Đạo diễn Trần Trọng Dần: "Phụ nữ là linh hồn của văn hóa Việt"

Bảo Anh (Thực hiện)
14/07/2025 - 22:36
Đạo diễn Trần Trọng Dần: "Phụ nữ là linh hồn của văn hóa Việt"

Đạo diễn Trần Trọng Dần

"Tôi nghĩ phụ nữ là linh hồn của văn hóa Việt. Họ giữ lửa, giữ nhà, giữ những gì bền vững nhất trong gia đình và xã hội", đạo diễn Trần Trọng Dần chia sẻ.

Kinh dị chỉ là "cái áo"…

+ Phim "Út Lan: Oán linh giữ của" đang nhận được nhiều phản hồi từ khán giả theo những góc nhìn khác nhau. Anh thấy sao về sự tiếp nhận này?

Tôi thấy hạnh phúc và biết ơn khi người xem đón nhận bộ phim một cách đa chiều như vậy. Khi viết kịch bản, tôi không mong mọi người đều nhìn theo một hướng, mà muốn để lại khoảng trống để khán giả tự lấp đầy bằng cảm xúc và trải nghiệm cá nhân. 

Việc họ nhìn thấy tình chị em, một hành trình chuyển kiếp, hay những ẩn dụ về tham-sân-si trong đời sống… cho thấy phim đã chạm được vào tầng sâu tâm lý. 

Tôi nghĩ, phim ảnh nên là không gian để công chúng đồng sáng tạo cảm nhận, chứ không chỉ là nơi đạo diễn áp đặt thông điệp.

+ Là một phim kinh dị nhưng "Út Lan: Oán linh giữ của" không đơn thuần hù dọa mà lồng ghép nhiều thông điệp xã hội. Điều gì khiến anh lựa chọn cách kể chuyện này?

Tôi luôn tin rằng kinh dị chỉ là "cái áo". Điều quan trọng là cái hồn bên trong. Tôi dùng yếu tố tâm linh để kể những câu chuyện rất con người - như sự hy sinh, sự chịu đựng, hay khát vọng vượt thoát. 

Trong nhân vật Út Lan, tôi muốn đặt khán giả trước một oan hồn không chỉ "giữ của" vật chất mà còn giữ lại nỗi đau, nỗi sợ và sự bất công của kiếp trước. Nhân vật Út Lan không phải là con ma đơn thuần mà là hình bóng của nhiều người phụ nữ Việt Nam - chịu đựng, cam chịu, nhưng sâu bên trong là một sức mạnh dữ dội.

+ Anh từng là nhà sản xuất, rồi chuyển sang đạo diễn trong vài năm gần đây. "Út Lan: Oán linh giữ của" có phải là một bước đi rõ ràng trong con đường nghệ thuật mà anh đã định hình?

Đạo diễn Trần Trọng Dần: "Phụ nữ là linh hồn của văn hóa Việt"- Ảnh 1.

Một cảnh phim "Út Lan: Oán linh giữ của"

Đúng vậy. Làm nhà sản xuất giúp tôi hiểu rõ quá trình làm phim, nhưng làm đạo diễn mới là nơi tôi được thể hiện rõ bản thân mình nhất. Từ "Kẻ ẩn danh" đến "Út Lan: Oán linh giữ của", tôi đều chủ động xây dựng kịch bản, chọn cách kể chuyện, dàn dựng và truyền tải thông điệp. 

Đạo diễn Trần Trọng Dần tốt nghiệp Đại học California, Los Angeles (Mỹ), có bằng kỹ sư cao học điện tử tại Đại học Stanford (Mỹ). Ông đã sáng lập một công ty sản xuất phim tại Mỹ và từng giữ vị trí Giám đốc điều hành Liên hoan Phim Việt Nam Quốc tế vào năm 2011. Ông là nhà sản xuất của nhiều bộ phim phát hành tại Việt Nam và Mỹ như: Bụi đời, Ngôi nhà trong hẻm, Rừng xác sống, Dịu dàng… Bộ phim Út Lan: Oán linh giữ của do ông đạo diễn đang được chiếu tại các rạp trên toàn quốc.

Tôi muốn mỗi phim là một "đứa con" có linh hồn riêng, không cần giải thích quá nhiều mà vẫn đủ gợi mở cho người xem. Khi phim ra mắt, tôi mong nó là của công chúng, không còn là của riêng tôi nữa.

Chưa bao giờ rời Việt Nam trong tâm trí

+ Một điểm đặc biệt trong phim của anh là sự xuất hiện của chất liệu dân gian Việt - tuồng cổ, nghi lễ tang ma, không khí làng quê… Điều gì khiến anh luôn trở về với cội nguồn trong các sáng tác của mình?

Dù xa quê hương nhiều năm, tôi chưa bao giờ rời bỏ Việt Nam trong tâm trí. Những kỷ niệm tuổi thơ, phong tục truyền thống mà gia đình tôi vẫn giữ nơi đất khách và các sinh hoạt cộng đồng của kiều bào đã nuôi dưỡng tôi. 

Tôi không có tham vọng tái hiện văn hóa như sách giáo khoa, mà chỉ mong tái hiện "không khí" - một cảnh tuồng cổ, một lễ cúng tổ tiên, một cánh đồng quê thơ mộng… Tất cả đều từ trí nhớ, cảm xúc và sự tri ân dành cho nguồn cội.

+ Anh nói nhiều về người phụ nữ trong phim của mình - đó có phải là hình tượng trung tâm trong các sáng tác của anh?

Tôi nghĩ phụ nữ là linh hồn của văn hóa Việt. Họ giữ lửa, giữ nhà, giữ những gì bền vững nhất trong một gia đình và xã hội. Từ những người mẹ, người bà, người chị tôi từng chứng kiến, tôi học được rất nhiều điều, cả sự hy sinh lẫn khao khát tự do. 

Trong "Út Lan: Oán linh giữ của", tôi xây dựng bà Mai, một người phụ nữ chịu đựng người chồng độc đoán suốt hàng chục năm. Bà ấy là hiện thân của nhiều người tôi từng gặp lúc còn nhỏ, những người phụ nữ "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó" nhưng trong ánh mắt vẫn lấp lánh ý chí sinh tồn.

Đạo diễn Trần Trọng Dần: "Phụ nữ là linh hồn của văn hóa Việt"- Ảnh 2.

Cảnh phim "Út Lan: Oán linh giữ của"

+ Không chỉ là chủ đề, bối cảnh và không khí phim cũng nhuốm màu ký ức, từ cánh đồng lúa đến cảnh làng quê miền Tây. Những điều này xuất phát từ đâu?

Chúng là những mảnh ghép trong ký ức của tôi. Cảnh Lan đi qua đồng lúa vàng, chẳng hạn, là sự kết hợp giữa ký ức về vùng quê Tây Nam Bộ và khung cảnh Đà Lạt xưa - nơi tôi từng yêu thích. 

Tôi không cố tái hiện cảnh thật, mà muốn tạo một "miền ký ức điện ảnh" - nơi cái đẹp, cái ma mị và sự cô đơn hòa quyện. Tôi tin khán giả Việt Nam sẽ nhận ra những hình ảnh thân quen trong phim, bởi chúng đến từ chính văn hóa và đời sống của chúng ta.

Sẽ tiếp tục làm phim về phụ nữ

+ Dàn diễn viên trong phim, từ Mạc Văn Khoa đến Phương Thanh, đều mang đến bất ngờ. Anh có thể chia sẻ về quá trình lựa chọn diễn viên và làm việc với họ?

Tôi không đặt nặng chuyện "diễn viên quen hay lạ", mà quan tâm họ có phù hợp với vai diễn và sẵn sàng thử thách bản thân hay không. Mạc Văn Khoa là một lựa chọn liều lĩnh, từ một diễn viên hài chuyển sang vai một người đàn ông gia trưởng, khắc nghiệt. 

Nhưng tôi tin tưởng Khoa. Tôi yêu cầu Khoa áp dụng phương pháp "method acting" (diễn xuất nhập vai), thậm chí học hát tuồng để vào vai. Còn Phương Thanh lại mang nội lực đặc biệt, đủ để khán giả tin vào những giằng xé tâm lý của Lan. Với tôi, mỗi diễn viên là một mảnh ghép quan trọng, giúp hoàn thiện thế giới phim ảnh tôi tạo ra.

+ "Út Lan: Oán linh giữ của" lấy cảm hứng từ truyền thuyết dân gian "ma giữ của". Theo anh, việc đưa truyền thuyết vào phim hiện đại có ý nghĩa gì?

Tôi nghĩ truyền thuyết dân gian là một kho báu văn hóa chưa được khai thác hết trong điện ảnh Việt. Ma giữ của là một câu chuyện rất ám ảnh - không chỉ vì yếu tố tâm linh mà còn vì nó nói lên cái giá của lòng tham, của những bí mật bị chôn vùi. 

Khi đưa truyền thuyết vào phim, tôi không chỉ muốn tạo ra nỗi sợ, mà còn muốn gợi lại một thế giới, nơi ranh giới giữa tâm linh và đời thực rất mong manh. Đó là chất liệu vừa gần gũi, vừa đầy ám ảnh.

+ Sau "Út Lan: Oán linh giữ của", anh có dự định tiếp tục theo đuổi dòng phim dân gian, nữ quyền hay thể loại nào khác?

Tôi vẫn muốn làm phim về người phụ nữ, ở nhiều khía cạnh khác nhau. Có thể là phim cổ tích, phim xã hội hay tâm lý, miễn là ở đó, người phụ nữ có tiếng nói, có chiều sâu. Tôi cũng sẽ tiếp tục khám phá văn hóa dân gian Việt, bởi tôi nghĩ đó là di sản quý giá và rất giàu chất điện ảnh. 

Tôi không nghĩ mình là người làm phim kinh dị mà là người kể chuyện - những câu chuyện Việt, từ tâm hồn Việt.

+ Xin cảm ơn đạo diễn!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm