Những người bảo vệ biên cương là tên của bộ phim tài liệu dài 2 tập (mỗi tập 25 phút) do Trung tá – NSƯT Phạm Lê Nam thực hiện, sắp được phát sóng trên kênh truyền hình Công an nhân dân. Trước bộ phim này, đạo diễn Phạm Lê Nam đã có tới 7 bộ phim tài liệu về Vị Xuyên và quá trình làm phim đã cho anh được gặp gỡ rất nhiều nhân chứng, tiếp cận nhiều nguồn tư liệu sống từ chính những người lính trải qua cuộc chiến. Những câu chuyện thật, những con người thật đó ám ảnh anh, thôi thúc anh tiếp tục thực hiện những thước phim về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.
“Mỗi khi làm phim về đề tài này, tôi lại thấy mình chạm được vào những điều ý nghĩa” - đạo diễn Phạm Lê Nam nói. Trong phim Những người bảo vệ biên cương, anh không trực tiếp nói về đạn bom dữ dội, không đưa ra những thông điệp đao to búa lớn mà kể lại những câu chuyện đời thường hậu chiến. “Là người làm phim tài liệu, tôi chỉ vận chuyển sự thực, từ sự thực mang đến cảm xúc cho khán giả. Tôi mong từ những cảm xúc đó, khán giả - đặc biệt là người trẻ - có cái nhìn đa chiều, thấu đáo hơn về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới của chúng ta”, anh chia sẻ.
Đạo diễn Phạm Lê Nam kể, trong những người từng gặp, anh nhớ mãi về vợ chồng người thương binh ở một tỉnh miền Trung. Người đàn ông ấy trở về từ cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc khi chỉ còn 1 chân, không thể lao động bình thường như nhiều người khác. Vợ anh không chỉ chấp nhận kết hôn với một người tàn tật mà còn đứng ra gánh vác mọi việc nặng nhọc trong nhà. Kinh tế rất khó khăn, nhưng vợ chồng họ rất quấn quýt. Khi chị xuống ruộng, anh ngồi trên bờ chuyện trò, động viên.
“Nhưng chỉ cần trái gió trở trời là mọi chuyện xoay ngược. Vết thương trở nên đau nhức quá mức chịu đựng khiến anh như trở thành một con người khác. Anh trở nên hung dữ, cục cằn, thô lỗ, liên tục chửi mắng và thậm chí là trút cả những trận đòn vào chị. Vậy mà chị vẫn cắn răng chịu đựng, chờ chồng “hết cơn”. Gần đây, anh phát hiện bị ung thư vòm họng, nhưng trò chuyện với tôi, anh vẫn cười nói lạc quan như thể cái chết không có gì là đáng sợ. Tôi ngồi phỏng vấn anh mà anh cứ cười, còn tôi thì khóc...”, Phạm Lê Nam xúc động nói.
Câu chuyện khiến đạo diễn Phạm Lê Nam ám ảnh nhất là về vợ của một người anh hùng. Hai người lấy nhau do gia đình sắp xếp, ngay sau ngày cưới là anh lên biên giới phía Bắc. Sau đó, anh tranh thủ về phép được vài ngày. Trước khi lên đường, anh dặn chị nếu anh có mệnh hệ gì thì chị đừng đi bước nữa. Và rồi anh đi mãi không về. Chị giữ lời hứa với anh, không lấy người khác nhưng khát khao làm mẹ đã thôi thúc chị sinh con, để rồi phải chịu nhiều điều tiếng, cay đắng...
“Tôi không phán xét ai sai, ai đúng trong chuyện này. Tôi chỉ thấy trái tim mình đau đớn khi nghĩ về chiến tranh, nghĩ về người phụ nữ, về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới mà dân tộc ta đã phải trải qua. Tôi thấy day dứt về điều đó và tôi muốn chính con mình cũng sẽ có những day dứt như thế”, anh tâm sự.
Trung tá - NSƯT Phạm Lê Nam sinh năm 1974, là Phó Giám đốc Điện ảnh Công an Nhân dân. Dù sinh ra và lớn lên ở Hà Nội trong những năm tháng thủ đô đã hoàn toàn hòa bình, nhưng chiến tranh lại là đề tài ám ảnh cuộc đời anh. Anh đặc biệt quan tâm đến cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, đặc biệt là mặt trận Vị Xuyên, khi biết rằng chú ruột của vợ anh (ca sĩ Lê Ánh Tuyết, thành viên nhóm nhạc Con Gái) đã hy sinh tại đây. Càng tìm hiểu, anh càng trân quý, nể trọng những người lính nơi chiến trường này. “Tôi chỉ ít hơn các anh chừng 10-15 năm, thế hệ các anh đã sống trong hòa bình, nhưng khi đất nước cần, các anh vẫn sẵn sàng hy sinh”, Phạm Lê Nam cho biết.
Năm 2018, bộ phim tài liệu Một tấc đất không lùi của anh về mặt trận Vị Xuyên đã được trao giải Cánh Diều Bạc. Trước đó, anh cũng giành nhiều giải cao tại các kỳ Liên hoan Truyền hình toàn quốc, trong đó có 2 tác phẩm đoạt giải Vàng là Gửi năm tháng sống tặng đồng đội tôi và Chuyện ông trưởng thôn quê tôi. Hiện anh cũng đang ấp ủ một bộ phim truyền hình dài tập về cuộc chiến kéo dài suốt 10 năm ở biên giới Hà Giang.