Đại biểu Quốc hội đề xuất thiết kế trường học an toàn theo cấp độ dịch

D.H
21/10/2021 - 17:48
Đại biểu Quốc hội đề xuất thiết kế trường học an toàn theo cấp độ dịch

ĐBQH Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 21/10. Ảnh: Đ.X

Học trực tuyến trong mùa dịch là vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm tại phiên thảo luận tổ vào sáng nay (21/10). Trong đó có ý kiến đề xuất theo hướng sớm cho học sinh trở lại trường hiệu quả, an toàn, mở cửa trường học dần theo từng cấp độ.

Tại phiên thảo luận tổ liên quan đến tình hình phát triển kinh tế xã hội và phòng chống dịch bệnh Covid-19 sáng 21/10, ĐBQH Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) quan tâm đến vấn đề dạy và học trực tuyến.

Theo ĐB Trịnh Xuân An, dạy học online là phương pháp bất đắt dĩ trong bối cảnh dịch bệnh, vấn đề đặt ra là phải thích ứng với diễn biến của dịch.

"Vừa rồi, tất cả học sinh phải học online, trong đó có lớp 1, cách học này phần nào phá vỡ tư duy, định hình của các cháu. Theo tôi, ngành Giáo dục cần chủ động tính toán thêm phương án sớm cho học sinh quay lại trường, trong đó thiết kế trường học an toàn theo cấp độ dịch", ĐB Trịnh Xuân An đề xuất.

Ông Trịnh Xuân An đơn cử, Hà Nội hiện có những địa bàn không có ca mắc mới trong thời gian dài thì có thể xem xét mở cửa dần trở lại trường học, cho học sinh đi học trực tiếp. Việc học online với tất cả học sinh hiện nay, theo ĐB Trịnh Xuân An, đang lộ diện nhiều bất ổn vì bố mẹ vẫn đi làm, trong khi các con ở độ tuổi 5 - 6 tuổi không thể ở nhà một mình.

"Mong Thủ tướng, các bộ ngành, địa phương tạo thông suốt trong điều hành, chỉ đạo việc này, tránh mỗi nơi làm một kiểu", ĐB Trịnh Xuân An cho biết.

ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cũng băn khoăn đến quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng của học sinh đang ngày càng khó đảm bảo trong bối cảnh học trực tuyến. Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, chất lượng giáo dục của năm học này chắc chắn bị ảnh hưởng, không thể bằng các năm trước do dịch bệnh.

Đại biểu Quốc hội đề xuất thiết kế trường học an toàn theo cấp độ dịch - Ảnh 1.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 21/10. Ảnh: D.H

Cũng theo ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa, tâm lý học sinh khi quay lại trường là vấn đề cần hết sức quan tâm. Đa số học sinh khi học trực tuyến tại nhà không giao lưu với các bạn nên rõ ràng là tâm lý các em sẽ bị ảnh hưởng.

"Phụ huynh bắt đầu quan ngại về vấn đề này. Học sinh tiếp cận nhiều với máy tính, các kênh xấu độc có dấu hiệu lạc vào. Khi các em quay lại trường, chúng ta sẽ giải quyết với những thay đổi xáo trộn này ra sao, theo tôi là điều cần phải tính toán kỹ", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nêu vấn đề.

Riêng với nhóm trẻ em di cư, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng Chính phủ cần đánh giá tình trạng bao nhiêu trẻ em đang bị thất học và nguy cơ gia đình giảm thu nhập thì con em của họ sẽ ảnh hưởng ra sao. Thứ hai là về chất lượng, dù có rút gọn chương trình nhưng để thực thi đến từng đối tượng tiếp cận, còn rất nhiều khó khăn. 

Nhiều vấn đề bất cập khác liên quan đến giáo dục trong bối cảnh Covid-19 được ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa băn khoăn. Trong đó, chương trình "Sóng và máy tính cho em" qua báo cáo của 26 tỉnh/thành thì đáp ứng được sóng nhưng khó đảm bảo số máy tính. Vấn đề cung cấp máy cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn là tính bước lâu dài cho ngành giáo dục về chuyển đổi số. 

"Ngành giáo dục đang chuẩn bị tâm thế khi quay lại học trực tiếp thì vẫn áp dụng song song, coi trực tuyến là một trong những phương thức đào tạo để đảm bảo học tập suốt đời. Chúng tôi hiểu điều này nhưng để đảm bảo trên một sàn chung thì sẽ như thế nào? Nhất là với học sinh ở 26 tỉnh/thành đang bị ảnh hưởng bởi dịch?", ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa đặt vấn đề.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm