Đại học Y Tokyo bị phát hiện cố tình hạ điểm thi của hàng loạt thí sinh nữ

03/08/2018 - 22:37
Trường Đại học Y Tokyo (Nhật Bản) đang trở thành tâm điểm của báo giới khi bị phát hiện đã cố tình hạ điểm thi đầu vào của hàng loạt thí sinh nữ nhằm giữ tỷ lệ nữ sinh tại trường chỉ trong khoảng 30%.
dai-hoc-y-tokyo-1a.jpg
Trường Đại học Y Tokyo

 

Vụ việc bị phát hiện trong lúc giới công tố viên đang tiến hành điều tra một vụ bê bối khác. Theo đó, trường đại học Y Tokyo danh tiếng bị tố cáo đã thu nhận con trai của ông Futoshi Sano, một quan chức cấp cao trong Bộ Giáo dục Nhật Bản, vào học dù không đủ tiêu chuẩn để đổi lại một khoản trợ cấp tài chính.
 
Nhiều bác sĩ nữ đã lên tiếng tố cáo hành vi phân biệt đối xử thông qua gian lận thi cử này. Trường đại học này đã bắt đầu giảm điểm số đầu vào của các nữ thí sinh từ năm 2011 sau khi kết quả năm 2010 cho thấy nhiều nữ sinh đoạt được nhiều suất nhập học, chiếm đến 40% trong tổng số tân sinh viên năm đó. Trước tình trạng bùng nổ số sinh viên là nữ giới, đại học này tìm cách khống chế tỷ lệ phái yếu ở mức khoảng 30% vào thời điểm nhập học mỗi năm. Lý do trường này đưa ra là phụ nữ thường bỏ nghề sớm hơn nam giới, đặc biệt khi họ lập gia đình và có con. Các bác sĩ nam được cho là bám nghề, chịu đựng được áp lực thời gian và cường độ làm việc cao hơn.
 
dai-hoc-y-tokyo-3.jpg
Tỷ lệ nữ sinh y khoa tại Nhật Bản bị hạn chế ở mức thấp

 

Theo Japan Times, công tác tuyển sinh của trường Đại học Y Tokyo gồm 2 vòng, vòng 1 là thi trắc nghiệm, những người vượt qua vòng thi này sẽ tham gia vòng hai, thi viết luận và phỏng vấn. Do đó, rất nhiều thí sinh nữ đã bị hạ điểm ngay từ vòng đầu tiên nhằm hạn chế số lượng thí sinh nữ có thể tiến vào vòng 2. Năm 2018, tỷ lệ nữ sinh vượt qua vòng thi đầu là 14,5%, con số tương ứng với nam giới là 18,9%. Tuy nhiên, đến vòng 2 và vòng thi cuối, chỉ 2,9% ứng viên nữ trúng tuyển trong khi tỷ lệ nam giới được tuyển là 8,8%.
 
Kyoko Tanebe, thành viên Ban quản trị Hiệp hội Nữ chuyên gia y tế Nhật Bản, cho biết các trường đại học y khoa khác được cho là đã tham gia vào các hoạt động tương tự. Nữ bác sĩ Ruriko Tsushima cho hay: "Tôi không thể tha thứ cho những gì mà ngôi trường này đã làm với những người học chăm chỉ để vào đại học, hy vọng trở thành bác sĩ. Điều này không nên xảy ra ở một đất nước dân chủ nơi được cho là cung cấp cơ hội giáo dục bình đẳng".
 
yoshimasa-hayashi1.jpg
Bộ trưởng Giáo dục Yoshimasa Hayashi

 

Người phát ngôn Trường Đại học Y Tokyo Fumio Azuma cho biết một cuộc điều tra nội bộ đã bắt đầu được tiến hành. Còn theo Bộ trưởng Giáo dục Yoshimasa Hayashi, Bộ sẽ có quyết định sau khi nhận được kết quả điều tra. “Những kỳ thi đầu vào phân biệt đối xử với nữ giới là hoàn toàn không thể chấp nhận”, ông khẳng định.

Bê bối hạ điểm nữ sinh trường Y gây nên sự phẫn nộ dẫu Thủ tướng Shinzo Abe ưu tiên theo đuổi con đường tạo ra một xã hội "nơi phụ nữ có thể tỏa sáng". Thủ tướng Shinzo Abe cũng đang nỗ lực hướng đến nền kinh tế phụ nữ nhằm thúc đẩy phụ nữ đi làm và giữ các chức vụ cao. Thế nhưng, phụ nữ nước này vẫn đối mặt với cuộc chiến khó khăn trong công việc và những trở ngại lớn khi trở lại công việc sau khi sinh con. Phụ nữ Nhật nói chung có trình độ học vấn cao. Tuy nhiên, giờ làm việc dài, khắt khe tại nước này khiến nhiều người buộc phải bỏ việc sau khi lập gia đình. 

Năm nay, Bộ Lao động Nhật Bản kêu gọi các cơ sở y khoa tạo điều kiện cho bác sĩ nữ quay trở lại làm việc sau khi nghỉ thai sản, giúp họ cân bằng công việc với trách nhiệm gia đình. Hồi tháng 6, Quốc hội Nhật Bản thông qua đạo luật cải cách phương thức làm việc nhằm giải quyết vấn nạn tử vong do làm việc quá sức.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm