Cứu sản phụ rau tiền đạo cài răng lược nguy hiểm

Linh Trần
24/01/2022 - 14:35
Cứu sản phụ rau tiền đạo cài răng lược nguy hiểm

Bác sĩ thăm khám cho mẹ con sản phụ sau phẫu thuật

Sản phụ nhập viện trong tình trạng đau bụng cơn hạ vị, ra máu âm đạo, thai 36 tuần, mang thai lần 2. Bác sĩ đã tiến hành siêu âm và phát hiện rau tiền đạo trung tâm bám mặt sau lan ra trước, rau cài răng lược nên phẫu thuật cấp cứu.

Ngày 24/1, bác sĩ CKI.Nguyễn Văn Mạnh, Phó Trưởng Khoa Sản (BV Bãi Cháy, Quảng Ninh), cho biết, BV vừa cứu sống sản phụ Đ.T.Q. (36 tuổi, trú tại TP. Uông Bí, Quảng Ninh) sinh ở tuần 36, bị rau tiền đạo trung tâm kèm rau cài răng lược hiếm gặp.

Trước đó, sản phụ nhập viện trong tình trạng thai 36 tuần, mang thai lần 2, đau bụng cơn hạ vị, ra máu âm đạo. Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã tiến hành siêu âm và phát hiện rau tiền đạo trung tâm bám mặt sau lan ra trước, rau cài răng lược vị trí sát vết mổ lấy thai cũ. Sản phụ cho biết, trước đó đã thăm khám thai sản định kỳ và phát hiện rau cài răng lược khi mang thai ở tháng thứ 3. Các bác sĩ đã hội chẩn chuyên khoa chẩn đoán thai 36 tuần, rau tiền đạo trung tâm kèm rau cài răng lược trên vết mổ đẻ cũ nên chỉ định mổ cấp cứu.

Sau hơn 1 tiếng thực hiện, kíp mổ đã lấy ra bé gái nặng 2,4kg khỏe mạnh. Trong quá trình mổ, các bác sĩ phát hiện rau bám mặt trước và sau bàng quang, rau cài răng lược đâm xuyên cơ tử cung, diện rau bám chảy máu nhiều. Bệnh nhân được cắt bỏ tử cung bán phần thấp, bảo tồn cổ tử cung, buồng trứng, khâu cầm máu. Sau phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh táo, sức khỏe hồi phục tốt.

Bác sĩ Mạnh cho biết, rau tiền đạo kèm rau cài răng lược là tình trạng nghiêm trọng nhất của rau tiền đạo. Khi đó, rau thai bám chặt vào cơ tử cung và xâm lấn qua lớp cơ tử cung, thậm chí bám vào các cơ quan lân cận trong ổ bụng.

Tình trạng này sẽ gây nguy cơ chảy máu, gai rau đâm xuyên cơ tử cung gây thủng, vỡ tử cung, đâm xuyên vào các tạng xung quanh như bàng quang, ruột… có nguy cơ phải cắt tử cung để cầm máu gây nguy hiểm đến tính mạng của cả sản phụ và thai nhi.

Với trường hợp của sản phụ Q., BV đã quản lý thai sản, theo sát diễn biến của sản phụ từ khi mang thai, nhập viện, phát hiện, chẩn đoán và phẫu thuật xử trí rau tiền đạo trung tâm kèm rau cài răng lược nhanh chóng, truyền máu kịp thời. Nhờ đó, phẫu thuật diễn ra thành công, giúp sản phụ và thai nhi thoát khỏi nguy hiểm do biến chứng của rau tiền đạo trung tâm, rau cài răng lược".

Rau cài răng lược là bệnh lý thường gặp ở thai phụ có rau tiền đạo và có sẹo mổ lấy thai cũ. Vị trí rau bám thường gặp tại sẹo mổ lấy thai cũ ở cơ tử cung. Rau cài răng lược rất khó chẩn đoán được trước sinh nếu không khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế có chuyên khoa sản. Rau cài răng lược có thể xâm lấn qua tử cung, bàng quang, trực tràng… tiềm ẩn nhiều tai biến sản khoa nguy hiểm trong khi lấy rau như: băng huyết, sốc, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, huyết khối tĩnh mạch, động mạch… đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của sản phụ và thai nhi.

Phụ nữ có rau tiền đạo, từng mổ lấy thai, hút thai nhiều lần, mang thai ở độ tuổi trên 35 tuổi, mắc một số bệnh lý như u xơ tử cung dưới niêm mạc, lạc nội mạc tử cung… có nguy cơ cao mắc rau cài răng lược.

Theo lời khuyên của bác sĩ, để tránh các tai biến sản khoa nguy hiểm do rau cài răng lược, tiền sản giật…, mọi sản phụ cần thường xuyên khám thai theo định kỳ tại các cơ sở y tế tin cậy. Đặc biệt, trong 3 tháng cuối thai kỳ để phát hiện sớm rau tiền đạo, rau cài răng lược. Hạn chế nạo phá thai nhiều lần và có các biện pháp phòng tránh thai phù hợp. Phụ nữ trên 35 tuổi cần cân nhắc vấn đề mang thai, quản lý và kiểm soát thai nghén dưới sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa để tránh các nguy cơ đáng tiếc do các bệnh lý mà chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được gây ra.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm