Cứu 2 bệnh nhân bị suy tim nặng bằng phương pháp mới

05/07/2017 - 15:10
2 bệnh nhân bị suy tim nặng và trung bình, vừa được các bác sĩ BV E Trung ương dùng kỹ thuật tái tạo van động mạch chủ bằng màng tim theo phương pháp Ozaki để phẫu thuật cứu sống.
Ngày 5/7, bác sĩ Đỗ Anh Tiến, Phó Khoa Phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực (BV E TƯ) cho biết, BV thực hiện thành công ca phẫu thuật cho 2 bệnh nhân N.T.T (38 tuổi, ở Thanh Hóa) và bệnh nhân N.V.S (63 tuổi, ở Hà Nội) bằng kỹ thuật tái tạo van động mạch chủ bằng màng tim theo phương pháp Ozaki các vết mổ khô, không có biến chứng sau mổ.
Hiện tại, cả 2 bệnh nhân đã có thể đi lại, ăn uống và sinh hoạt bình thường.

Trước đó, bệnh nhân N.V.S (63 tuổi, Hà Nội) được phát hiện hẹp khít van động mạch chủ dẫn đến đau tức ngực, khó thở, với tình trạng suy tim mức độ trung bình. Đối với bệnh nhân S, xuất hiện các triệu chứng: ngất xỉu, đặc biệt khi làm việc quá sức, đau thắt ngực, khó thở, tim đập nhanh…

Theo các bác sĩ, hẹp van động mạch chủ là tình trạng van của động mạch chủ bị hẹp, không mở ra hết làm giảm lưu lượng máu qua van, khiến cho tâm thất làm việc nhiều hơn để bù đắp cho sự giảm lưu lượng, theo thời gian có thể dẫn tới suy yếu cơ tim. Dị tật bẩm sinh, thấp tim là nguyên nhân chính của hẹp van động mạch chủ ở những người dưới 50 tuổi.
Ở những bệnh nhân lớn tuổi, tình trạng lắng đọng can xi và sự xơ cứng của các mô sợi trên van động mạch chủ có thể khiến các lá van bị dày, dính lại với nhau (còn gọi là vôi hóa van tim), gây hẹp van.
19748435_1726307500995162_8777556217980720672_n.jpg
Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật

 Còn bệnh nhân N.T.T bị hở van động mạch chủ nặng, suy tim nặng. Bệnh nhân T. được chẩn đoán hở van động mạch chủ là tình trạng van tim không đóng kín ở thì tâm thu khiến máu chảy ngược trở lại vào động mạch chủ từ tâm thất trái mỗi khi tim bóp đẩy máu ra ngoại vi nuôi dưỡng cơ thể. Bệnh tiến triển âm thầm trong nhiều năm, nhưng khi đã xuất hiện các triệu chứng thì bệnh có xu hướng tiến triển rất nhanh, dẫn đến suy tim toàn bộ và đe dọa tính mạng.

Sau khi hội chẩn, dưới sự giúp sức chuyển giao kỹ thuật từ G.S Ozaki, các bác sĩ Trung tâm Tim mạch đã quyết định thực hiện kỹ thuật thay van động mạch chủ bằng màng tim tự thân theo phương pháp Ozaki cho 2 bệnh nhân này. Ca mổ tái tạo van động mạch chủ bằng màng tim theo kỹ thuật Ozaki cho từng bệnh nhân kéo dài khoảng 3 -4 giờ và đã thành công.

Theo bác sĩ Đỗ Anh Tiến, quy trình tái tạo van động mạch chủ bằng màng tim: Đầu tiên, phẫu thuật viên sẽ cưa xương ức, bộc lộ màng tim, dùng kéo hoặc dao điện lấy tổ chức mỡ ở bề mặt màng tim, sau đó cắt màng tim với diện tích 7 x 8 cm. Màng tim này được ngâm vào dung dịch bảo quản và là nguyên liệu để được phẫu thuật viên tiến hành tạo hình van động mạch chủ. Để tạo hình chính xác, phẫu thuật viên phải đo kích thước lá van động mạch chủ của bệnh nhân theo bộ dụng cụ riêng; màng tim được cắt theo kích thước các lá van động mạch chủ đã đo kích thước trước đó. Sau tạo hình, phẫu thuật viên tiến hành khâu các lá van mới tạo hình vào vòng van động mạch chủ.

GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc BV E TƯ, cho hay, với tạo hình van động mạch chủ bằng màng tim, các thao tác khó nhất đều dồn hết cho phẫu thuật viên. Phẫu thuật viên phải tạo hình được các lá van động mạch chủ tương ứng với vòng van động mạch chủ của bệnh nhân.

Từ đó, van động mạch chủ bằng màng tim thích ứng, hoạt động tốt, giảm biến chứng đào thải van động mạch được thay thế. Vì van động mạch chủ được làm từ “nguyên liệu” là màng tim của bệnh nhân nên hạn chế được nguy cơ nhiễm trùng.

Ngoài ra, bệnh nhân không phải dùng thuốc chống đông sau mổ, hạn chế được những biến chứng khi dùng thuốc chống đông. Chi phí điều trị cho bệnh nhân có chỉ định thay van động mạch chủ sẽ giảm, vì bệnh nhân không mất chi phí mua van tim nhân tạo (khoảng 40 triệu đồng).

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm