Cử tri lo lắng đến hiệu quả dạy và học trực tuyến mùa dịch

D.H
20/10/2021 - 14:45
Cử tri lo lắng đến hiệu quả dạy và học trực tuyến mùa dịch

Chủ tịch UBTW MTTQVN Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tóm tắt tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

Sáng 20/10, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, trong đó có nhấn mạnh việc lo lắng đến hiệu quả dạy và học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Hệ lụy từ giãn cách xã hội đến phụ nữ, trẻ em

Báo cáo tóm tắt tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Ông Đỗ Văn Chiến nêu rõ, trước diễn biến phức tạp, nguy hiểm, khó lường của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch với tinh thần "chống dịch như chống giặc", đặt sức khỏe, tính mạng của Nhân dân lên trên hết, trước hết.

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, nhất là từ khi được kiện toàn, do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Trưởng Ban đã bám sát diễn biến dịch bệnh, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch.

Các địa phương đã triển khai quyết liệt, sáng tạo nhiều giải pháp phù hợp với thực tiễn. Chiến lược và các biện pháp phòng, chống dịch được quyết định nhanh, triển khai quyết liệt, cơ bản là phù hợp.

Cử tri lo lắng đến hiệu quả dạy và học trực tuyến mùa dịch - Ảnh 1.

Quốc hội nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2. Ảnh: Quochoi.vn

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, cử tri và Nhân dân cho rằng, công tác phòng, chống dịch còn một số hạn chế, bất cập như: Công tác dự báo có lúc chưa sát với thực tiễn. Có lúc, có nơi còn lơ là, chủ quan, cứng nhắc, thiếu đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể, đột xuất.

Hệ thống y tế cơ sở và năng lực quản lý của các cấp bộc lộ nhiều điểm yếu; hầu hết các trang thiết bị y tế, thuốc, sinh phẩm, vaccine,... đều phải nhập khẩu nên chưa kịp thời, bị động, chi phí cao.

Một số nơi còn xảy ra tình trạng ách tắc trong lưu thông hàng hoá, di chuyển của người dân. Sau khi "nới lỏng" các biện pháp giãn cách xã hội, một lượng lớn người dân từ TP.HCM và các tỉnh có dịch trở về quê tự phát, tiềm ẩn rủi ro và lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Về các vấn đề xã hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và Nhân dân phản ánh, còn nhiều đối tượng khó khăn chưa được nhận các gói hỗ trợ an sinh xã hội; thủ tục hỗ trợ còn bất cập, rườm rà, tiến độ giải ngân chậm…

Đặc biệt, việc thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em, người yếu thế trong xã hội.

"Cử tri và Nhân dân lo lắng về chất lượng, hiệu quả của việc dạy và học trực tuyến, nhất là đối với học sinh bậc tiểu học; việc phải tiếp xúc thường xuyên với các thiết bị điện tử sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của các em học sinh. Đồng thời, bức xúc trước các thông tin xấu độc, sai sự thật; tình trạng sản xuất, buôn bán thuốc, vật tư y tế giả; chống người thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản... gia tăng, diễn biến phức tạp" – ông Đỗ Văn Chiến cho hay.

Cử tri lo lắng đến hiệu quả dạy và học trực tuyến mùa dịch - Ảnh 2.

Học sinh học trực tuyến trong giai đoạn nghỉ vì dịch COVID-19. (Ảnh: TTXVN)

Đánh giá toàn diện việc dạy và học trực tuyến

Trước các thực trạng nói trên, Ủy ban trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, cử tri gửi đến Quốc hội một số đề xuất, trong đó nhấn mạnh các yếu tố về vaccine, an sinh xã hội.

Theo  đó, cử tri đề nghị giải quyết căn cơ, có tính chất lâu dài về chiến lược vaccine,  nhất là vaccine tiêm cho người dưới 18 tuổi; tăng cường đầu tư cho tuyến y tế cơ sở và công tác y tế dự phòng; thiết lập nền tảng công nghệ dùng chung toàn quốc trong phòng, chống dịch Covid-19; quan tâm giải quyết thấu đáo các vấn đề an sinh xã hội, lao động, việc làm, đời sống của Nhân dân;

Quan tâm nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em mồ côi, hỗ trợ người yếu thế. Đưa trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm vào Danh mục hàng hóa Nhà nước quản lý bình ổn giá. Quan tâm giải quyết các chính sách, giúp đỡ những người trở về quê từ vùng dịch sớm ổn định việc làm và đời sống.

Đặc biệt,cần đánh giá toàn diện về chất lượng dạy và học trực tuyến cho học sinh các bậc học; có kế hoạch dạy bù, bổ sung kiến thức cho học sinh, nhất là cho học sinh bậc tiểu học để bảo đảm chất lượng.

Kịp thời ban hành chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế, sớm quyết định các gói tài chính hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển kinh tế, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm;

Đồng thời có chính sách đảm bảo nguồn lao động cho các doanh nghiệp, từng bước giải quyết nhà ở xã hội cho công nhân gắn với các khu công nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hạn chế các doanh nghiệp rời khỏi thị trường; tiếp tục có các giải pháp phù hợp để kiểm soát lạm phát, bảo đảm cho nền kinh tế sớm phục hồi, phát triển.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm