#Metoo: Cuộc chiến nhân văn của những người dũng cảm

24/04/2018 - 17:11
Ngày 15/10/2017, nữ diễn viên phim "Phép thuật" Alyssa Milano đăng dòng trạng thái trên Twitter: Nếu tất cả phụ nữ từng bị quấy rối hay tấn công tình dục cùng đăng trạng thái "Me too", chúng ta có thể khiến cho mọi người nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn nạn này. Từ đó đến nay, nhiều người ở khắp nơi đã phản hồi bằng hashtag #Metoo và chia sẻ câu chuyện đời mình.

Tại Việt Nam, sau sự việc nữ sinh viên thực tập ở báo Tuổi Trẻ lên tiếng bị hãm hiếp bởi Trưởng ban truyền hình, đã có vài người khác cũng lên tiếng bị quấy rối khi họ tập sự tại tờ báo này ở Văn phòng miền Tây. Không chỉ vậy, nhiều nữ phóng viên, nhân viên văn phòng khác cũng đăng đàn viết trên Facebook với chế độ công khai kể những câu chuyện chính bản thân đã bị những cộng sự khác quấy rối tình dục trong quá trình đi học, đi làm. 

Nói về phong trào #Metoo đang lan tỏa tại Việt Nam, luật sư Lê Ngọc Luân, Hãng luật Gold Key, Đoàn Luật sư TPHCM, chia sẻ với PNVN: "Theo tôi, #Metoo là một phong trào nhằm mục đích kêu gọi những nạn nhân bị xâm hại lên tiếng nhằm bảo vệ chính bản thân và các nạn nhân khác. Hiện nay, trước vấn nạn xâm hại tình dục ở Việt Nam, tôi có cảm nhận mọi người đang rất ủng hộ phong trào #Metoo. Là người hành nghề luật sư từng bào chữa/bảo vệ cho các nạn nhân bị xâm hại, tôi vô cùng ủng hộ. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên ủng hộ một cách cẩn trọng, cụ thể khi đã lên tiếng phải thật sự khách quan, không nên bịa đặt hoặc cố ý thêm bớt thông tin (nếu có) để không gây ra hệ luỵ, phản tác dụng và hệ quả tâm lý cho người khác. Mặt khác, cũng cần có những biện pháp giúp cho những nạn nhân đã và nguy cơ bị xâm hại có thể mạnh mẽ, dũng cảm lên tiếng".

ls-lun.jpg
Luật sư Lê Ngọc Luân: "Khi lên tiếng tố cáo hành vi xâm hại, phải thật sự khách quan, không bịa đặt"
 

Nữ diễn viên - đạo diễn Kim Khánh cũng đưa ra quan điểm mạnh mẽ của mình về phong trào này. Trao đổi với PNVN, đạo diễn của bộ phim gây chú ý "Hồn bướm" cho biết, chị đang tập hợp nhiều tư liệu và chuẩn bị các điều kiện khác để làm 1 bộ phim về nạn xâm hại tình dục trẻ em gái tại Việt Nam. "Tôi nghĩ cần can đảm nói lên sự thật, mặc dù điều này rất khó khăn, có thể ảnh hưởng đến gia đình, người thân và những mối quan hệ xung quanh... Nhưng nếu bạn im lặng thì những người phụ nữ, những cô bé không thể biết để phát hiện, tránh xa và ngăn chặn những kẻ xấu. Người ngoài cuộc khi tiếp nhận thông tin ấy thì không được làm tổn hại đến thể xác và tinh thần của nạn nhân. Bởi lẽ điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới cả một đời người và thậm chí cả gia đình họ. Không chỉ mỗi cá nhân cần lên tiếng mà tôi nghĩ việc này là của cả xã hội. Chúng ta cần nâng cao giáo dục giới tính trong học đường, trong gia đình và kiên quyết trừng trị những tội phạm này".

kim-khanh.jpg
Diễn viên - đạo diễn Kim Khánh: "Cần can đảm nói lên sự thật mặc dù điều này rất khó khăn"
 

Chia sẻ những câu chuyện khá đặc biệt trong ngành Y, bác sĩ Nguyễn Đức Khải đã đưa những ý kiến cá nhân về phong trào #Metoo với PNVN: "Tại bệnh viện nơi tôi học sau đại học, 1 chị y tá trưởng có cách đùa là hay bóp vào "của quý" của các nam bác sĩ trẻ. Ban đầu tôi tưởng là đùa vui không quan tâm, nhưng sau đó rất nhiều đồng nghiệp trẻ đồn thổi về câu chuyện này, tôi mới biết chị ấy bị "nghiện" việc sờ mó như vậy nhưng lấp liếm trong các hoàn cảnh đùa vui.

Với tôi, công việc của bác sĩ thẩm mỹ có thể nói là rất nhạy cảm, khi khám các bộ phận kín thì luôn có trợ lý nữ cùng trong phòng. Phần lớn các bác sĩ thẩm mỹ khá tỉnh táo trong nghề nghiệp nhưng cũng không phải là không có các trường hợp bác sĩ bị rơi vào những bẫy tình hay bị tống tiền. Cũng có lần tôi khám và tư vấn cho một người đẹp của giới "chân dài", cô gái này hay đùa và cố tình bắt bác sĩ phải khám phần ngực vì nói mong muốn làm ngực. Tôi đã tư vấn, ngực em so với phụ nữ trẻ vậy là rất đẹp, không cần nâng thêm, nhưng trong hành vi, tôi nhận ra cô ta chỉ muốn khoe ngực chứ không có ý phẫu thuật.

Theo tôi, phong trào #Metoo cần thiết được đẩy mạnh tại Việt Nam. Phần đông chúng ta bị tính lo sợ hay mắc cỡ chi phối làm từ bỏ ý định tố cáo những hành vi có thể gây hại hoặc ít nhất tổn thương về mặt tinh thần sau này. Thử nghĩ, nếu bạn có con gái bị quấy rối một cách vô thức hay cố ý mà bạn không biết được để hỗ trợ thì tai họa không ngờ có thể ập đến gia đình bạn, khi việc biết ra thì đã muộn. Các bậc phụ huynh phải ý thức được rằng, người có hành vi quấy rối thuộc về bản chất ham muốn dục vọng bệnh hoạn, không còn là một ham muốn thông thường. Ở họ, sự kiểm soát hành vi cũng như chế tài đạo đức là điều không có tác dụng, do vậy hành vi hay thói quen sẽ hình thành nhân cách. Trẻ em Việt Nam xưa nay được giáo dục "gọi dạ - bảo vâng" một cách cứng nhắc, thiếu sự phản ứng tự vệ cần thiết tối thiểu. Điều này sẽ dẫn đến việc nếu có bị xâm hại thì bé cũng xem nó như một bí mật vì kể ra sợ bị mang tiếng không tốt hoặc bạn bè trêu chọc. Đừng im lặng. Hãy hành động và ủng hộ #Metoo để con cái chúng ta không còn bị nguy hiểm!".

bs-khai.jpg
BS Nguyễn Đức Khải: "Hãy hành động và ủng hộ #Metoo để con cái chúng ta không còn bị nguy hiểm!"
 

Ở góc nhìn trao đổi với những người khác khi tiếp nhận phong trào #Metoo, nhà văn Nguyễn Đình Bổn cho biết: "Tôi khâm phục những phụ nữ mạnh mẽ, những phụ nữ mà đàn ông không thể chạm đến nếu họ không đồng ý, nhưng tôi sẽ ngưỡng mộ những phụ nữ mạnh mẽ và nhân bản ngàn lần hơn, khi họ biết chia sẻ, cảm thông với những ai có tâm lý yếu đuối hơn mình. Những phức cảm tâm lý khi bị đe dọa, bị uy hiếp, bị mặc cả trong công việc của một nạn nhân yếu đuối là đáng cảm thông, chứ không phải để dè bỉu. Các nước văn minh, dân chủ hàng đầu thế giới luôn chia sẻ với những thân phận này, nên luật của họ về hiếp dâm và quấy rối tình dục rất nghiêm khắc. Nếu quý vị có thể nhường ghế trên xe bus cho người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người khuyết tật... thì tại sao các bạn không thể chia sẻ cái yếu đuối về tâm? Trong khi một con người, thân và tâm chính là 2 yếu tố cấu thành và quan trọng như nhau. Nếu bạn giỏi, bạn mạnh mẽ, nhưng bạn tự hào về điều đó bằng cách đem mình ra so sánh với những thân phận bị vùi dập một cách đắc ý, thì bạn cũng man rợ như trong rừng Phi châu, nơi muôn loài đấu tranh nhau bằng móng vuốt!".

bon.jpg
Nhà văn Nguyễn Đình Bổn: "Những phức cảm tâm lý khi bị đe dọa, bị uy hiếp, bị mặc cả trong công việc của một nạn nhân yếu đuối là đáng cảm thông, chứ không phải để dè bỉu"

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm