Bà Azoulay là người gốc Marocco, theo đạo Do Thái. Bà từng là cố vấn văn hóa của cựu tổng thống Pháp Francois Holland giai đoạn 2014-2016 và là Bộ trưởng Văn hóa và Truyền thông giai đoạn 2016-2017.
Trong cuộc bầu cử lần thứ 11 nhằm lựa chọn người đứng đầu tổ chức này trong nhiệm kỳ 4 năm (11/2017 - 11/2021), có tổng cộng 9 ứng cử viên nộp hồ sơ. Cuộc đua giành vị trí kế nhiệm tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova diễn ra trong bối cảnh Washington vừa công bố kế hoạch rút khỏi tổ chức này sau nhiều năm căng thẳng về các quyết định của UNESCO mà phía Mỹ cho là đã lên án, chỉ trích Israel, một đồng minh quan trọng của họ. Trước tình hình chia rẽ của các nước Arab, cựu Bộ trưởng Văn hóa Pháp chia sẻ quan điểm sau khi đắc cử: "Ở một gian đoạn khủng hoảng, hơn bao giờ hết chúng ta cần bắt tay vào và nỗ lực củng cố tổ chức này".
Với việc đắc cử vị trí Tổng giám đốc UNESCO, bà sẽ đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là thuyết phục để Mỹ và Israel không rời bỏ tổ chức này. Một nhiệm vụ khác cũng khó khăn không kém với bà Azoulay là cải tổ cơ quan phụ trách về văn hóa, khoa học và giáo dục của Liên hợp quốc với những tồn tại của thể chế quan liêu trong suốt 7 thập kỷ qua kể từ khi thành lập.
Tổng giám đốc UNESCO là người đứng đầu Ban thư ký, điều hành bộ máy hành chính khoảng 2.000 nhân viên tại trụ sở UNESCO ở Paris (Pháp), cùng các văn phòng trực thuộc trên thế giới. Tổng giám đốc chịu trách nhiệm xây dựng và đệ trình các cơ quan điều hành về chương trình nghị sự, phương hướng, ngân sách, bổ nhiệm và tuyển dụng nhân sự cấp cao của UNESCO. Tổng giám đốc có nhiệm kỳ 4 năm và có thể tái cử lần hai. Hoạt động của UNESCO cần khoản ngân sách hàng năm là 250 triệu USD.