh thần vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng tới phụ nữ cả nước. Chúng tôi vô cùng tự hào và xin nhiệt liệt chúc mừng các dự án đã xuất sắc được lựa chọn vào Vòng chung kết toàn quốc ngày hôm nay", Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh.
* Cũng trong chuỗi sự kiện trao giải Chung kết toàn quốc cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp đã diễn ra Hội chợ để thử nghiệm các sản phẩm của các dự án Khởi nghiệp và các sản phẩm OCOP do phụ nữ sản xuất. Đây là hoạt động thiết thực khẳng định vai trò chủ thể của phụ nữ trong khởi nghiệp, sản xuất sản phẩm OCOP, kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm, tạo dựng lòng tin của người tiêu dùng về chất lượng, thương hiệu sản phẩm Việt, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Qua đó, nâng cao nhận thức của phụ nữ về kinh tế xanh, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ phát triển sản phẩm mang thương hiệu Việt, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.