pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phong trào thúc đẩy và nêu cao quyền phụ nữ
Phong trào Me Too với hashtag #Metoo lan rộng trên thế giới
Me Too - Sức mạnh nữ quyền
Tarana Burke là nhà sáng lập phong trào Me Too (Tôi cũng vậy) với hashtag #Metoo kêu gọi ngăn chặn nạn quấy rối và xâm hại tình dục trên toàn thế giới từ năm 2006. Phong trào này bùng nổ năm 2017 khi nữ diễn viên Ashley Judd lên tiếng cáo buộc nhà sản xuất truyền thông có thế lực ở Hollywood là Harvey Weinstein vì đã có hành vi quấy rối tình dục. Dần dần, phong trào #Metoo lan tỏa rộng rãi trên toàn thế giới. Từ ảnh hưởng của phong trào, phụ nữ đã công khai lên tiếng về việc đã bị xâm hại hay quấy rối tình dục, tạo nên một không khí đầy cảm thông khiến những người phụ nữ khác dám cất lên tiếng nói chia sẻ về những chuyện họ đã phải trải qua khi rơi vào những tình thế tương tự. Trên các phương tiện truyền thông, phụ nữ thuộc đủ mọi tầng lớp, địa vị, ngành nghề xã hội cùng chia sẻ những trải nghiệm của mình.
#Metoo đã khuyến khích phụ nữ lên tiếng tố cáo hành vi xâm hại tình dục trong nhiều lĩnh vực và tại nhiều quốc gia. Làn sóng lan rộng, tạo nên một vòng tròn đoàn kết để nhiều nạn nhân biết rằng họ không cô đơn. Bằng cách cất lên tiếng nói của mình, họ đang tạo ra một thứ vũ khí mạnh mẽ chống lại vấn nạn này. Cái xấu được mạo danh bởi danh vọng, quyền lực, bởi những hứa hẹn, cái xấu được che giấu bao năm bởi quyền lực cuối cùng cũng bị đưa ra ánh sáng. Hàng loạt các tên tuổi tiếng, những người có ảnh hưởng đều phải lên tiếng xin lỗi hay từ chức sau khi các cáo buộc lạm dụng xuất hiện như Hoàng tử Anh Andrew, thống đốc bang New York (Mỹ) Andrew Cuomo... Nó mở đường cho việc tiến hành những hành động pháp lý chống lại những kẻ có hành vi phạm tội, nhất là ở những nước đã thông qua luật cấm quấy rối tình dục trong bộ luật lao động. Tại các quốc gia khác, #Metoo thúc đẩy chính phủ các nước này chỉnh sửa và ban hành những bộ luật mới hướng đến bảo vệ phụ nữ.
Kể từ khi phong trào lan rộng trên phạm vi toàn cầu, Chính phủ Trung Quốc có động thái cho phép phụ nữ trình báo khiếu nại về quấy rối tình dục dân sự. Phong trào đã khiến Ngô Diệc Phàm - Một trong những ngôi sao lớn nhất làng giải trí bị bắt giữ sau bê bối cưỡng hiếp và tấn công tình dục trẻ vị thành niên. Phong trào ấy đang hé lộ góc khuất đáng sợ trong văn hóa làm việc của Alibaba - Tập đoàn gần như được xem là biểu tượng công nghệ tại Trung Quốc.
Ngay cả ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - phải trình kế hoạch hành động nhằm giải quyết các cáo buộc liên quan đến việc lạm dụng tình dục phụ nữ Congo. WHO đã cử các chuyên gia để ngăn nạn lạm dụng tình dục phụ nữ ở 10 quốc gia như Afghanistan, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Congo, Ethiopia, Nigeria, Somalia, Nam Sudan, Sudan, Venezuela và Yemen để ngăn chặn các vụ lạm dụng tình dục trong tương lai. WHO phân bổ trước 7,6 triệu USD để tăng cường năng lực ngăn chặn, phát hiện và ứng phó với nạn lạm dụng tình dục tại các nước này.
Bảo vệ an toàn kinh tế cho phụ nữ trước đại dịch
Sự lây lan của đại dịch Covid-19 đe dọa đẩy lùi những tiến bộ mà thế giới đạt được trong những thập kỷ qua liên quan đến bình đẳng giới. Trên mọi lĩnh vực, từ y tế đến kinh tế, an ninh đến bảo trợ xã hội, tác động của Covid-19 ngày càng trầm trọng hơn đối với phụ nữ và trẻ em gái. Báo cáo mới công bố gần đây của UN Women cho thấy đại dịch đẩy 96 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực trong năm 2021, trong đó 47 triệu người là phụ nữ và trẻ em gái. Điều này sẽ nâng tổng số phụ nữ và trẻ em gái sống ở mức dưới 1,90 USD/ngày lên 435 triệu. Việc khắc phục tình trạng bất bình đẳng này phải là một phần của quá trình phục hồi để bảo đảm phục hồi được toàn diện. Một trong những chìa khóa để thu hẹp khoảng cách giới là đạt được sự dịch chuyển xã hội và tiềm năng thu nhập cao hơn.
Tại Diễn đàn APEC về phụ nữ và kinh tế năm 2021 do New Zealand chủ trì, các bộ trưởng và quan chức cấp cao của các nền kinh tế thành viên APEC đã cam kết đặt nền móng cho một tương lai vững chắc hơn cho phụ nữ và trẻ em gái, vì một nền kinh tế khu vực bền bỉ hơn với sự tham gia ngày càng đông đảo của lực lượng lao động nữ. Cùng với đó, trọng tâm của chương trình nghị sự là tìm kiếm các biện pháp tập trung cải thiện bình đẳng giới và tăng quyền lực kinh tế cho phụ nữ trên toàn khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Trong đó sẽ triển khai những chính sách giúp nâng cao cơ hội tiếp cận nguồn vốn và thị trường cho phụ nữ, thúc đẩy nữ giới tham gia lực lượng lao động, nâng cao cơ hội cho phụ nữ nắm giữ những chức vụ lãnh đạo và hỗ trợ giáo dục, đào tạo và phát triển kỹ năng cho nữ giới.
Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trở thành một trong những quan tâm hàng đầu của cộng đồng quốc tế. Các nước đã có nhiều quy định thúc đẩy quyền phụ nữ trong bình đẳng giới trong kinh tế, gia nhập thị trường lao động và sản xuất kinh doanh. Đồng thời cũng cần có những chính sách hỗ trợ phụ nữ tiếp cận công nghệ thông tin, công nghệ số để từ đó thu hẹp khoảng giới giới trong lĩnh vực số, như các chương trình/đề án đào tạo cho phụ nữ về thương mại điện tử, về nông nghiệp công nghệ cao... Thúc đẩy phát triển việc ứng dụng công nghệ số trong thương mại điện tử, chuyển đổi hình thức kinh doanh từ trực tiếp sang trực tuyến, ứng dụng nền tảng công nghệ trong sử dụng dịch vụ, trong sản xuất, quảng bá, bán hàng, kết nối tiêu thụ, hướng tới liên kết với các sàn thương mại điện tử với những mặt hàng đủ tiêu chuẩn. Đại dịch Covid-19 được xem là "chất men" xúc tác cho chị em phụ nữ ứng dụng công nghệ số để phát triển kinh tế số, là đòn bẩy giúp phụ nữ mở rộng cơ hội sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế.
Các chỉ số bình đẳng giới trên thế giới
* Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2021, thống kê về sự tương quan quyền lợi giữa nam giới và nữ giới ở 153 quốc gia trên thế giới. WEF nhận định cần 135,6 năm để xóa bỏ hoàn toàn khoảng cách giới trên toàn cầu, thay vì 99,5 năm được nêu trong báo cáo năm 2020.
* Có 26 phụ nữ giữ chức vụ nguyên thủ quốc gia. Với tốc độ hiện tại, bình đẳng giới ở các vị trí quyền lực cao nhất sẽ không thể đạt được trong 130 năm nữa. Với việc phụ nữ chỉ nắm giữ 25% số ghế trong quốc hội và 21% vị trí bộ trưởng trên toàn thế giới, khoảng cách giới trong chính trị dự kiến sẽ mất hơn 145 năm để thu hẹp. Còn khoảng cách kinh tế sẽ không thu hẹp được cho đến năm 2288.
* Chỉ có 4 quốc gia có từ 50% phụ nữ trở lên trong quốc hội: Rwanda với 61%, Cuba với 53%, Bolivia với 53% và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất với 50%.