Đại biểu Quốc hội: "Cứ e dè, sợ hãi thì chuyện gì sẽ xảy ra khi dịch bệnh quay trở lại?"

Hải Yến
29/05/2023 - 17:52
Đại biểu Quốc hội: "Cứ e dè, sợ hãi thì chuyện gì sẽ xảy ra khi dịch bệnh quay trở lại?"

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - ĐBQH TP.HCM phát biểu

Việc chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam đã thu được rất nhiều thành quả, được cả thế giới công nhận nhưng lại có nhiều cán bộ y tế phải trả giá đắt. Nhiều đại biểu đề xuất phải có cơ chế bảo vệ cán bộ trong tình huống dịch bệnh.

Chiều 29/5, Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Những điểm nghẽn trong phòng chống dịch Covid-19

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - ĐBQH TP.HCM cho rằng, vẫn còn nhiều điểm nghẽn trong quản lý, sử dụng nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19. "Chúng ta cần thấy hiện trạng và thực lực của ngành y tế đến đâu, từ đó có chính sách phù hợp" - bà Phong Lan đề cập.

Về huy động nguồn lực, bà Phong Lan nhớ lại: "Đất nước chúng ta có nhiều doanh nghiệp, người dân có tấm lòng vàng muốn đóng góp nhưng thời điểm tâm dịch ở TP.HCM, chúng tôi thậm chí phải đề nghị chỉ đóng góp bằng hiện vật, không đóng góp, ủng hộ bằng tiền vì… không xài được. Chúng ta đã tự làm khó mình".

Về quản lý thì chúng ta chưa phân biệt được giữa dịch bệnh chưa gặp lần nào với dịch bệnh thông thường. Với những quy định pháp luật vào thời điểm đó khó có thể thực hiện mua được vaccine. Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, vướng mắc là ở quy chế đấu thầu. Tuy nhiên, trong Luật Đấu thầu đang được thảo luận cũng chưa thấy cách nào để gỡ rối. Đến nay trong tình trạng bình thường mà các cơ sở điều trị còn thiếu thuốc, thiếu vaccine…thì không biết bao giờ tình trạng này mới khắc phục được.

Đại biểu Quốc hội: "Cứ e dè, sợ hãi thì chuyện gì sẽ xảy ra khi dịch bệnh quay trở lại?" - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự phiên họp chiều 29/5

Đặc biệt, về caccine, trong dịch bệnh đã tồn tại những điều vô lí như thời điểm chúng ta thiếu vaccine, báo chí lên tiếng về "vaccine ông nội - ông ngoại" nhưng chúng ta lại không cho người dân tiêm dịch vụ. Trong khi toàn hệ thống đang sục sôi về vấn đề thiếu vaccine thì Bộ Y tế lại rất chậm trọng việc cấp mã số đăng ký mặc dù những vaccine này đã được dùng ở nước ngoài, dẫn đến tình trạng mua bán vaccine ngoài vòng pháp luật, đẩy giá… gây thiệt hại cho người dân.

Đại dịch chiến thắng thì… thay tướng

Đề cập đến việc phòng chống tiêu cực, bà Lan cho rằng, cần phải có sự cân bằng giữa xây và chống. Bà Phong Lan đặt câu hỏi: "Tôi đồng ý có tiêu cực thì phải chống nhưng chúng ta đã quan tâm đúng mức đến xây dựng, bồi bổ làm sao để ngành y tế mạnh hơn, để phòng chống dịch lúc đó và sau này chưa?"

"Việc xây chúng ta làm rất chậm nhưng chỉ tập trung chống thì nó làm tôi liên tưởng đến việc một bệnh nhân đang thập tử nhất sinh nhưng chúng ta thay vì bồi bổ nâng cao thể trạng cho bệnh nhân thì chỉ đầu tư cắt bỏ phần hoại tử thay vì chữa bệnh. Kết quả chắc chắn bệnh nhân sẽ chết" - đại biểu Phong Lan liên tưởng.

Đại biểu Quốc hội: "Cứ e dè, sợ hãi thì chuyện gì sẽ xảy ra khi dịch bệnh quay trở lại?" - Ảnh 2.

Nữ đại biểu TP.HCM cho rằng, phần chống đại dịch chúng ta đã thu được rất nhiều thành quả, được cả thế giới công nhận nhưng với tư cách một người dân, bà Phong Lan nói: "Tôi lại đang thấy, ngày xưa chiến thắng về người ta mừng công, còn chúng ta chiến thắng xong thì trảm tướng và thay tướng. Số lượng cán bộ y tế phải trả giá cho đại dịch này là lớn".

Từ đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh, việc giám sát tới đây cần đi vào thực tế để trong tương lai chúng ta sẽ đối phó với dịch bệnh được tốt hơn, sẽ bảo vệ được người dân tốt hơn và đặc biệt "với những cái e dè, sợ hãi, tự làm khó mình như thế này, tôi lo sợ không biết chuyện gì sẽ xảy ra khi dịch bệnh quay trở lại", bà Lan đề nghị có cơ chế bảo vệ cán bộ.

Đề cập đến vấn đề phòng chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Anh Trí - ĐBQH thành phố Hà Nội nêu quan điểm đồng ý "ai tham ô, tham nhũng, ai xà xẻo trong hoạt động phòng, chống COVID-19 thì phải xử lý nghiêm khắc". Tuy nhiên cần xem xét thật có lý, có tình, công bằng với những ai sai sót nhưng không phải vụ lợi mà để kịp thời chống dịch vì lợi ích của cộng đồng, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Quốc hội.

Tương tự, đại biểu Trần Văn Sáu - ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, sau đại dịch xuất hiện càng nặng hơn căn bệnh sợ trách nhiệm. Ngay từ đầu, chúng ta xác định chống dịch như chống giặc với tinh thần khẩn trương, huy động mọi nguồn lực bằng mọi biện pháp, chấp nhận hy sinh để chiến thắng. Trong đại dịch, đã có bao nhiêu tình huống cần phải quyết định mà trước đó không có tiền lệ.

Đại biểu Quốc hội: "Cứ e dè, sợ hãi thì chuyện gì sẽ xảy ra khi dịch bệnh quay trở lại?" - Ảnh 3.

Đại biểu Trần Văn Sáu - ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

"Sau khi chống dịch thành công, tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cho thấy có quá nhiều điều hợp lý trong thời điểm chống dịch nhưng không hợp lý, không hợp pháp trong thời điểm hiện nay, việc ứng xử vấn đề này như thế nào?" - đại biểu nêu vấn đề.

Ngoài ra, đại biểu lo ngại căn bệnh "sợ trách nhiệm", thu mình lại, thụ động, ngại đưa ra quyết định đang lây lan từ ngành y sang những ngành nghề khác. Đây là vấn đề rất cần được quan tâm và phải xem xét nhiều chiều.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm