Đại diện Facebook: "Chúng tôi hỗ trợ phụ nữ cất lên tiếng nói để chấm dứt bạo lực giới"

Nhật Lam (thực hiện)
20/10/2021 - 09:43
Đại diện Facebook: "Chúng tôi hỗ trợ phụ nữ cất lên tiếng nói để chấm dứt bạo lực giới"

Bà Malina Enlund - Phụ trách Chính sách về An toàn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Facebook

Ngày 20/10, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) phối hợp cùng Facebook chính thức ra mắt Messenger Bot "Yêu thương và Tự do" - công cụ hỗ trợ nạn nhân của Bạo lực giới trực tuyến qua nền tảng tin nhắn Facebook Messenger đầu tiên tại Việt Nam.

Báo Phụ nữ Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Malina Enlund, Phụ trách Chính sách về An toàn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn Facebook, xung quanh vấn đề này.

<?> Messenger Bot không phải là công cụ mới, thường sử dụng trong kinh doanh. Việc trở thành công cụ hỗ trợ nạn nhân của bạo lực giới có gì khác biệt, thưa bà?

- Bạo lực giới gây ra những câu chuyện đau lòng ở bất cứ đâu trên thế giới, khi mà cứ 3 phụ nữ thì có 1 người từng phải chịu bạo lực thể chất hoặc tình dục do bạn tình gây ra, theo UN Women. Là nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất trên thế giới hiện nay, chúng tôi coi việc hỗ trợ phụ nữ cất lên tiếng nói về vấn đề của bản thân và kêu gọi sự hỗ trợ cho các nạn nhân là một trong những vai trò quan trọng.

Trong bối cảnh Covid-19, nạn nhân của bạo lực gia đình phải đối mặt với những nguy cơ phát sinh khác. Họ hầu như phải ở trong cùng một không gian với người gây bạo lực trong một khoảng thời gian dài, hạn chế về quyền riêng tư và gia tăng các nguy cơ đối với sự an toàn của họ.  

Số lượng ca bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tăng lên đáng kể trong đại dịch Covid-19. Theo báo cáo từ văn phòng hỗ trợ nạn nhân của CSAGA thì số cuộc gọi tới hotline của CSAGA liên quan tới bạo lực gia đình trong 4 tháng đầu năm 2020 đã tăng lên gấp đôi so với cùng kì năm trước đó. 9 tháng đầu năm 2020, Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 cũng đã nhận được tổng cộng gần 550.000 cuộc gọi, trong đó 50% là các cuộc liên quan tới xâm hại và bạo lực với trẻ em. Các hỗ trợ khẩn cấp từ chính quyền địa phương và các tổ chức hỗ trợ cũng bị hạn chế, thậm chí bị gián đoạn do các lệnh giãn cách xã hội.

Trước thực trạng báo động này, ý tưởng cho sự ra đời của Messenger Bot hỗ trợ người bị bạo lực là sự tiếp nối của chương trình mà chúng tôi đã triển khai thực hiện vào tháng 12/2020 cùng Mạng lưới GBVNet và UN Women, ở đó chúng tôi đã thảo luận về các giải pháp sáng tạo để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam.

Đó là lý do tại sao Facebook hợp tác với CSAGA và GBVNet để xây dựng Messenger Bot nhằm bảo vệ sự an toàn cho phụ nữ tại Việt Nam, góp phần đấu tranh chống bạo lực giới, khuyến khích phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương lên tiếng và tiếp cận với dịch vụ hỗ trợ khi bị bạo lực. Cùng với đó, chúng tôi cũng muốn nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề bạo lực giới trong bối cảnh đặc biệt của Covid-19 cũng như đưa ra các giải pháp mới để ứng phó với vấn đề này và tăng cường an toàn cho phụ nữ.

Đại diện Facebook:&quot;Chúng tôi nỗ lực chấm dứt bạo lực giới với phụ nữ và trẻ em Việt Nam!&quot; - Ảnh 1.

Bạo lực giới với phụ nữ gia tăng trong bối cảnh Covid-19. Ảnh minh họa

<?> Nội dung được thể hiện trên mạng xã hội Facebook hiện nay ở Việt Nam đang cho thấy bức tranh như thế nào về nhận thức của người Việt về giới, về bình đẳng giới và bạo lực giới?

- Phụ nữ tại Việt Nam, cũng giống như rất nhiều nơi trên thế giới, phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do các quan niệm xã hội ngăn cả họ chạm tới thành công hay những định kiến giới điển hình.

Tuy nhiên, điều này đã thay đổi rõ rệt ở Việt Nam trong những năm gần đây. Rất nhiều phụ nữ ở Việt Nam dám chứng tỏ bản thân, hỗ trợ người khác và tạo ra những bước tiến, thành tựu ấn tượng. Họ nắm giữa những vị trí quan trọng ở cấp lãnh đạo hay tham gia nhiều lĩnh vực vốn được coi là dành riêng cho nam giới.

Thông qua nền tảng của mình, chúng tôi cũng thấy những tác động tích cực mà phụ nữ tạo ra trong chính cộng đồng của mình - xây dựng công việc kinh doanh riêng, vận động cho sự thay đổi, trao quyền lẫn nhau. Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng phụ nữ Việt Nam có thể và sẽ còn tạo nên nhiều thành tựu hơn nữa trong tương lai gần.

<?> Trước khi phối hợp cùng CSAGA ra mắt công cụ hỗ trợ người bị bạo lực giới, Facebook từng hỗ trợ người dùng thuộc nhóm chuyên biệt, nhóm yếu thế tương tự hay chưa và hiệu quả như thế nào theo đánh giá của bà?

- Trên toàn thế giới, chúng tôi đã triển khai rất nhiều sáng kiến hướng đến các nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương và thiệt thòi, với hy vọng những người cần giúp đỡ sẽ nhận được sự hỗ trợ, dù họ ở trong bất cứ cộng đồng nào.

Bảo vệ và trao quyền cho phụ nữ là một trong những trọng tâm chính của các sáng kiến và chiến dịch này, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Chúng tôi đã hợp tác với UN Women, Mạng lưới ngăn ngừa bạo lực gia đình Hoa Kỳ và Mạng lưới Nhà bình yên thế giới để cho ra mắt để ra biên soạn một danh sách các nguồn lực hỗ trợ vấn đề bạo lực gia đình toàn cầu và chúng tôi kết nối mọi người tới những hướng dẫn thành thông qua Trung tâm thông tin Covid-19.

Bên cạnh đó, phụ nữ còn có thể trở thành nạn nhân của vấn đề lạm dụng hình ảnh và chia sẻ các hình ảnh riêng tư trên mạng xã hội, một vấn đề có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, chúng tôi cũng có các chính sách để loại bỏ các thông tin gây hại này một dựa trên việc báo cáo hoặc một cách chủ động trên Facebook và Instagram, dựa theo báo cáo của người dùng hoặc trí thông minh nhân tạo của chúng tôi để phát hiện, loại bỏ và ngăn chặn việc chia sẻ này…

<?> Xin trân trọng cám ơn bà!

Messenger Bot Yêu thương và Tự do được xem là một trong những giải pháp sáng tạo của CSAGA và Facebook trong việc tận dụng lợi thế công nghệ và cách tiếp cận trực tuyến để hỗ trợ người bị bạo lực, đảm bảo tính kịp thời và liên tục của các hỗ trợ trong bối cảnh đặc biệt hiện nay. Công cụ có tính năng trả lời tự động, phân loại nhu cầu của người dùng và cung cấp các kiến thức, chỉ dẫn cơ bản để ứng phó Bạo lực giới bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt hiện đang hoạt động trên trang Fanpage chuyên hỗ trợ Người bị bạo lực của CSAGA là "Yêu thương và Tự do". Công cụ này còn đặc biệt hữu ích với các trường hợp người bị bạo lực là người khuyết tật hoặc gặp khó khăn trong giao tiếp.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Văn phòng hỗ trợ người bị bạo lực của CSAGA đã tiếp nhận và xử lý tổng cộng 1.268 cuộc tư vấn thông qua các hình thức khác nhau, bao gồm cả tư vấn qua đường dây nóng và tư vấn qua tin nhắn trên Facebook. Trong số đó, 56,1% các cuộc tư vấn là các ca khẩn cấp và ca cần được hỗ trợ lập tức trong đêm, có tới 75,9% là các vụ việc liên quan tới bạo lực với phụ nữ trong gia đình. Đặc biệt, trong bối cảnh giãn cách xã hội, khi mà người bị bạo lực có thể đang "mắc kẹt" trong chính ngôi nhà của họ cùng với người gây bạo lực, thì hình thức tư vấn qua nhắn tin trên Facebook đã phát huy tính hiệu quả của nó.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm