Đại biểu Quốc hội đề nghị kiểm soát chặt chẽ trẻ dưới 18 tuổi sử dụng xe điện, xe máy

HH
16/11/2020 - 16:30
Đại biểu Quốc hội đề nghị kiểm soát chặt chẽ trẻ dưới 18 tuổi sử dụng xe điện, xe máy

Đại biểu Quốc hội đề nghị kiểm soát chặt chẽ trẻ dưới 18 tuổi sử dụng xe điện, xe máy. Ảnh minh họa: KT

Thảo luận tại hội trường chiều nay (16/11), một số đại biểu quan tâm tới tình trạng tai nạn giao thông diễn biến còn phức tạp, trong đó trẻ em dưới 18 tuổi điều khiển phương tiện giao thông xe máy, xe máy điện, xe đạp điện gây tai nạn, cần được quan tâm, kiểm soát chặt chẽ hơn.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10 chiều nay (16/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn khi tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật là Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nhiều đại biểu thống nhất, phạm trù giao thông là một thể thống nhất, có quan hệ biện chứng với nhau, không thể tách rời, đó là: cơ sở hạ tầng giao thông, quy tắc giao thông, phương tiện giao thông và người tham gia giao thông. Vì vậy, bảo đảm an toàn giao thông là một mục tiêu mà chúng ta hướng tới chứ không phải là đối tượng cần có luật điều chỉnh.

Với một số vấn đề cụ thể, đại biểu Dương Minh Tuấn, đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, quan tâm tới vấn đề tham gia giao thông của trẻ dưới 18 tuổi. Hiện nay, trẻ em có nhiều điều kiện và được trang bị phương tiện như xe điện, xe máy phân khối thấp để chủ động đi lại. Tuy nhiên, đây là lứa tuổi có sự bồng bột, thích thể hiện bản thân nên đã gây ra không ít vụ tai nạn giao thông, gây chết người. Đặc biệt, việc giáo dục về an toàn giao thông trong nhà trường vẫn chỉ là môn học lồng ghép, chưa coi trọng đúng mức.

Ngoài ra, hiện nay có nhiều loại phương tiện xe đạp điện, xe máy điện và các loại xe máy dưới 50 phân khối có tốc độ đạt tới 60 -70 km/h. Nhưng người điều khiển các loại phương tiện này lại không bị bắt buộc phải có giấy phép lái xe. Theo đó, đại biểu Dương Minh Tuấn kiến nghị cần xem xét bổ sung quy định bắt buộc phải có giấy phép lái xe với người điều khiển các loại phương tiện này.

Đại biểu Quốc hội đề nghị kiểm soát chặt chẽ trẻ dưới 18 tuổi sử dụng xe điện, xe máy - Ảnh 1.

Đại biểu Dương Minh Tuấn, đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh quochoi.vn

Đại biểu Tạ Văn Hạ, đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu, thì cho rằng, tai nạn giao thông diễn ra hàng ngày, gây rất nhiều mất mát, thiệt hại cho gia đình và xã hội. Đại biểu đặc biệt quan tâm vấn đề trách nhiệm tai nạn giao thông diễn ra nhức nhối hiện nay thuộc về ai? Bao nhiêu phần trăm là do hạ tầng, bao nhiêu là do hành vi, hay do phương tiện giao thông? Cho nên, việc tách ra làm 2 dự thảo luật thì có giải quyết được những vấn đề nhức nhối về tai nạn giao thông hiện nay hay không?

Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe giao cho bên nào là thẩm quyền Chính phủ. Cái mong muốn của nhân dân là "tai nạn giao thông phải giảm; trách nhiệm thuộc về ai là phải rõ ràng".

Còn đại biểu Nguyễn Quốc Hận, đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, băn khoăn với quy định chuyển nhiệm vụ quản lý sát hạch, đào tạo giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an. Đại biểu đặt vấn đề: "Ai dám khẳng định và chịu trách nhiệm cá nhân khi chuyển nhiệm vụ sang Bộ Công an thì không có giấy phép lái xe giả, tai nạn giao thông giảm trong khi giấy tờ của ngành công an cấp cũng có trường hợp giả như hộ chiếu, CMND...?"

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Hận, không nên tập trung quá quyền lực vào một số cơ quan đơn vị, vì như thế dễ sinh ra lạm quyền, đặc quyền, đặc lợi. Hiện nay, trật tự an toàn xã hội còn phức tạp, tội phạm ma túy, trộm cắp, băng nhóm tội phạm số đề... vẫn là vấn đề nhức nhối của xã hội, chưa được kiềm chế một cách có hiệu quả. Nên lực lượng công an theo chức năng nhiệm vụ của mình giải quyết tốt các vấn đề nêu trên, để quốc thái dân an mà không cần nhận thêm nhiều nhiệm vụ khác.

Cũng tại phiên làm việc chiều nay (16/11), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), với 91,29% tổng số ĐBQH tán thành.

Trong đó, ĐBQH tán thành giảm độ tuổi được xét nghiệm HIV tự nguyện xuống 15 tuổi để bảo đảm phù hợp với tình trạng thực tế lây nhiễm HIV trong nhóm trẻ hiện nay, giúp phát hiện, điều trị sớm và thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm ra cộng đồng.

Luật này có hiệu lực từ 1/7/2021.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm