Đại học Việt Nam muốn được xếp hạng, trước tiên phải 'khỏe'

13/04/2018 - 16:23
Đó là nhận định của GS Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - liên quan đến đào tạo giáo dục đại học hiện nay ở nước ta.

Ngày 13/4, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức họp báo về Hội thảo giáo dục 2018 chủ đề “Giáo dục đại học (GDĐH) - chuẩn hóa và hội nhập quốc tế”. Hội thảo do đơn vị này phối hợp cùng ĐH Quốc gia TPHCM đồng tổ chức, dự kiến sẽ diễn ra tháng 8/2018.

Đây sẽ là diễn đàn để các chuyên gia, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và các nhà hoạch định chính sách cùng trao đổi, thảo luận, đề xuất các ý tưởng nâng cao chất lượng GDĐH Việt Nam, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Từ đó, góp phần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho Ủy ban, các đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện chức năng giám sát và kiến nghị Quốc hội quyết định chính sách, hoàn thiện pháp luật để phát triển GDĐH, đặc biệt là góp phần hoàn thiện dự thảo luật GDĐH sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm nay.

xep-hang.jpg
Hội thảo về chuẩn hóa giáo dục đại học sẽ diễn ra tháng 8/2018 tại Hà Nội. Ảnh: D.H

Hội thảo sẽ có báo cáo về công tác quản lý GDĐH của Bộ GD&ĐT, về thực trạng GDĐH Việt Nam hiện nay, định hướng phát triển GDĐH Việt Nam trên cơ  sở ý kiến tham vấn của các chuyên gia quốc tế…

Hội thảo bao gồm các báo cáo mời của chuyên gia trong nước và quốc tế, Bộ quản lý ngành, các đại học lớn về những vấn đề chung của giáo dục đại học.

Ở phần thảo luận chuyên đề, hội thảo tập trung 3 nội dung trọng tâm gồm: Năng lực hệ thống giáo dục đại học, tài chính đại học, quản lý nhà nước và quản trị đại học.

Theo GS Phan Thanh Bình, GDĐH có nhiều thành quả, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung. Nhưng đứng trước yêu cầu hiện nay, phải chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển của đất nước; của thời đại công nghệ, cuộc cách mạng 4.0.

So với giai đoạn trước, nhân lực thời kỳ này phải có kỹ năng khác hơn. Mặt khác, trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa thì trình độ nhân lực cũng phải được nâng lên. Điều đó đặt ra vấn đề cần chuẩn hóa và hội nhập quốc tế ra sao đối với GDĐH.

Chia sẻ quan điểm về xếp hạng các trường đại học trong nước, theo GS Phan Thanh Bình, GDĐH phải bảo đảm được 3 bước: chất lượng đào tạo chuẩn; kiểm định; xếp hạng. Trước khi xếp hạng, đại học phải “khỏe” đã.

“Chất lượng và kiểm định là cực kỳ quan trọng đối với GDĐH, sau đó là xếp hạng trong nội bộ, sau đó mới tiến ra thế giới. Không nên chạy theo những tiêu chí xếp hạng, mà quan trọng hơn cả là phải bảo đảm chất lượng thực đứng sau những tiêu chí đó. Có những trường được xếp hạng cao nhưng chưa chắc đã bảm đảm chất lượng. Thành tích nhất thời nhưng chất lượng phải bảm đảm ổn định”, GS Phan Thanh Bình cho hay.

Ban tổ chức Hội thảo bắt đầu nhận đăng ký và tóm tắt tham luận (không quá 500 từ) chậm nhất ngày 10/5/2018; nhận tham luận toàn văn (không giới hạn độ dài) chậm nhất ngày 10/6/2018. Diễn giả gửi tham luận về trụ sở Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, số 22 Hùng Vương, Q.Ba Đình, Hà Nội. email: vec@vnuhcm.edu.vn

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm