pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đại dịch Covid-19 gây khủng hoảng tâm lý kéo dài, nhất là với trẻ em
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) tại phiên thảo luận chiều 25/7. Ảnh:Quochoi.vn
Đại dịch tác động tiêu cực đến sức khỏe, tinh thần của người dân
Thảo luận tại Quốc hội chiều 25/7, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, đại dịch Covid-19 đang phá vỡ thói quen sinh hoạt, làm việc, học tập của người dân. Để kiềm chế bùng phát lây lan của dịch bệnh, chúng ta phải thực hiện các xã hội, phong tỏa những nhu cầu đơn giản của cuộc sống bình thường trước kia, thực hiện pháp học trực tuyến hay làm việc trực tuyến, xã hội cách ly bằng những giải pháp cần thiết, hiệu quả để chống dịch.
Theo nữ ĐB, chính điều này tác động tiêu cực đến sức khỏe, tinh thần của con người. Đó là sự mệt mỏi, lo lắng, bất an khi chứng kiến dịch bệnh kéo dài, là nỗi hoảng loạn đối với những người mất người thân, sự u uất, chán chường, mất việc làm, mất thu nhập, bị phá sản, những kế hoạch cho cuộc sống bị đảo lộn...
"Tất cả những điều này tạo thành tâm lý nặng nề mà nếu không được quan tâm đúng mức, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều hệ lụy tiêu cực. Nhiều nước trên thế giới có những khảo sát, nghiên cứu công phu, nghiêm túc về tác động tiêu cực của đại dịch lên sức khỏe, tinh thần của con người. Nhưng ở Việt Nam, chúng ta chưa có nghiên cứu cụ thể về vấn đề này" – bà Việt Nga nhìn nhận.
Nữ ĐB trích dẫn, ngay trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại kỳ họp này, Ủy ban MTTQ VN cũng nêu rất rõ bức xúc của cử tri là trong bối cảnh phải cách ly xã hội, một bộ phận trẻ em không được đến trường lớp và không được vui chơi tương thích với lứa tuổi. Điều này ảnh hưởng rất nhiều tới tâm sinh lý của các em.
Chính vì vậy, song song với việc tìm giải pháp để phát triển, phục hồi nền kinh tế trong và sau đại dịch, ĐB Nga đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban, ngành có liên quan cần có những giải pháp phù hợp để đại dịch Covid-19 không trở thành cuộc khủng hoảng tâm lý xã hội kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống, tư duy của nhân dân.
Cụ thể, bà nêu một vài vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới như: Đảm bảo nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội sau đại dịch; lắng nghe và kịp thời xử lý các dư luận xã hội tiêu cực, sai lệch, gây chia rẽ, mất đoàn kết; tăng cường triển khai các chương trình hoạt động truyền thông, truyền cảm hứng, lan tỏa năng lượng tích cực, xây dựng niềm tin và kỳ vọng của nhân dân; bên cạnh việc chuẩn bị nguồn nhân lực, vật lực, cần chuẩn bị cả về mặt tâm lý của nhân dân để khi rơi vào tình huống xấu nhất, có thể chủ động về vật chất và vững vàng, tỉnh táo về mặt tâm lý nhân dân.
"Đại dịch không chỉ gây thiệt hại cụ thể về kinh tế mà còn để lại ảnh hưởng tiêu cực về lối sống, cách sinh hoạt, tâm lý xã hội của người dân. Vì vậy, cần dự liệu đầy đủ, toàn diện các tác động của dịch bệnh trên mọi mặt và mọi lĩnh vực, kể cả về kinh tế, tâm lý, và xu hướng xã hội để chúng ta có những hướng đi, phương án đầu tư phát triển, phục hồi đúng đắn, phù hợp sau đại dịch" – nữ đại biểu đề xuất.
Đề xuất mô hình trường học an toàn
Cũng liên quan đến tác động của đại dịch đối với trẻ em, ĐB Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đề xuất thời gian tới, Chính phủ cần quan tâm đến các vấn đề về giáo dục, nhất là hoạt động dạy học, thi cử trong điều kiện dịch bệnh.
Theo ông, các cháu học sinh không thể ở nhà và học trực tuyến mãi được, việc không thể đến trường cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm, sinh lý của học sinh, nhất là các cháu bậc mẫu giáo và tiểu học.
"Hiện nay chúng ta xác định là sẽ sống chung với Covid-19, chưa biết đến bao giờ mới có thể kết thúc đại dịch. Do đó, đề nghị Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế cần nghiên cứu để xây dựng mô hình trường học an toàn để đưa trẻ đến trường" – ĐB kiến nghị.