Đạo diễn Thái Kim Tùng 'chung thuỷ' với cà phê kịch dù phải bù lỗ

03/04/2018 - 21:00
Vì đam mê kịch nghệ, đạo diễn trẻ Thái Kim Tùng mở ra và duy trì sân khấu thoại kịch "Ví dầu", hoạt động tại một quán cà phê đã 6 năm qua. Biết sân khấu đối diện nhiều khó khăn, các diễn viên đến diễn không bao giờ đòi hỏi cát xê, chỉ “rút ruột” sống trọn với nghề diễn.
Chào đạo diễn Thái Kim Tùng, anh đã thành lập và duy trì sân khấu thoại kịch Ví Dầu hoạt động tại các quán cà phê, còn gọi là cà phê kịch được 6 năm. Ở thời mà nhiều sân khấu kịch có tiếng cũng đóng cửa hoặc phải đi vay nợ để sáng đèn, hẳn anh có khá nhiều tâm sự?

Mô hình Café theatre được hình thành từ những năm 60 của thế kỉ trước tại Pháp, và sau đó lan truyền đến Việt Nam vào những năm 2010 và có rất nhiều dị bản để phù hợp với điều kiện hiện tại. Tôi theo đuổi bản gốc của loại hình này vì nó mang đến những đặc thù và thú vị. Điều đặc thù này từ kịch bản đến cách dàn dựng. Về cách diễn cũng vậy, sẽ phải diễn như thế nào khi mà khán giả ngồi rất gần với diễn viên, hầu như không có khoảng cách, chỉ một cái với tay thì đã có thể chạm được diễn viên… 
thai-kim-tung-1.jpg
Đạo diễn Thái Kim Tùng. Ảnh: ST

-Những thử nghiệm mới lạ, chắc cũng có nhiều thách thức?

Ban đầu, chúng tôi có 3 sinh viên trường Sân Khấu Điện Ảnh trình diễn một vở thoại kịch tại 1 quán café và không nhận lương để mong được sự đồng ý từ chủ quán. Cứ “cây nhà lá vườn” như thế. Trong suy nghĩ của chúng tôi “được diễn là hạnh phúc”. Thời đó chúng tôi làm việc với nhau chẳng ai nghĩ đến tiền là gì! Kịch nói lắm công phu và cầu kỳ, nên chủ quán nào hiểu thì thương, ai không hiểu thì thấy tụi tôi phiền quá… Rồi thăng trầm của quán cũng là một lý do để anh em chúng tôi “dọn nhà” từ chỗ này sang chỗ khác vài chục lần.
29633365_10213749987317492_188788089_o.jpg
Một vở diễn tại quán cafe của kịch Ví Dầu. Ảnh: Mễ Thuận

Mô hình cà phê kịch phát triển khá rầm rộ nhưng rồi cũng tắt rất nhanh. Còn anh vẫn tiếp tục!

Đúng là những ngày đầu làm kịch café khán giả hồ hởi lắm, đây cũng là điều thú vị mà sân khấu lớn không có, họ được gần với diễn viên. Nhưng không lâu thì khán giả vắng dần, nhiều nhóm kịch café cứ thoắt hợp thoắt tan. Nhiều người bạn của tôi cũng từ bỏ cuôc chơi này nhưng riêng tôi thì chưa. Dù Ví Dầu vẫn đang bù lỗ để duy trì sáng đèn hằng tuần nhưng tôi chưa có ý định từ bỏ nó.
 
Đầu tiên vì đây là nơi tôi bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật của mình. "Ví dầu" là nền tảng cho tôi được những thành công nhất định như nhận được huy chương trong Liên hoan sân khấu toàn quốc và một lần ở Liên hoan sân khấu quốc tế. Do đó tôi luôn phải cảm ơn "Ví dầu" bằng việc duy trì để các bạn trẻ cũng có cơ hội trau dồi cho niềm đam mê của mình. Thứ hai, tôi hay nói đùa rằng đây là chỗ chơi của tôi, mà đã chơi thì phải vui, mà công nhận "Ví dầu" vui thiệt! 
thai-kim-tung-2.jpg
Thái Kim Tùng đồng thời cũng là một diễn viên. Ảnh: ST
29526783_10213749987157488_23174551_o.jpg
Hiện Ví Dầu đang "đóng đô" tại một quán cà phê ở số 9, đường Thái Văn Lung, Q.1, TP.HCM. Ảnh: Mễ Thuận

Liệu mô hình hoạt động sân khấu như "Ví dầu" có tiếp tục được công chúng đón nhận, khi mà người xem có rất nhiều lựa chọn các hình thức nghe, nhìn khác?

Các sân khấu kịch lớn ở Sài Gòn mà vẫn phải loay hoay huống chi là "Ví dầu", nhưng cũng nhờ khán giả hiện tại có quá nhiều lựa chọn mà chúng tôi có những tri âm cho riêng mình. "Ví dầu" theo đuổi dòng bi kịch hiện đại nên khán giả đa số là trí thức trẻ, những người yêu mến bộ môn này, những người có tâm hồn và đang cần một nơi để gửi gắm những tâm trạng buồn vui và nhìn đâu đó trong các vở kịch của chúng tôi có những nỗi mất mát của họ. 
29680812_10213749987037485_673875186_o.jpg
Đạo diễn Thái Kim Tùng thường nói những lời tri ân khán giả mỗi khi buổi biểu diễn kết thúc. Ảnh: Mễ Thuận 
Với quy mô sân khấu hạn hẹp vậy thì thu nhập của các diễn viên sẽ không nhiều...

Đôi lúc tôi cũng tự hỏi sao anh em thương "Ví dầu" đến vậy, thậm chí tôi hỏi mà cũng chẳng nhận được câu trả lời nào ngoài những tiếng cười rôm rả, giòn tan. Có hôm vắng quá, có diễn viên lại nói nhỏ với tôi khiến tôi muốn khóc: “khỏi đưa tiền nha!”, rồi lúc tập dợt thiếu thứ này thứ kia thì “tui có”, “nhà em có”, “để tao đem lên cho mượn”… "Ví dầu" là vậy đó, và mối tình này tôi cũng chưa hiểu vì sao, có lẽ do Tổ nghiệp gắn chúng tôi lại bằng sợi dây “nghiệp diễn”.
giac-mo-thai-kim-tung.jpg
Vở diễn Giấc mơ do Thái Kim Tùng dàn dựng. Ảnh: ST
27-uyen.jpg
Thái Kim Tùng cũng là đạo diễn của nhiều vở kịch tại sân khấu kịch 5B của NSƯT Mỹ Uyên. Ảnh: ST
Ngoài "Ví dầu", sắp tới anh có trở lại dựng các vở diễn đậm chất nghệ thuật tại 5B cùng chị Mỹ Uyên khi sân khấu này mở cửa trở lại?

5B là sân khấu chuyên nghiệp đầu tiên tôi cộng tác, nên 5B lại sáng đèn là tin vui cho bản thân tôi, anh em nghệ sị ở 5B và khán giả luôn yêu mến Sân khấu nhỏ. Tôi đã từng dàn dựng cho 5B vở Giấc mơ và đạt huy chương bạc liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế năm 2016 và ở lần này, khi nhận được lời mời dàn dựng từ chị Mỹ Uyên, tôi cũng đã làm việc với biên kịch để cho ra đời một vở kịch mang tính tương tác thể nghiệm, sở trường phong cách của 5B từ lúc mới thành lập đến nay. Bên cạnh đó tôi vẫn dàn dựng các vở kịch cho Sân khấu kịch Trịnh Kim Chi, Nhà hát kịch Thành phố…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm