Ngày 13/10, Tòa án Quận Trung tâm Seoul đã quyết định gia hạn lệnh tạm giam cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye thêm 6 tháng sau khi lệnh giam giữ lần đầu hết hạn vào ngày 16/10 trước những bê bối nghiêm trọng về nhận hối lộ và lạm quyền.
Tòa án Quận Trung tâm Seoul của Hàn Quốc đưa ra quyết định trên xét trên tính nghiêm trọng của những cáo buộc và mối quan ngại của công chúng đối với vụ bê bối nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực, trong đó bà Park Geun-hye là nhân vật trung tâm đang bị truy tố. Chính vụ bê bối này đã khiến bà bị phế truất vào tháng 3 năm nay. Các công tố viên nói rằng cần thêm thời gian để hoàn thành các thủ tục của tòa án.
Toà án đã tổ chức 80 phiên xét xử vụ án của bà Park Geun-hye kể từ tháng 5 năm nay với 4 phiên mỗi tuần bắt đầu từ tháng 6. Cựu Tổng thống Park đang chuẩn bị cho phiên xét xử đầu tiên, có khả năng diễn ra vào tháng tới.
Bà Park bị cáo buộc thông đồng với người bạn thân Choi Soon-sil trong việc lấy khoảng 43 tỷ won (37 triệu USD) từ các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc trong đó có Samsung và để bạn bè của bà can thiệp vào các vấn đề của nhà nước.
Lệnh bắt giữ bổ sung với cựu Tổng thống Hàn Quốc được ban hành dựa trên những cáo buộc không liên quan đến lệnh bắt lần 1. Lệnh bắt mới theo cáo buộc bà Park Geun-hye nhận hoặc đòi tiền hối lộ từ hai tập đoàn khác của Hàn Quốc là SK và Lotte. Tuy nhiên, đại diện pháp luật của bà Park phản đối đề nghị này do tình trạng sức khỏe của bà và vụ án cũng sắp kết thúc.
Trong khi đó, ngày 12/10, Văn phòng tổng thống Moon Jae In thông báo đã tìm được tài liệu cho thấy văn phòng cựu Tổng thống Park đã chỉnh sửa thời gian bà nhận báo cáo về vụ chìm phà Sewol năm 2014 khiến hơn 300 người thiệt mạng.
Chính quyền ông Moon tìm thấy trong Văn phòng quản lý rủi ro của Nhà Xanh các văn kiện có liên quan đến vụ Sewol, bao gồm một cuốn nhật ký văn phòng. Nhật ký này cho thấy, theo báo cáo sơ bộ, phà Sewol bị lật vào lúc 8 giờ 58 phút sáng 16/4/2014, bà Park Geun-hye nhận được tin báo từ cấp dưới lúc 9 giờ 30 phút và chỉ đạo xử lý lúc 10 giờ 15 phút. Tuy nhiên, bản báo cáo đã qua chỉnh sửa vào 6 tháng sau đó nói rằng bà Park nhận tin vào lúc 10 giờ. Nhà Xanh chỉ trích chính quyền tiền nhiệm đã làm giả thông tin để "phù phép" khoảng thời gian 45 phút từ khi bà Park nhận tin đến khi có chỉ đạo, thành 15 phút.
Điều này khiến dư luận tức giận vì tổng thống phản ứng quá chậm. Ngoài ra, sự thiếu thông tin về việc Park đang ở đâu, làm gì lúc đó cũng làm dấy lên nhiều lời đồn và giả thiết như bà đã đi làm tóc, phẫu thuật thẩm mỹ hoặc tham gia nghi lễ của một giáo phái khi tai nạn diễn ra.
Thảm họa chìm phà Sewol khiến hơn 300 người thiệt mạng, trong đó đa phần là các em học sinh của một trường trung học, để lại nỗi đau in hằn trong tâm tưởng người Hàn Quốc. Phủ Tổng thống đã yêu cầu Viện Kiểm sát điều tra vụ điều chỉnh bất hợp pháp Sắc lệnh Tổng thống liên quan đến thảm họa chìm tàu khách Sewol. Việc chỉnh sửa “Chỉ thị cơ bản về quản lý nguy cơ quốc gia” thuộc “Sắc lệnh số 318 của Tổng thống” được xem là hành vi làm sai lệch nội dung văn bản của cơ quan nhà nước và lạm dụng chức quyền.
Nhà Xanh còn nghi ngờ chính quyền bà Park thay đổi một cách bất hợp pháp các nguyên tắc về quản lý rủi ro. Về lý thuyết, các vụ tai nạn phát sinh sẽ do Cục an ninh quốc gia Hàn Quốc làm cơ quan chủ quản, nhưng đến tháng 7/2014, 3 tháng sau vụ phà Sewol, quy định trên được đổi thành "Cục an ninh quốc gia chỉ phụ trách các sự kiện liên quan đến bảo đảm an ninh, còn các sự kiện tai nạn do Bộ an ninh hành chính chủ quản".
Theo cách làm này, vụ tai nạn phà Sewol sẽ không trở thành trách nhiệm của Cục an ninh quốc gia. Chính quyền ông Moon cáo buộc, những thay đổi mang tính nguyên tắc như trên cần phải được Quốc hội phê chuẩn nhưng bà Park Geun-hye đã phớt lờ thủ tục này.
Tổng thống Moon Jae In đã chỉ thị "phải công khai thông tin về vụ phà Sewol cho người dân và gia tăng xử lý nhằm xóa đi sự nghi ngờ trong dân chúng. Nhà Xanh tuyên bố sẽ điều tra triệt để vụ việc.