Mộc mạc và hiện đại
Giữa một không gian hiện đại và tinh tế của tòa nhà Trung tâm giao lưu phố cổ, số 50 Đào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), có một góc nhỏ thu hút rất nhiều bạn trẻ và khách du lịch nước ngoài. Họ chuyền tay nhau ngắm nhìn những chiếc dĩa, thìa, những đôi đũa tre, chiếc cốc, chén, bát đĩa màu nâu nhạt.
Rất nhiều bạn trẻ người Việt khác cũng xúm lại đặt hàng. Liêm, một bạn nam sinh cho biết, cậu muốn đặt một số bộ đồ ăn cá nhân để mang đi trong chuyến du học sắp tới. “Nghe nói bên nước tôi sẽ đến cấm sử dụng ống hút dùng một lần bằng nhựa. Ống hút tre này sẽ giúp tôi tránh được những rắc rối đó”.
Vừa nói, cậu vừa giơ lên chiếc túi hình chữ nhật nhỏ hơn chiếc ví, bên trong chứa đủ trọn bộ đồ ăn cá nhân từ dao, thìa, nĩa, đũa ống hút đến chiếc cọ xơ dừa dùng để vệ sinh các dụng cụ trên. Liêm còn chọn thêm một bộ trà sáu chiếc bằng tre xinh xắn và hai chiếc cốc tre, một chiếc bát ăn cơm cũng bằng tre và một số đĩa bằng tre cuốn với đủ các hình dạng, nông sâu để làm quà lưu niệm khi sang bên đó.
Những phụ nữ lớn tuổi hơn thì say sưa với những chiếc lồng bàn xinh xắn bằng tre mây đã xông khói vàng xuộm, những chiếc bị cói, túi cói để treo vật dụng, cắm hoa, làn cói để đi chợ, những chiếc hộp, giỏ bằng tre vô cùng xinh xắn hẳn được đan bằng những bàn tay rất lành nghề. Bạn Kiều Anh, chủ nhân gian hàng, cho biết, những đơn đặt hàng mấy ngày qua rất nhiều, chủ yếu là khách hàng người Việt, đặc biệt là các và nội trợ.
Hướng tới những sản phẩm mang tính ứng dụng cao
Nguyến Thị Yến, một bạn trẻ trong nhóm sáng tạo các sản phẩm nói trên, cho biết, hiện tại, tuy đã đi vào kinh doanh được khoảng 8 tháng, chưa thành lập được công ty, mới chỉ có một fanpage với khoảng 15 ngàn like, chủ yếu là đặt hàng qua mạng, nhưng họ đã nhìn thấy tương lai cho ý tưởng của mình.
Theo Yến, ý tưởng đến với một nhóm bạn trẻ có lối sống thuận theo tự nhiên. Từ một gợi ý của Đoàn Minh Nhân, một bạn trẻ có niềm đam mê với tre, cách thức khai thác tre nguyên liệu để làm thành vật dụng có thể thay thế những sản phẩm công nghiệp độc hại như nhựa và hóa chất khác.
Niềm yêu thích đã gắn kết một nhóm người với nhau, họ cùng đi du lịch tới các làng nghề truyền thống, tìm kiếm các sản phẩm, liên kết với những bạn trẻ đam mê sáng tạo tại chính nơi đó, hình thành các “chân rết” từ vùng nguyên liệu. Cho đến bây giờ, họ đã có hàng chục vùng nguyên liệu cung cấp cho nhóm như Mai Châu - Hòa Bình, Thường Xuân - Thanh Hóa; Nam Định, Na Hang - Tuyên Quang...
Chỉ sau 6-8 tháng hoạt động, kinh doanh của nhóm đã có sự tăng trưởng ổn định, đã bắt đầu đem lại thu nhập cho các thành viên trong nhóm. Khách hàng chủ yếu là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM. Một số đơn hàng ở nước ngoài nhờ người thân xách tay đưa qua.
Mục tiêu của nhóm là tăng chất lượng sản phẩm. Mỗi sản phẩm được làm theo công nghệ truyền thống nên yêu cầu về nguyên liệu và kỹ thuật rất cao, rất tỉ mỉ và tất cả đều phải làm bằng tay, dù có khuôn mẫu cũng là tự chế. Tre nứa khai thác về phải ngâm từ nửa năm đến một năm ở trong nước bùn cho thật cứng rồi mới đem ra chế tác.
Do yêu cầu không sử dụng chất bảo quản nên sản phẩm phải thật khô, thành phẩm phải hun khói để tận dụng bồ hóng làm chất bảo quản chống mối mọt. Cách làm khô chậm, không thể sử dụng lò sấy hoặc vi sóng vì tre rất giòn, dễ gãy, nứt vỡ. Quá trình phơi, sấy, ngâm nước và lại phơi kéo dài từ một đến vài tuần. Bởi vậy nhiều hàng phải đặt trước từ nữa tháng tới một tháng mới có.
Tuy nhiên rất may cho đến nay, khách vẫn kiên nhẫn chờ đợi chứ không bỏ đơn đặt hàng. Bởi sản phẩm có mùi thơm dễ chịu đã khiến họ thích thú, cảm thấy yên tâm khi sử dụng cho chính mình và người thân, một thành viên của nhóm cho biết.