Dân rủ nhau 'lách' luật nếu Hà Nội cấm xe máy ngoại tỉnh

20/09/2016 - 15:45
Nhiều người dân cho rằng, đề xuất cấm xe máy ngoại tỉnh vào Hà Nội để giảm tải ùn tắc giao thông là không thực tế. Rất nhanh chóng, người dân đã mách nhau tìm cách 'lách' quy định.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang lấy ý kiến về đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố”. Theo kế hoạch, trong năm 2020, Hà Nội sẽ hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ vào các ngày cuối tuần và lễ tết. Đến năm 2021, Hà Nội sẽ dừng hoạt động đối với xe máy không đăng ký tại Hà Nội (biển kiểm soát ngoại tỉnh) vào khu vực nội đô vành đai 1 từ 7h đến 19h hàng ngày, đồng thời mở rộng thời gian hạn chế xe máy trong khu vực phố cổ 7 ngày/tuần và 24h/ngày.

Nhiều người dân ngoại tỉnh đang sống gắn liền với xe gắn máy, mưu sinh ở Hà Nội tỏ ra không ít băn khoăn, lo lắng. Anh Nguyễn Văn Mạnh làm nghề lái xe ôm đã 5 năm ở phố Khương Đình (Hà Nội) cho biết: Quê ở Nam Định, gia đình phải tha hương mưu sinh. Miếng cơm manh áo của cả gia đình 4 người đều trông cả vào cái xe máy. Vợ thường xuyên ốm yếu, con thì còn nhỏ. Trong vài năm tới bị cấm các khu vực trong nội thành Hà Nội thì “thu nhập hằng ngày của gia đình tôi sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, khó khăn lại càng thêm khó khăn”.

Tuy vậy, anh Mạnh cũng thừa nhận hiện nay xe máy đã quá đông, ùn ứ xảy ra liên tục vào các giờ cao điểm. Anh bày tỏ đồng tình với việc hạn chế xe máy ngoại tỉnh hoạt động trong khu vực nội thành theo lộ trình. Đồng thời cũng mong muốn “được nhà nước quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để những người mưu sinh với xe gắn máy được chuyển đổi nghề”.

ha-noi-qua-tai-xe-may.jpg
Nhiều người cho rằng đề xuất cấm xe máy ngoại tỉnh vào Hà Nội là chưa thực tế. 

Chị Phạm Mai Thường, quê Phú Thọ, đang làm việc cho một trung tâm Anh ngữ tại Hà Nội, bày tỏ: Phương tiện cá nhân đang quá tải hiện nay thì việc cấm xe cá nhân sớm muộn cũng sẽ diễn ra. Theo chị Thường, người dân quan tâm nhất khi bị hạn chế xe máy thì sẽ đi bằng phương tiện gì? Thực tế hiện nay, người dân chỉ nhìn thấy phương tiện công cộng là xe bus, nhưng loại xe này luôn trong tình trạng quá tải vào giờ cao điểm và sự tiện lợi của nó vẫn là điều đáng bàn. Ngoài ra, theo chị Thường, phương tiện khác là đường sắt trên cao. Theo lộ trình cấm xe từ 2020 đến 2023, “nhà nước có đảm bảo tuyến đường sắt sẽ đi vào hoạt động để người dân có thêm sự lựa chọn phương tiện công cộng để đi làm?”, chị Thường đặt câu hỏi.

cam-xe-may-2025.jpg
Trên thực tế, người dân có hộ khẩu Hà Nội vẫn “bán suất” đăng ký xe máy cho người ngoại tỉnh 

Ngoài ra, cũng có một số ý kiến người dân tỏ ra không quan tâm tới chuyện cấm xe máy, bởi đã có cách... lách. Chị Hồng, chủ cửa hàng thời trang trên phố Tây Sơn, cho biết: “Dù đang đi xe mang biển số ngoại tỉnh, tôi vẫn sử dụng đến năm 2020. Khi tiến hành cấm xe máy ngoại tỉnh thì tôi mua xe máy mới, nhờ người đăng ký biển số Hà Nội là xong!”.

Chị Hồng cho biết thêm, khoảng năm 2003 đến 2005, đã có quy định trong 7 quận nội thành Hà Nội, mỗi người dân chỉ được đăng ký 1 xe máy, nhằm hạn chế xe máy. Trên thực tế, người dân có hộ khẩu Hà Nội vẫn “bán suất” đăng ký xe máy cho người ngoại tỉnh đăng ký biển số 29 - 30. Theo chị Hồng, việc cấm xe máy ngoại tỉnh sẽ không còn nhiều ý nghĩa nữa nếu không làm đồng bộ, mà sẽ tạo ra “làn sóng” nhờ người đăng ký xe máy để có biển số xe Hà Nội.

Theo đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố”, Hà Nội sẽ hỗ trợ tối đa cho người dân tiếp cận tốt nhất với hệ thống vận tải hành khách công cộng vào trung tâm thành phố, đặt lộ trình đến năm 2020, đầu tư mới 500-550 xe buýt mỗi năm (gồm cả mini buýt). 

Với ô tô, Sở Giao thông vận tải dự tính sẽ hạn chế ô tô cá nhân hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực. Ngoài ra, một số khu vực trung tâm cho phép ôtô cá nhân đi vào giờ cao điểm nhưng có thu phí.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm