pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đằng sau nỗi cô đơn của người mẹ già trong viện dưỡng lão
Ảnh minh họa
Thanh Tâm thân mến!
Ngồi lặng người nhìn những hạt mưa rơi vào tán lá kêu lộp bộp ngoài sân, lòng tôi nặng trĩu một nỗi cô đơn. Ngồi viết những dòng này cho Thanh Tâm mà nước mắt của tôi cứ ứa ra, đau thắt cả tâm can. Người ta nói, gia đình đông con là gia đình có phúc. Vậy mà, tôi có những 3 người con nhưng vẫn lạnh trong lòng. Con cả của tôi năm nay hơn 40 tuổi, làm kinh doanh buôn bán tự do. Con gái thứ hai thì lấy chồng xa, trước vài ba tháng về nhà thăm mẹ một lần. Tôi ở cùng với vợ chồng thằng út và các cháu nhưng chắc do tuổi cao khó tính, ốm đau bệnh tật suốt, các con thấy phiền nên mới đưa tôi vào viện dưỡng lão. Trong này thì đầy đủ, an toàn nhưng tôi thấy cô đơn lắm.
Năm nay tôi hơn 70 tuổi, mắc cái bệnh khó ngủ hơn 30 năm rồi. Cuộc sống lúc nào cũng cảm thấy buồn và lo lắng. Trước 2 vợ chồng tôi chịu khó làm ăn, mua được mấy mảnh đất. Ban đầu các con hiếu thuận lắm, thấy mẹ khó ngủ nên mua hết thuốc bổ rồi các loại trà thảo dược giúp tôi ngủ ngon. Thấy chúng ngoan ngoãn, nên sau khi ông nhà ra đi, tôi chia đất đều cho ba đứa để chúng có vốn mà làm ăn. Thằng cả ở xa, tôi bảo tôi sẽ ở cùng thằng út. Lúc ấy, đứa nào đứa nấy vui vẻ và đều muốn đón mẹ ở cùng. Tôi mát lòng mát dạ.
Sau khi mọi thủ tục chia đất hoàn thành, sang tên cho từng đứa, thái độ của các con cũng thay đổi. Thằng cả rất lâu không về thăm mẹ, con gái cũng vậy. Tôi nhớ mong, có nhắc đến là thằng út lại khó chịu. Do già cả lại khó ngủ, buổi tối, tôi thường xuyên nghe đài, con dâu thấy ồn nên bảo chồng "tịch thu" của mẹ. Vậy là thân già cô đơn chẳng biết làm gì cho qua ngày. Thấy các cháu làm sai, tôi nhắc nhở thì chúng lại khó chịu rồi nói: "Mẹ cứ để bọn con dạy các cháu!".
Tôi không hiểu hai vợ chồng con út bàn bạc ra sao, cuối tuần thấy các con họp nhau lại để bàn xem "mẹ sẽ ở nhà ai?". Chúng lấy nhiều lý do để đùn đẩy trách nhiệm phụng dưỡng mẹ già và cuối cùng, Thanh Tâm biết kết quả rồi đó, tôi được đưa đến viện dưỡng lão. Thời gian có lẽ là ở đến cuối đời. Tôi thấy buồn lắm, tủi thân lắm.
Vào trong đây, tôi mới thấy nhiều số phận. Người vào trước tôi gần nhất cũng đã ở đây được hơn một năm rồi. Bà ấy có con nhưng con ở nước ngoài, nên gửi mẹ vào viện dưỡng lão. Bà ấy nói, vào đây ai cũng giống ai. Ông bà nào cũng khoe con giỏi, khoe con thành đạt nhưng càng nói, càng khiến người khác tủi thân theo. Bởi chúng giống nhau, đều không thể trực tiếp chăm sóc bố mẹ.
Bà cùng phòng của tôi vừa gọi điện thoại về cho con trai, muốn chúng đứa cháu vào thăm bà nhưng đáp lại những lời nói yêu thương ấy là tiếng "tút ... tút..." vang lên ở đầu dây bên kia. Chúng thậm chí còn chẳng nghe hết câu mẹ nói. Tôi không thể cười họ, bởi các con tôi đâu có hơn gì? Những lúc không ngủ được, bà cùng phòng lại tâm sự: "Nhiều khi, tôi chỉ muốn chết quách đi, rồi gọi điện cho chúng nó mang xác về. Ở đây cô đơn lắm!".
Tôi thấy lòng quặn lại khi nghĩ về những ngày hạnh phúc trước đây, có phải vì lúc ấy chưa chia tài sản hay không? Lúc đó, chúng còn quan tâm, hỏi han tôi. Giờ tôi vào đây gần 1 tháng rồi, không thấy con, cháu đến thăm. Thanh Tâm ơi, không biết tôi có chết ở trong này không?
Một người mẹ xin giấu tên
Thưa bà!
Là một người mẹ, chúng ta luôn hy vọng con cháu mạnh khoẻ, học hành tấn tới, có cuộc sống tốt. Còn cuộc sống của bản thân, bậc làm cha mẹ đều tự nỗ lực vượt qua. Bà mới vào viện dưỡng lão nên cảm thấy cô đơn, thấy ngày dài dằng dặc giữa những người xa lạ. Đúng như bà nói, ở viện dưỡng lão có các y tá, điều dưỡng chăm sóc, có các ông bà cùng tuổi bầu bạn, bà hãy tìm niềm vui của cuộc sống mới. Bà trao cho các con nhà cửa, gia sản cả đời tích cóp với mong muốn các con có vốn làm ăn là tình yêu thương vô điều kiện. Thanh Tâm mong sao ý nghĩ bị các con bỏ quên, bất hiếu với bà vì đã lấy hết mọi thứ rồi sẽ không giày vò bà. Chúc bà lạc quan, sống vui, sống khoẻ bên những người bạn già gắn bó trong viện dưỡng lão.