ĐẠO DIỄN BÙI THẠC CHUYÊN: NẾU CHƯA LÀM "ĐỊA ĐẠO", TÔI THẤY MÌNH NỢ NHỮNG NGƯỜI ĐÃ HY SINH Ở CỦ CHI
Giữa bầu không khí điện ảnh sôi động của mùa phim đầu năm 2025, "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" xuất hiện như một tiếng nói trầm tĩnh, tha thiết và đầy dũng cảm. Không phải để ngợi ca chiến thắng, mà để thấu hiểu nỗi đau. Không nhằm vẽ lại hào quang, mà để chạm tới con người. Đây là tác phẩm đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên sau 11 năm ấp ủ, viết - sửa - gác lại - rồi lại viết tiếp.
"Địa đạo" không phải là một phim hành động theo lối mòn hay một bản anh hùng ca cổ điển. Nó là một bộ phim thấm đẫm nhân văn, là một nén tâm nhang tưởng nhớ những người đã hy sinh cho đất nước.
Một kịch bản 11 năm
Khởi đầu từ năm 2014, ý tưởng về "Địa đạo" đến với Bùi Thạc Chuyên như một thôi thúc mãnh liệt. "Viết rất nhanh, vì cảm xúc lúc đó cuộn trào. Tôi cảm thấy phát điên lên vì câu chuyện. Nếu chính đạo diễn còn không rung động, thì đừng mong khán giả sẽ rung động", anh chia sẻ.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho biết anh ám ảnh khi nghĩ về cuộc chiến ở địa đạo Củ Chi trong suốt hơn 10 năm tìm hiểu, chuẩn bị cho bộ phim
Chuyện phim diễn ra tại Củ Chi năm 1967 - khi vùng đất thép này trở thành điểm nóng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tại căn cứ Bình An Đông, đội du kích 21 người do Bảy Theo (nghệ sĩ Thái Hòa đóng) chỉ huy nhận nhiệm vụ bảo vệ kho thuốc của bệnh viện dã chiến, đồng thời che chở nhóm tình báo chiến lược do Hai Thưng (Hoàng Minh Triết đóng) dẫn dắt. Khi tín hiệu vô tuyến bị lộ, một trận càn sinh tử bắt đầu - không chỉ giữa người và kẻ thù, mà còn giữa lý tưởng và bản năng sinh tồn.
Kịch bản được nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc hỗ trợ hoàn thiện phần lời thoại cho đúng chất miền Nam. Đến năm 2016, bản thảo hoàn chỉnh. Nhưng hành trình đưa tác phẩm lên màn ảnh lại trắc trở. Một hãng phim tại Australia từng ngỏ lời hợp tác sản xuất, các quỹ quốc tế từng hứng thú, nhưng rồi Covid-19 khiến mọi kế hoạch tan vỡ.
"Lạ là tôi không nản", Bùi Thạc Chuyên kể. "Chính sự trì hoãn đó giúp tôi kiểm nghiệm lại lòng tin của mình. Câu chuyện này không chỉ tôi tin, mà còn nhiều người tin. Tôi biết, mình phải làm nó".
Năm 2022, dự án được khởi động lại với mục tiêu ra mắt vào năm 2025 - dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đó cũng là cột mốc đạo diễn Bùi Thạc Chuyên tự đặt ra để trả món nợ tinh thần với thế hệ cha anh đã hy sinh ở Củ Chi.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (thứ 3 từ trái sang) và các diễn viên trong phim: Thái Hòa (bìa phải), NSƯT Cao Minh (bìa trái), Hồ Thu Anh (thứ 2 từ trái sang)
"Nếu chưa làm bộ phim này, tôi sẽ luôn cảm thấy mình còn nợ các cô chú, những người anh hùng đã hy sinh ở Củ Chi. Tôi muốn được làm điều gì đó cho mảnh đất ấy", Bùi Thạc Chuyên nói.
Điều làm nên khác biệt của "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" là cách bộ phim lựa chọn điểm nhìn về chiến tranh. Không rực rỡ huân chương, không khí thế tấn công - thay vào đó là những khoảnh khắc con người trong trạng thái chân thật nhất, yếu đuối nhất nhưng cũng kiên cường nhất.
"Phim chiến tranh, người ta hay nghĩ đến súng đạn, quân phục, những trận đánh. Nhưng tôi không muốn làm một bộ phim như vậy. 'Địa đạo' là chiến tranh của nhân dân", đạo diễn nói, "Không có bản đồ địa đạo. Không có tổng công trình sư. Người dân tự đào. Gặp đá thì tránh. Miệng hầm bị phá thì đào cái khác. Đơn giản, nhưng bất khả chiến bại".
Với Bùi Thạc Chuyên, chiến tranh nhân dân là cách duy nhất để một dân tộc nhỏ yếu có thể chống lại hai đế quốc lớn. Không bằng sức mạnh vũ khí, mà bằng sự kiên cường. "Trong phim, 21 du kích bắn súng không trúng ai, trừ Bảy Theo - vì từng đi bộ đội. Còn lại toàn dân thường, lần đầu cầm súng. Nhưng chính họ mới là chủ thể cuộc chiến", đạo diễn kể.
Bộ phim cũng không né tránh những khoảnh khắc gây tranh cãi: cảnh âu yếm giữa chiến tranh, nhân vật nữ mang thai trong địa đạo… Nhưng đạo diễn khẳng định, đó là sự thật.
"Khi con người cận kề cái chết, họ khát sống hơn bao giờ hết. Họ muốn yêu, muốn nói lời chia tay, muốn ôm người mình yêu lần cuối", Bùi Thạc Chuyên kể, "Tôi từng nghe một câu chuyện: cô gái vượt vòng vây quân Mỹ chỉ để nói với người yêu một câu: Ngày mai tự lo nhé. Không phải lãng mạn hóa. Mà là bản năng sinh tồn".
Với nhân vật nữ mang thai, đạo diễn lý giải: "Khi biết mình mang thai, giữa địa đạo, không lối thoát, thì cái chết là một sự giải thoát. Sống tiếp còn đau đớn hơn cả cái chết".
"Tôi không muốn làm một bộ phim khiến khán giả hò reo sung sướng. Tôi muốn họ lặng đi"
Cái sâu nhất mà bộ phim chạm đến, theo Bùi Thạc Chuyên, là căn tính Việt Nam trong chiến tranh, chính là lòng bao dung. "Người Việt sống rất thực tế. Không ôm hận thù hôm qua để nuôi sống hôm nay", đạo diễn nói. "Tôi nhớ mãi hình ảnh các mẹ ở Quảng Bình bị cụt chân vì bom, nhưng vẫn mỉm cười tiếp chuyện một cựu binh Mỹ sau chiến tranh. Hiếm có dân tộc nào làm được điều ấy".
Đó là lý do đạo diễn gọi "Địa đạo" là một phim "thảm họa" - theo đúng mô hình điện ảnh: một nhóm người nhỏ bé phải sinh tồn trước tai họa lớn. Trong phim, "tai họa" là bom đạn Mỹ, còn những người bám trụ trong địa đạo - chính là đại diện cho ý chí bất khuất.
"Cái hấp dẫn của phim không phải ở kỹ xảo, mà là sự chênh lệch lực lượng: một bên là lính Mỹ tinh nhuệ, một bên là du kích lần đầu ra trận. Chênh lệch đó tạo nên hồi hộp nghẹt thở. Và từ đó, khơi lên sức mạnh của con người".
Bộ phim là những câu chuyện đan xen giữa tình đồng đội, tình yêu và khát khao sống
Không chỉ nội dung, cách làm phim cũng phản ánh tinh thần chiến tranh nhân dân. Đạo diễn không dựng bản đồ địa đạo chi tiết, mà để các nhân vật đi bằng bản năng - như cách người dân Củ Chi từng làm. "Không có bản thiết kế. Không có ai chỉ đạo. Họ tự nghĩ, tự làm. Chính vì thế, người Mỹ không thể hiểu nổi. Đó là điều làm nên sự bất bại", Bùi Thạc Chuyên cho hay.
Gần như không có nhà sản xuất nào đủ kiên nhẫn với một kịch bản trong suốt 11 năm. Nhưng Bùi Thạc Chuyên vẫn giữ lửa đến cùng. "Tôi từng viết nhiều kịch bản, có cái viết xong rồi chán. Nhưng với "Địa đạo", cảm hứng chưa bao giờ mất đi. Nó càng để lâu càng quý - như một hũ rượu ngon được ủ kỹ".
Đạo diễn từng nhận được nhiều lời động viên: một biên kịch Mỹ từng có phim được Hollywood sản xuất gọi đây là "câu chuyện xuất sắc". Một người bạn từng dịch kịch bản sang tiếng Anh bảo: "Em chưa từng đọc kịch bản chiến tranh nào cuốn hút đến vậy".
Tất cả đã trở thành động lực để đạo diễn đưa "Địa đạo" ra đời - không phải để kể lại chiến tranh, mà để người trẻ hiểu lịch sử, hiểu con người mình và trân trọng hòa bình.
"Tôi không muốn làm một bộ phim khiến khán giả hò reo sung sướng. Tôi muốn họ lặng đi. Vì những cảnh âu yếm giữa tiếng bom. Vì những lời vĩnh biệt thì thầm trong lòng đất. Vì những người không đi đâu cả, chỉ ở lại, bám trụ, tồn tại. Và vì chiến tranh, suy cho cùng, không phải để ngợi ca - mà để thấu hiểu", Bùi Thạc Chuyên bộc bạch.
Đạo diễn - biên kịch Bùi Thạc Chuyên sinh 1957 tại Hà Nội.
- Năm 1995, anh học khoa Diễn viên, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, trở thành nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Việt Nam.
- Năm 1997, anh theo học đạo diễn, gây chú ý với Cuốc xe đêm - tác phẩm Việt đầu tiên đoạt giải ở hạng mục Phim ngắn Cinefondation tại Liên hoan phim quốc tế Cannes.
- Năm 2005, phim Sống trong sợ hãi của anh giành nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.
- Năm 2022, phim Tro tàn rực rỡ được chuyển thể từ truyện Nguyễn Ngọc Tư giành nhiều giải trong và ngoài nước, trong đó có Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam 2023.
Song song làm phim, Bùi Thạc Chuyên tham gia giảng dạy điện ảnh. Năm 2002, đạo diễn sáng lập Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD), Hội Điện ảnh Việt Nam.
Nguyễn Hà Phương (thực hiện)