Bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN, chủ trì chỉ đạo hội thảo tổng kết, cùng với sự tham gia của 10 tỉnh cụm đồng bằng sông Hồng và các tỉnh/thành điểm triển khai thực hiện Đề án.
Với sự chủ động, nỗ lực của các cấp Hội, sau hơn 1,5 năm triển khai thực hiện, đề án 938 đã bước đầu có kết quả tốt. 61/63 tỉnh/thành đã có kế hoạch của UBND tỉnh; nhiều tỉnh đã được phân bổ kinh phí và vận động được nguồn lực từ nhiều nguồn khác để thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu của đề án. Chính quyền và các ngành cấp trung ương và tỉnh/thành đều quan tâm và phối hợp chặt chẽ với Hội trong thực hiện các nội dung đề án.
Chủ đề "An toàn thực phẩm" năm 2018 được tập trung thực hiện thống nhất từ trung ương đến cơ sở, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành vi của người dân về đảm bảo an toàn thực phẩm. TƯ Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với Bộ NN&PTNT, Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Lễ phát động thực hiện Chương trình phối hợp số 526 về tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017-2020 với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành. Qua đó nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể, các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ, nông dân và cộng đồng về an toàn thực phẩm; biên soạn, phát hành tờ thông tin chuyên đề an toàn thực phẩm tới hơn 800 xã vùng biên, vùng giáp biển của 52 tỉnh/thành; xây dựng và phát sóng 7 chương trình, phóng sự tuyên truyền giáo dục chuyển đổi hành vi, ý thức tuân thủ pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm trên Đài Truyền hình Việt Nam; 5 phóng sự trên Truyền hình Thông tấn; 6 chương trình phát thanh trên VOV2, 6 chương trình chuyên đề trên VOV Sức khỏe, 8 bài chuyên sâu và nhiều tin, bài tuyên truyền trên các báo, đài; mở chuyên mục "An toàn thực phẩm", "Menu hồng" trên Báo Phụ nữ Việt Nam; mở đường dây nóng về an toàn thực phẩm của Báo Phụ nữ Việt Nam, tiếp nhận nhiều thông tin phản ánh, hỏi đáp về an toàn thực phẩm.
TƯ Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức cuộc thi ý tưởng truyền thông về an toàn thực phẩm; phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức buổi Giao lưu truyền hình Gia đình hạnh phúc với chủ đề “Nơi ấy bình yên” nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, quan điểm, bí quyết để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch tổ chức Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2018và Triển lãm về gia đình với chủ đề “Điểm tựa yêu thương”. Phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức 9 lớp tập huấn tiền hôn nhân cho 360 nam nữ thanh niên; 4 lớp tập huấn nâng cao kiến thức kỹ năng về phòng, chống bạo lực, tư vấn hòa giải, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình cho 140 đại biểu là ban chủ nhiệm, tuyên truyền viên các mô hình phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc. Xây dựng phim, lồng tiếng Mông và Hà Nhì với nội dung tuyên truyền về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Tổ chức diễn đàn "Cùng xây tổ ấm vì sự an toàn và phát triển của trẻ em", trưng bày "Phía sau cánh cửa" tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam về phòng chống bạo lực gia đình. Nhà xuất bản phụ nữ biên tập 7 đầu sách có chất lượng về giáo dục gia đình.
Tại các địa phương, hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm được thực hiện đồng loạt bằng nhiều hình thức, tập trung nhiều vào tháng an toàn thực phẩm năm 2018 với chủ đề "Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm": Tập huấn, truyền thông về vai trò của phụ nữ với an toàn thực phẩm; phối hợp với đài phát thanh, truyền hình xây dựng các chuyên mục về an toàn thực phẩm; đưa nội dung về an toàn thực phẩm vào sinh hoạt chi, tổ Hội; tổ chức hội thi, giao lưu; phát hành tờ rơi, tờ gấp đến hội viên, phụ nữ; tổ chức cho phụ nữ ký cam kết thực hiện an toàn thực phẩm… Các hoạt động truyền thông của Hội đã góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức cho phụ nữ và cộng đồng về các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, các mối nguy mất an toàn thực phẩm, các điều kiện, quy trình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn, các cấp Hội đã vận động hội viên, phụ nữ ký cam kết thực hiện an toàn thực phẩm.
Về nội dung phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới và giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và phát triển trẻ em, luôn được các cấp Hội quan tâm, chú trọng, tập trung tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phòng, chống bạo lực gia đình; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên phụ nữ; tập huấn kiến thức phòng chống bạo lực gia đình, tổ chức cuộc sống gia đình cho cán bộ Hội các cấp; nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn và trợ giúp pháp lý, tham gia các tổ hòa giải tại cơ sở. Thông qua các hoạt động, cán bộ Hội các cấp được bổ sung, cập nhật, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống bạo lực gia đình; hội viên, phụ nữ và cộng đồng được nâng cao kiến thức về phòng chống BLGĐ, xây dựng gia đình hạnh phúc; chia sẻ thông tin, kinh nghiệm tư vấn, hòa giải các trường hợp bạo lực gia đình tại địa phương...
Cùng với việc đánh giá, ghi nhận kết quả đạt được của đề án năm 2018, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Trần Thị Hương đã chỉ ra những khó khăn, tồn tại trong quá trình thực hiện: nhiều tỉnh chưa được phân phân bổ kinh phí thực hiện các hoạt động, chủ yếu là lồng ghép vào hoạt động Hội nên hiệu quả chưa cao. Các tỉnh/thành chưa có nhiều đổi mới về phương pháp tuyên truyền, vận động; các mô hình về các nội dung đề án còn nhiều, dàn trải. Việc phát hiện các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, bạo lực và lên tiếng, hỗ trợ, tham gia giải quyết của các cấp Hội còn hạn chế, chưa chủ động, chưa quyết liệt. Trong khi đó, các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em vẫn xảy ra nhiều: tình trạng mất an toàn thực phẩm vẫn xảy ra tại nhiều địa phương và với nhiều mặt hàng; bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em ngày càng phức tạp, nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở vùng dân tộc miền núi... đòi hỏi Hội LHPN và các ngành có liên quan cần vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn.
Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Trần Thị Hương mong muốn các tỉnh/thành trong cả nước sẽ tiếp tục đầu tư, quan tâm chỉ đạo thực hiện các mục tiêu của đề án. Với chủ đề của năm 2019, các tỉnh/thành căn cứ vào tình hình thực tiễn và những vấn đề ưu tiên của địa phương, chủ động tập trung cho công tác giáo dục cha mẹ để xây dựng kế hoạch, triển khai trong các cấp Hội tại địa phương. Trong quá trình thực hiện, chú trọng vận động nguồn lực từ nhiều kênh, chú trọng công tác phối hợp với các ngành, đoàn thể có liên quan như: Giáo dục, Y tế, Lao động Thương binh và Xã hội, Công an, Đoàn Thanh niên, Liên đoàn Lao động… Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ nữ, cộng đồng và các cơ quan, tổ chức có liên quan về các vấn đề đặt ra hiện nay ảnh hưởng đến sự an toàn của phụ nữ và trẻ em gái, về giáo dục cha mẹ; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cộng đồng; vai trò của phụ nữ và các cấp Hội LHPN Việt Nam trong đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái. Cung cấp kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ có con dưới 16 tuổi kiến thức về chăm sóc thai kỳ; chăm sóc sức khỏe, thể chất cho trẻ theo từng độ tuổi; kỹ năng sống cho trẻ; phát triển trí tuệ, tình cảm, tâm hồn cho trẻ; bảo vệ trẻ khỏi xâm hại, bạo lực; an toàn giao thông; phòng chống đuối nước. Nâng cao năng lực cho cán bộ Hội về các mảng hoạt động liên quan. Tập huấn, hội thảo chia sẻ kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, phòng chống xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em gái, an toàn giao thông, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội...; kỹ năng lên tiếng, bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái trong các vụ. Thu thập dữ liệu về các vấn đề liên quan đến các nội dung như: tình hình/số liệu phụ nữ, trẻ em gái bị bạo lực giới/bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, đuối nước… phục vụ cho vận động chính sách và chỉ đạo hoạt động của các cấp Hội. Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu "Hàng năm, không để xảy ra tình trạng các vụ việc xâm hại, bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em mà Hội không lên tiếng kịp thời".