Đan, móc sản phẩm độc bản nâng giá trị đồ thủ công

Lê Hoa
18/07/2021 - 14:00
Đan, móc sản phẩm độc bản nâng giá trị đồ thủ công
“Mỗi sản phẩm chỉ làm độc bản, bởi làm hai chiếc mà giống nhau thì không còn cảm hứng sáng tạo”. Đó là tình cảm của Lê Thị Ngọc Dung gửi vào các tác phẩm đan móc của mình.
Sắc màu đan móc - Ảnh 1.

Chị Lê Thị Ngọc Dung

Lê Thị Ngọc Dung cũng như nhiều cô gái thành thị năng động khác, luôn thích đi đây, đi đó, khám phá và trải nghiệm những điều mới lạ. Cô cho biết, mình thích sự ồn ào và không phải là người kiên nhẫn. Nhưng cuộc sống luôn có những cơ duyên. Khi muốn rèn luyện sự kiên nhẫn, Ngọc Dung đã chọn đan móc, bởi từ nhỏ, Dung đã được mẹ dạy đan. Từ kiến thức cơ bản ban đầu học được đó, Dung tự tìm tòi, học hỏi trên mạng, tham khảo những chia sẻ của người nước ngoài và tập làm theo. Từ đó, Ngọc Dung bắt đầu tạo ra những sản phẩm của riêng mình.

Mỗi sản phẩm mang một câu chuyện

Đặc điểm dễ nhận dạng sản phẩm của Ngọc Dung chính là màu sắc, chất liệu. "Mình rất thích những màu đối lập. Đó là những gam màu giúp mình có thể thoải mái thể hiện sự sáng tạo. Những màu sắc đối lập cũng mang đến cho sản phẩm nhiều cảm xúc và sống động hơn", Ngọc Dung cho biết.

Khi nói đến đan móc, mọi người thường nghĩ đến chất liệu len hay sợi cotton. Đây cũng là hai chất liệu được nhiều người sử dụng khi làm sản phẩm đan móc thủ công. Nhưng với Dung, cô sử dụng bất cứ loại sợi nào có thể móc hoặc đan được như sợi cói, dây thừng, sợi lanh... để tạo ra những chiếc túi xách, hoa tai hay búp bê xinh xắn.

Mỗi sản phẩm Dung làm ra đều có câu chuyện, tình cảm trong đó. Vì vậy, với cô, những món đồ giống như một tác phẩm hơn là một sản phẩm thủ công. Ví dụ, khi biết tin một người bạn mãi mới sinh được con, Dung móc một búp bê để tặng cho bé gái. Trong quá trình làm, cô luôn nghĩ về bé với những điều ngọt ngào nhất. Sau đó, Dung bắt đầu làm thú nhồi bông. Trong quá trình làm, Ngọc Dung thấy tất cả các con thú đều rất vui vẻ và ngốc nghếch giống như em gái của mình. Đó chính là lý do cho sự xuất hiện của dự án búp bê Happy Chan. Ngọc Dung cho biết, đây là một dự án dài hơi, không đơn thuần là các sản phẩm búp bê mà có những sản phẩm, phụ kiện khác đi kèm.

Sắc màu đan móc - Ảnh 3.

Cùng với búp bê, những sản phẩm hoa tai và túi xách của Ngọc Dung cũng luôn "cháy hàng". Chiếc nào "ra lò" là có người "rinh" ngay về, bởi làm một chiếc túi xách bằng tay mất khá nhiều thời gian và công sức. Hơn nữa, nếu ai biết Dung đều biết, đó là những sáng tạo độc bản. Bạn bè của Dung thường "xui", mỗi mẫu làm vài chiếc để bán. Nhưng, mỗi mẫu, Dung chỉ dừng lại ở một chiếc. Nếu lặp lại mẫu đó ở chiếc thứ hai, Dung thấy mất đi niềm hứng thú sáng tạo.

Sắc màu đan móc - Ảnh 4.

"Đam mê thôi chưa đủ"

Để làm ra một sản phẩm đan móc hoàn thiện, thời gian có khi không thể tính bằng ngày. Vì vậy, điều đầu tiên để bạn gắn bó với công việc này là đam mê. Có đam mê mới có thể kiên trì bỏ rất nhiều thời gian và công sức cho công việc. Một yếu tố không kém phần quan trọng khi chọn làm sản phẩm thủ công là bạn phải có tài chính để duy trì niềm đam mê đó. Bởi lẽ, đồ thủ công ở Việt Nam không mấy được coi trọng và đa phần mọi người vẫn nghĩ đó là sản phẩm giá rẻ. Những người hiểu, thích và sẵn sàng bỏ một khoản tiền để mua đồ thủ công không nhiều. Trong khi đó, thời gian, công sức, sự sáng tạo của người làm gửi gắm hết vào sản phẩm.

Mỗi sản phẩm, với Ngọc Dung, đó là một hành trình sáng tạo. "Mình không có quan niệm về sự sáng tạo. Vì mình nghĩ, nếu quan niệm về điều gì thì chính là giới hạn mình trong đó rồi. Vậy nên, hãy cứ làm những gì mình thích và đặt tâm vào đó, thật kiên trì và yêu những gì mình đang làm. Kết quả sẽ đến sau", Ngọc Dung chia sẻ.

Hiện tại, ngoài sáng tạo đan móc túi xách, hoa tai và dự án búp bê Happy Chan, Lê Thị Ngọc Dung còn dành thời gian tái chế quần áo cũ. "Ý tưởng không mới và cũng nhiều người làm rồi. Nhưng mỗi người một gu thẩm mỹ, tính cách, suy nghĩ khác nhau sẽ tạo ra những sản phẩm độc đáo. Hy vọng những sản phẩm của mình sẽ góp phần giúp cho thị trường đồ thủ công khởi sắc hơn, nhiều màu sắc hơn, ngày càng được cộng đồng trân trọng và đón nhận". Lê Thị Ngọc Dung bày tỏ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm