pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đắk Nông tổ chức Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ II
Gương mặt đại diện hình ảnh du lịch tỉnh Đắk Nông - Hoa hậu Hoàn cầu 2017 Đỗ Trần Khánh Ngân và Hoa hậu Việt Nam 2010 Ngọc Hân tại họp báo Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ II
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát tại Việt Nam, UBND tỉnh Đắk Nông đã quyết định tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa, du lịch và xúc tiến đầu tư năm 2020, trong đó có sự kiện Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ II, Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông lồng ghép trong chương trình khai mạc Lễ hội và Hội nghị quảng bá và kêu gọi đầu tư du lịch năm 2020.
Lễ hội năm nay có chủ đề Lễ hội văn hóa và du lịch - Tinh hoa Phương Đông. Thời gian diễn ra các sự kiện trong chuỗi các hoạt động văn hóa, du lịch và xúc tiến đầu tư năm 2020 tại tỉnh Đắk Nông sẽ diễn ra từ ngày 24 đến 29/11/2020 tại TP Gia Nghĩa và một số điểm danh lam thắng cảnh, du lịch, điểm di sản văn hóa trên địa bàn các huyện lân cận.
Các hoạt động chính của chuỗi sự kiện bao gồm: Khai mạc Lễ hội Văn hóa Thổ cẩm Việt Nam lần thứ II (đêm 24/11/2020) trong đó có lồng ghép Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông vào chương trình khai mạc; Triển lãm không gian văn hóa thổ cẩm; Thực nghiệm không gian văn hóa thổ cẩm Việt Nam; Trình diễn "Fashion Show – thổ cẩm"; Bế mạc Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ II (đêm 29/11/2020); Khai mạc và bế mạc không gian Văn hóa thổ cẩm Việt Nam; Hội nghị quảng bá và kêu gọi đầu tư du lịch năm 2020.
Ngoài ra, trong chuỗi hoạt động còn có các sự kiện tiêu biểu sau: Bán kết và chung kết Cuộc thi Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2020 tại tỉnh Đắk Nông; Lễ hội ánh sáng và khinh khí cầu; Hoạt động từ thiện tại một số huyện trên địa bàn tỉnh…
Theo BTC, Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ II năm 2020 tại tỉnh Đắk Nông được tổ chức với quy mô toàn quốc. Trong đó có mời các đoàn nghệ nhân, diễn viên các nước: Lào, Campuchia, Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM tham gia. Đồng thời, tính đến thời điểm hiện tại có sự đăng ký tham gia của 14 tỉnh, thành phố: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Yên Bái, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Kom Tum, Đắk Lắk, Bình Phước, Tiền Giang, Bạc Liêu, An Giang và Đắk Nông.
Chia sẻ tại buổi họp báo giới thiệu Lễ hội, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết: "Đây là một hoạt động văn hóa - du lịch đa dạng và phong phú, dịp để quảng bá, giới thiệu và khắc họa đậm nét dấu ấn văn hóa - du lịch trong lòng du khách trong và ngoài nước; tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên các dân tộc thiểu số trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung có cơ hội giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm cải tiến, nâng cao hiệu quả nghề dệt thổ cẩm.
Đồng thời, Lễ hội cũng là dịp để tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm thổ cẩm, là định hướng để thổ cẩm tồn tại thành làng nghề, tăng thu nhập cho người dân và hướng đến tạo sản phẩm du lịch thương hiệu cho thổ cẩm Đắk Nông".