Đàn ông ngồi xỉa răng, phụ nữ tất bật dọn dẹp

13/02/2017 - 17:28
Nhiều bà mẹ có con học tiểu học đều bất bình khi cho rằng, con cái họ đang được 'nhồi nhét' từ sách giáo khoa và bài giảng những mặc định bất bình đẳng về vai trò của người bố, người mẹ trong gia đình, hay đặc điểm nhận dạng của bé trai, bé gái.

Nếu để ý kỹ, có thể thấy bất bình đẳng giới tính thể hiện khá nhiều trong các trang sách giáo khoa (SGK), từ bậc tiểu học đến THPT. Chị Trần Thu Hà (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “SGK lớp 1 của con tôi luôn mặc định những hình vẽ minh họa là các bạn nam đá bóng, chạy nhảy, còn các bạn nữ chỉ ngồi một góc hoặc cầm chổi quét dọn”.

Theo chị, đúng là không “soi” kỹ thì không để ý, nhưng nếu quan sát kỹ, khá nhiều tranh vẽ cho các chương trình học của con nhan nhản hình ảnh bố ngồi đọc báo, nghỉ ngơi, xem tivi, trong khi mẹ lúc cúc nấu nướng, giặt giũ.

“Tại sao cứ phải mặc định những công việc điển hình của bố, mẹ? Cháu gái tôi từ Đức về ăn tết vừa rồi thắc mắc với tôi: "Sao cháu thấy ăn cơm xong là các bác trai ngồi thảnh thơi xỉa răng, còn các bác gái, chị gái tất bật dọn dẹp?". Nghe xong, chính tôi cũng phải giật mình. 

 Khó tìm thấy hình ảnh nữ bác sĩ trong sách giáo khoa phổ thông.

Không chỉ trong sách giáo khoa, những suy nghĩ mang tính hiển nhiên về bất bình đẳng giới còn thể hiện trong các hoạt động học tập khác của học sinh. Điều này được bà mẹ trẻ Nguyễn Thanh Trà (Q.Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ đầy trớ trêu: Con gái 5 tuổi học mẫu giáo nhỡ của chị tuyên bố rất rõ với bố mẹ: 'Cô giáo con dạy rồi, con gái mặc áo hồng, con trai mặc áo xanh. Con gái chơi đồ nấu ăn, con trai chơi siêu nhân'.

“Hôm nào “nhỡ tay” mua cho con món đồ gì màu xanh lập tức bị cháu tẩy chay ngay, nhất định không dùng! Đi đâu thấy bạn trai chơi đồ chơi nấu ăn, cháu lập tức cười cợt chế giễu. Đây là kiểu phân biệt vô lý, không có căn cứ, khiến trẻ con lệch lạc trong suy nghĩ và định hướng tư duy cho cuộc sống về sau!”, chị Thanh Trà kể.

Với các tác phẩm văn học đưa vào chương trình giáo dục THPT, sự tăm tối cực nhọc của thân phận nữ giới thì không đếm xuể. Điều này được cô giáo Dương Thị Huệ (giáo viên THPT Quốc học Huế) minh chứng: Riêng 'Truyện Kiều' đã thấm đẫm sự tăm tối về phận nữ nhi. Hay hình tượng Người con gái Nam Xương, Mị (Vợ chồng A Phủ), người đàn bà làng chài (Chiếc thuyền ngoài xa), cho đến ca dao, tục ngữ trong chương trình học cũng đề cập nhiều số phận kém may mắn, đau khổ của người phụ nữ.

Theo cô Huệ, văn hóa Nho giáo trọng nam khinh nữ đã ăn sâu từ nghìn năm, nhiều người có định kiến về giới mà không biết, và để thay đổi định kiến về giới là vấn đề không hề đơn giản. Về điều này, ông Ngô Kim Khôi, đại diện Ban soạn thảo và Đổi mới Sách giáo khoa  (Bộ GD&ĐT), cho biết, chương trình - SGK phổ thông sắp tới sẽ được lồng ghép và tăng cường yếu tố nhận thức giới, bình đẳng giới và xóa bỏ định kiến giới tính.

Theo ông Khôi, chắc chắn với bộ sách mới, tỉ lệ nam nữ xuất hiện sẽ cân bằng hơn, hạn chế những suy nghĩ mang tính mặc định về công việc, lối sống, hình tượng giữa nam và nữ giới. Điều này sẽ được bàn bạc, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra trong cơ cấu chương trình giảng dạy theo các cấp học.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm