Đằng sau việc Giám đốc S.Tix Coffee ôm tiền bỏ trốn: Có hay không hành vi lừa đảo?

Hùng Anh (thực hiện)
21/12/2021 - 22:28
Đằng sau việc Giám đốc S.Tix Coffee ôm tiền bỏ trốn: Có hay không hành vi lừa đảo?

Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo , Công ty Luật TAT Law firm- Đoàn Luật sư Thành Phố Hà Nội

Vụ việc ông Đinh Công Đạt - CEO S. TIX COFFEE (TPHCM) được cho là ôm hàng trăm tỷ đồng của nhiều nhà đầu tư bỏ trốn đang gây xôn xao dự luận. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo, Công ty Luật TAT Law firm- Đoàn Luật sư Thành Phố Hà Nội, xung quanh bản chất của hình thức đầu tư này là gì và hành vi của CEO S. TIX COFFEE có dấu hiệu lừa đảo hay không?

Luật sư cho bạn đọc biết, qua sự việc công ty S.Tix Cooffee cho nhà đầu tư sử dụng thương hiệu của mình, đổi lại nhà đầu tư có quyền sử dụng logo và hình ảnh của công ty để bán hàng và cụ thể là đồ uống cà phê, đây là hình thức nhượng quyền thương mại hay chỉ là hình thức thương mại để huy động vốn? 

Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo: Theo Điều 284 Luật thương mại 2005 thì "nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh và quảng cáo của bên nhượng quyền". 

Đối với mô hình đầu tư vào thương hiệu S.Tix Coffe thì rõ ràng những nhà đầu tư không phải là người tự mình tiến hành hoạt động kinh doanh. Thực tế là những nhà đầu tư chỉ góp tiền để được hưởng lợi nhuận từ việc mở rộng các điểm bán take away, còn toàn bộ việc kinh doanh, quản lý nhân sự cũng như chi trả chi phí kinh doanh, quản lý doanh thu đều do S.Tix Coffe thực hiện và kiểm soát. Do đó, đây không phải là hình thức nhượng quyền thương mại.

Xem xét đúng bản chất của loại hình này thì một bên bỏ vốn, một bên bỏ sức để cùng kinh doanh cà phê mang thương hiệu S.Tix tạo lợi nhuận. Hình thức này mang dáng dấp của mô hình hợp tác kinh doanh. Tuy nhiên đã là hợp tác kinh doanh thì phải lời ăn, lỗ chịu. Trên thực tế phía S.Tix Coffe lại có những cam kết như: cam kết lợi nhuận tối thiểu 20 triệu mỗi tháng và cam kết rủi ro trong kinh doanh. Điều này nghĩa là những nhà đầu tư luôn có lợi nhuận hàng tháng với mức tối thiểu là 20 triệu đồng/tháng, bất kể S.Tix Coffe kinh doanh lỗ hay lãi. Như vậy, việc S.Tix Coffe kêu gọi những nhà đầu tư tham gia mô hình này cũng không phải là hợp tác kinh doanh mà là một hình thức huy động vốn (đi vay) từ những nhà đầu tư và trả lãi suất cố định
Đằng sau việc Giám đốc S.Tix Coffee ôm tiền bỏ trốn: Có hay không hành vi lừa đảo? - Ảnh 1.

 

Việc Giám đốc công ty S.Tix Coffee nhận của nhà đầu tư một số vốn lớn, phải chăng đây là hình thức huy động vốn với hình thức trả lãi cao, nhưng sau đó không trả vốn cho nhà đầu tư và bỏ trốn, trả mặt bằng. Hành vi này có dấu hiệu tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của người khác theo quy định tại Điều 175, BLHS 2015 hay chưa?

 Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo: Hành vi cấu thành tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" là có được tài sản của người khác từ việc vay, mượn, thuê hay bằng một hình thức hợp đồng nào đó, rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Hành vi này phải được thực hiện do cố ý, với mục đích muốn chiếm đoạt được tài sản.

Cần phải nhìn nhận rằng, việc CEO S.Tix Coffe có được tiền từ các nhà đầu tư là hoàn toàn hợp pháp. Các nhà đầu tư cũng được S.Tix Coffee trả tiền lợi nhuận trong một khoảng thời gian, có nhà đầu tư cũng đã được hoàn vốn và lãi trong quá trình tham gia. Tuy nhiên, khoảng thời gian gần đây S.Tix Coffee không trả lợi nhuận cho các nhà đầu tư, đồng thời CEO S.Tix Coffe và gia đình đã có dấu hiệu bỏ trốn. Do đó để xem xét có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản trong vụ việc này hay không thì cần thiết phải đánh giá một cách khách quan hành vi bỏ trốn và không thể liên lạc được của CEO Stix. Coffee. Nếu hành vi bỏ trốn hoặc tránh mặt, cắt đứt liên lạc với các nhà đầu tư của CEO Stix. Coffee là vì nguyên nhân khác thì không được coi là bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản. Mặt khác, nếu có cơ sở đánh giá việc bỏ trốn này nhằm chiếm đoạt tài sản thì vụ việc có dấu hiệu của tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Theo đó, chủ của Stix. Coffee sẽ có thể đối mặt với mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm theo khoản 4 Điều 175 BLHS 2015.

Những quy định pháp luật nào để hạn chế việc huy động vốn trái pháp luật bằng hình thức nhượng quyền thương mại để lách luật, đánh vào lòng tham của nhà đầu tư nhỏ lẻ, thưa luật sư?

Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo: Như tôi đã phân tích, đây là một hình thức huy động vốn từ các nhà đầu tư mà không phải là hình thức nhượng quyền thương mại. Bên cạnh đó, pháp luật cho phép các bên được tự do thỏa thuận trong việc nhượng quyền thương mại đối với những hàng hóa không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh. Vì vậy, pháp luật không có quy định cấm hay hạn chế về vấn đề này.

 Còn nếu như giám đốc công ty S.tix coffee có dấu hiệu huy động vốn và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của người khác được quy định tại khoản 4, Điều 175, BLHS 2015, có thể đối mặt với hình phạt tù cao nhất của điều luật trên; đồng thời, phải bồi thường trách nhiệm dân sự cho các nhà đầu tư. Trên cơ sở quy định của pháp luật, các nhà đầu tư có đầy đủ bằng chứng về việc ông Đinh Công Đạt bỏ trốn, và có dấu hiệu cho thấy hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, có quyền làm đơn tố cáo ông Đinh Công Đạt lên Cơ quan điều tra Công an Thành Phố Hồ Chí Minh để đòi lại quyền lợi của mình.

Xin cảm ơn Luật sư!

Nguồn:
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm