Hầu hết mọi người thường cảm thấy buồn khi mắc hội chứng di truyền tên Polydactyly – dị tật dư thừa ngón với tỷ lệ ảnh hưởng 1/1.000 ca sinh nở. Tuy nhiên với gia đình De Silva, họ lại coi đó là một dấu hiệu độc đáo và nổi tiếng trong vùng với biệt hiệu: “Gia đình 6 ngón”.
Anh Alessandro, một thành viên gia đình tự hào: “Đây là một dấu hiệu mà không có gia đình nào khác có. Đó là điều khiến chúng tôi trở nên nổi bật trong đám đông”.
Được biết, trong khi anh Alessandro có 6 ngón, vợ anh, chị Katia cũng chỉ có 5 ngón tay. Điều này có nghĩa là con của họ sẽ có 50% cơ hội mang gene 6 ngón của cha. Cả gia đình anh Alessandro đều mong các con của anh sẽ mang gen trội đặc biệt trên và cuối cùng cả bé lớn Guilherme (7 tuổi) và bé út Vinicius đều ra đời khỏe mạnh với 6 ngón tay.
Chị Katia kể lại: “Chúng tôi phát hiện ra Vinicius là một bé trai ở tuần thai 13 và từ lúc đó, chúng tôi hy vọng bé sẽ có 6 ngón tay”.
Anh Alessandro chia sẻ thêm: “Từ khi Vinicius ra đời, chúng tôi nhận thấy rằng những ngón tay của bé có chức năng hoàn hảo. Bé có thể cầm nắm mọi thứ. Tất cả các ngón tay đều hoạt động bình thường”.
Về nguyên nhân dẫn đến di truyền đặc biệt này, bác sĩ Laura Lettice giải thích: “Có rất nhiều đột biến dẫn đến tình trạng thừa ngón, nhưng trong trường hợp chỉ đơn giản là có thêm ngón tay và ngón chân, thì có thể đó là một sự thiếu hụt về gene. Nếu mẹ hoặc cha thừa ngón thì con có nguy cơ di truyền là 50/50”.
Với cả đại gia đình De Silva, những ngón tay thừa của họ là một tài sản, chứ không phải là một sự cản trở. Chúng giúp họ trở nên hoàn hảo hơn.
Cô Sylvia, cô của anh Alessandro cho biết: “Không có vấn đề gì khi chúng tôi có 6 ngón tay. Chúng tôi thích có 6 ngón tay”.
Cậu bé Guilherme hào hứng: “Điều tuyệt nhất khi có 6 ngón tay là cháu có thể cầm được rất nhiều thứ cùng một lúc”.
Em họ của anh Alessandro, chị Maria, nói thêm: “Điều tốt nhất khi có 6 ngón tay là tôi có thể chơi nhiều phím trên piano hơn”.
Joao Assis, một người họ hàng khác của anh Alessandro cũng tự hào chia sẻ: “Tôi có thể bắt được số bóng mà mọi người không thể làm được. Đối với tôi, việc giữ bóng trở nên dễ dàng hơn”.
Ông Assis, ông nội của anh Alessandro chính là người đã biến đặc điểm dị tật của gia đình thành điều đáng tự hào. Anh Alessandro chia sẻ: “Ông tôi đã biến dị tật 6 ngón tay thành một điều gì đó có giá trị. Ông viết sách, sáng tác nhạc và mọi tác phẩm của ông đều mang biểu tượng gia đình 6 ngón. Ông biến nó thành một thương hiệu gia đình”.