Cuối năm mua vàng đã khó, bán càng khó hơn

Mai Vàng
24/12/2024 - 20:50
Cuối năm mua vàng đã khó, bán càng khó hơn

Ảnh minh hoạ

Không những mua vàng khó mà cả việc bán ra cũng không mấy dễ dàng, nhất là với những miếng vàng không có hóa đơn chứng từ được mua từ nhiều năm trước đây.

Cửa hàng bán vàng nhỏ giọt

Giá vàng thời gian gần đây có xu hướng giảm, bởi vậy nhu cầu mua vàng của người dân tăng nhưng nhiều tiệm vàng lại không có hàng để bán.

Chị Minh Hằng (phố Hàng Mắm, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi theo dõi giá vàng và thấy những tuần qua, vàng có xu hướng giảm giá, định dùng ít nhiều nhàn rỗi mua vàng để tích luỹ nhưng xếp hàng 5 lần 7 lượt mà vẫn chưa mua được, cứ sáng đến chờ rồi lại phải về tay không".

Còn anh Quang Thắng (phố Hồng Mai, Hà Nội) sau 3 lần xếp hàng mua vàng, mỗi lần đều chờ đợi trong nhiều giờ rồi lại ra về trong sự thất vọng, thì ví von chuyện mua vàng giờ cũng giống như "Hà Nội không vội được đâu", giờ muốn mua vàng thì phải nhờ người già ở nhà đi xếp hàng, chứ dân công chức không thể… đủng đỉnh xếp hàng mua vàng.

Bà Thanh Huyền (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) than thở, vàng được bán ra có giới hạn và diễn ra rất nhanh chóng, chỉ trong vòng khoảng 30-40 phút là đã hết hàng, khiến nhiều khách hàng không kịp mua.

Theo ghi nhận, hiện tại, việc sở hữu được vàng nhẫn của người dân khá khó khăn, do các cửa hàng giới hạn số lượng nhẫn theo từng ngày, không thông báo trước khung giờ mở bán. Có nhiều nơi không bán ra.

Sáng 24/12, tiệm vàng Bảo Tín Minh Châu tại phố Trần Nhân Tông hay cơ sở ở Cầu Giấy (Hà Nội) đồng loạt thông báo không bán nhẫn tròn trơn. Nhân viên tại đây cho biết, mặt hàng này hiện không có sẵn và chưa biết khi nào sẽ được bán trở lại.

Chiều 23/12, Fanpage chính thức của Bảo Tín Minh Châu đã trả lời câu hỏi của khách hàng khi nhắn tin hỏi về việc mua vàng như sau: "Hiện tại, sản phẩm nhẫn tròn trơn vàng Rồng Thăng Long 9999 và vàng miếng Bảo Tín Minh Châu, vàng miếng SJC, quà mừng bản vị bằng vàng chưa có hàng sẵn tại các cơ sở kinh doanh của Bảo Tín Minh Châu. Ngoài ra, Bảo Tín Minh Châu không nhận đặt trước và giao dịch qua online".

Hiện tượng "không có vàng để bán" vẫn thường xảy ra ở nhiều tiệm vàng trong suốt thời gian qua. Thậm chí, ở cùng một tiệm vàng nhưng có ngày thì bán vàng buổi sáng, ngày khác lại bán buổi chiều, có hôm thì không bán ra. Nguyên nhân là do… khan hiếm vàng.

Bài 1: Cuối năm, mua vàng đã khó, bán vàng cũng như "bắc thang lên trời"- Ảnh 1.

Ở chiều ngược lại, người dân có vàng mang bán cũng gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh hoạ

Có vàng cũng khó bán

Cuối năm muốn sửa nhà, bà Phạm Thị Mai (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) mang 1 lượng vàng SJC đi bán để lấy tiền. Tuy nhiên, bà Mai đi đến cửa hàng nào cũng bị hỏi về hoá đơn, chứng từ khi bà mua lượng vàng này. "Tôi mua lượng vàng này phải đến 5 năm nay rồi, giờ kiếm đâu ra hoá đơn với chứng từ. Bán vàng mà khó như là "bắc thang lên trời vậy", bà Mai than thở vì có vàng mà cũng không thể bán được.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cũng chia sẻ, thời gian qua, cử tri phản ánh việc một số ngân hàng được phép bán vàng SJC cho người dân nhưng lại không mua vào. Việc này dẫn đến việc người dân phải mang vàng mua của ngân hàng ra các cửa hàng bên ngoài ngoài bán. Ông Phạm Văn Hoà lo ngại: "Các doanh nghiệp không mua, dẫn đến người dân phải bán vàng ở "chợ đen" với nhiều rủi ro".

Thực tế, thị trường vàng rơi vào cảnh khó mua, khó bán bắt nguồn từ đầu tháng 6, vàng miếng SJC được Ngân hàng Nhà nước thực hiện bán ra cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) và Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC. Giá vàng miếng SJC được Ngân hàng Nhà nước công bố và các đơn vị này không được bán cao hơn 1 triệu đồng/lượng so với giá công bố. Trong 5 đơn vị trên, chỉ có duy nhất Công ty SJC thực hiện mua lại vàng miếng SJC từ cá nhân, tổ chức, còn 4 ngân hàng thương mại không mua vào.

Về vấn đề này, giải trình trước Quốc hội hồi tháng 11/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong bối cảnh và nhu cầu vàng gia tăng, Ngân hàng Nhà nước chưa đặt vấn đề mua lại. Đối với các ngân hàng thương mại nhà nước khi bán vàng trong giai đoạn này, Ngân hàng Nhà nước chủ yếu thực hiện giải pháp tăng cung vàng.

Ngoài ra, hiện nay đối với hệ thống kinh doanh mua bán vàng miếng đã có 22 hệ thống tín dụng và 16 doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng. "Các ngân hàng và doanh nghiệp này mua bán vàng bình thường, còn câu chuyện doanh nghiệp không mua vàng đối với cá nhân do họ cân đối tiền hoặc lý do nào đó" - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu rõ.

Tuy nhiên, thị trường vàng còn diễn biến khó lường, Việt Nam không sản xuất vàng, Thống đốc cho rằng việc can thiệp thì hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu vàng của quốc tế. Do đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát những diễn biến để đưa ra các chính sách ổn định thị trường này.

Ở góc độ cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến cáo thị trường vàng biến động rất khó lường phức tạp, nhà đầu tư sẽ chịu nhiều rủi ro.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thuý Anh cho rằng, việc các đơn vị yêu cầu mua vào vàng miếng SJC phải có hóa đơn, chứng từ là… tự làm khó khách hàng. Có những trường hợp người tiêu dùng mua vàng 5 năm, 10 năm hay 20 năm trước thì lấy đâu ra hóa đơn. Các đơn vị có thể mua và ghi lại số Căn cước công dân, số seri vàng… của người bán để thực hiện ghi bảng kê theo hướng dẫn của quy định. Tuy nhiên, theo chuyên gia, điều này cũng cho thấy, các đơn vị không mặn mà với việc mua vàng.

Trong phiên giao dịch sáng nay 24/12, giá vàng hầu hết các thương hiệu trong nước điều chỉnh giảm. Ở mức giá hiện tại, giá bán ra của thương hiệu SJC và vàng nhẫn đã tương đương nhau.

Cụ thể, tại thời điểm 10 giờ 30 phút ngày 24/12, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng SJC mua vào-bán ra ở mức 82,3-84,3 triệu đồng/lượng, giảm 200 nghìn đồng mỗi lượng ở cả 2 chiều so chốt phiên hôm trước. Chênh lệch mua-bán ở mức 2 triệu đồng.

Giá vàng nhẫn SJC 9999 mua vào 82,3 triệu đồng/lượng, bán ra 84,1 triệu đồng/lượng, giảm 200 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so kết phiên trước đó.

Trong khi đó, giá vàng miếng DOJI tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mua vào ở mức 82,3 triệu đồng/lượng và bán ra 84,3 triệu đồng/lượng, giảm 200 nghìn đồng mỗi lượng lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so chốt phiên hôm trước.

Bài sau: Nở rộ mua bán vàng "chợ đen"

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm