‘Đại sứ công nghệ’ thời cách mạng 4.0

10/08/2018 - 20:51
Phát biểu tại tọa đàm giữa Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu lên vai trò “Đại sứ công nghệ” của các đại sứ, trưởng đại diện.
thu-truong-bui-thanh-son.jpg
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn

 

Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, ngày 10/8, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Tọa đàm giữa Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với doanh nghiệp.

Tọa đàm nhằm tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp, từ đó xác định phương thức và xây dựng mô hình hiệu quả để các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, hội nhập và phát triển trong giai đoạn mới.

Phát biểu tại buổi toạ đàm, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, công tác hỗ trợ và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ từ sau Đại hội Đảng lần thứ XII, theo tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo, lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ. Hỗ trợ doanh nghiệp cũng là một trong những trọng tâm của công tác Ngoại giao Kinh tế của toàn ngành Ngoại giao. Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tập trung vào việc tạo môi trường quốc tế, tạo khuôn khổ hợp tác song phương thuận lợi để doanh nghiệp làm ăn kinh doanh; phối hợp với các bộ/ngành thúc đẩy đàm phán ký kết các hiệp định thương mại tự do.
 
dai-su-nguyen-nguyet-nga-2.jpg
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga

 

 Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Phó Chủ tịch Uỷ ban quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương, Phó Chủ tịch nhóm xây dựng Tầm nhìn APEC sau 2020 đã chỉ ra các cơ hội mà doanh nghiệp cần tận dụng trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế sâu rộng, đồng thời cũng xác định những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp phải trên con đường hợp tác kinh doanh với nước ngoài. Theo đánh giá của Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, giai đoạn 2018 - 2021 sẽ là bước chuyển quan trọng hội nhập kinh tế và sẽ tác động rất mạnh đến doanh nghiệp Việt Nam cũng như công tác ngoại giao. Nếu doanh nghiệp muốn đi mạnh hơn và chủ động hơn trong thời gian tới, một trong những yêu cầu lớn là phải nhìn ra thế giới.
 
Theo Đại sứ, nền tảng kinh tế thế giới thay đổi căn bản gắn với quá trình số hoá toàn cầu. Quá trình số hoá này gắn liền với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (công nghiệp 4.0). Đây được xem là cuộc cách mạng sâu sắc và toàn diện nhất trong số các cuộc cách mạng của nhân loại từ trước tới nay.
 
2.jpg
Các diễn giả tham dự Tọa đàm giữa các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và doanh nghiệp.

 

Về cơ cấu ngành nghề, một trong những nhân tố khiến các doanh nghiệp đang quan tâm hiện nay là những thay đổi về ngành nghề. Trong những năm tới, 60-80% nghề nghiệp sẽ thay đổi và một cuộc cách mạng nữa sẽ xuất hiện, đó là cuộc cách mạng về đào tạo nguồn nhân lực, từ cấp lãnh đạo chứ không chỉ người lao động.
 
Ngoài ra, thế giới đang bước vào thời kỳ phát triển mới, đem lại rất nhiều cơ hội, thách thức cho các doanh nghiệp và nền kinh tế trong nước. Xu thế trong việc đổi mới doanh nghiệp cũng gia tăng trong vài năm gần nay. Doanh nghiệp cần lưu ý đến các yếu tố như đối tác ngân hàng, nhân tố xã hội… Bên cạnh đó, tính nhân văn trong việc phát triển kinh doanh và đề cao người lao động cũng rất lớn và đây là yếu tố mà các doanh nghiệp cần phải quan tâm và đẩy mạnh.
 
pham-chi-mai.jpg
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phát biểu tại cuộc tọa đàm

 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ mong muốn các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam giúp tìm kiếm, kết nối các công nghệ phù hợp để phát triển đất nước. Bà đề cập đến khái niệm “Đại sứ công nghệ” và đề nghị các Đại sứ, Tổng lãnh sự giúp tìm kiếm các cơ hội hợp tác với nước ngoài để nâng cao năng suất lao động, đóng góp cho công cuộc phát triển của đất nước. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm