Cụ thể, Công ty CP Tuần Châu Hà Nội (TCHN) kiện DS đã cố tình xâm phạm, chiếm đoạt quyền sở hữu vở thực cảnh Ngày xưa. Hội đồng xét xử vụ kiện này cũng đồng thời xem xét yêu cầu phản tố của DS đối với TCHN.
Theo đó, tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra sáng nay, HĐXX đã tuyên đạo diễn Việt Tú là tác giả của vở diễn thực cảnh Ngày xưa (hay còn có tên gọi khác là Thuở ấy xứ Đoài), còn TCHN là chủ sở hữu kịch bản. Cụ thể, vở diễn này do đạo diễn Việt Tú sáng tạo dựa trên hợp đồng ký kết với TCHN. Do đó, HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của TCHN là yêu cầu DS phải chuyển giao lại quyền sở hữu tác phẩm vở Ngày xưa, tuy nhiên bác yêu cầu của TCHN đòi DS bồi thường hơn 6 tỷ đồng.
Đồng thời, HĐXX cũng chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của DS đối với TCHN thông qua việc xác định vở thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ là sản phẩm phái sinh từ vở diễn Ngày xưa, sử dụng nhiều chất liệu, ý tưởng từ vở Ngày xưa do Việt Tú làm đạo diễn.
Trong kết luận tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX yêu cầu TCHN phải thanh toán cho DS khoản tiền hơn 660 triệu đồng bao gồm tiền chậm thanh toán, tiền lãi phát sinh trong hợp đồng và 10% doanh thu bán vé như đã cam kết. Về yêu cầu của DS đòi TCHN bồi thường số tiền hơn 7,2 tỷ đồng không được HĐXX chấp nhận.
Chia sẻ sau phiên tòa, đạo diễn Việt Tú cho biết, kết quả tại phiên tòa lần này tạo nên một án lệ về quyền sở hữu trí tuệ và anh tin rằng không chỉ sau đây, không chỉ các nghệ sĩ mà ngay cả các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ ý thức hơn về tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ trong sự phát triển, hội nhập với quốc tế. Theo Việt Tú, anh không đến tòa để đòi quyền lợi về mặt tài chính mà để tìm kiếm sự tôn trọng đối với những sáng tạo của nghệ sĩ. Vì thế khi HĐXX tuyên bố vở Tinh hoa Bắc Bộ là tác phẩm phái sinh từ vở Ngày xưa dựa trên những bằng chứng mà 2 bên đưa ra, những tài liệu từ Cục Bản quyền cung cấp và kết luận của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, đó mới là điều đáng giá nhất.
“Tôi nghĩ đây là giờ phút lịch sử không chỉ cho riêng tôi mà tất cả những nghệ sĩ hiểu được sự sáng tạo, của quyền sở hữu trí tuệ. Nghệ sĩ không chỉ sáng tạo mà còn phải giữ gìn được sự sáng tạo đó trong sự phát triển chung của nền công nghiệp giải trí”, đạo diễn Việt Tú chia sẻ.
Đạo diễn Việt Tú nói thêm, nếu sau phiên tòa này, phía TCHN không tiếp tục vụ kiện thì anh sẽ không có động thái pháp lý nào tiếp theo vì điều anh kiếm tìm đã được Tòa án giải quyết thỏa đáng.
Diễn biến vụ kiện giữa TCHN và DS: Ngày 16/11/2015, TCHN ký hợp đồng thuê DS tư vấn, thiết kế mỹ thuật, sáng tạo kịch bản, dàn dựng vở diễn thực cảnh Ngày xưa hay còn có tên gọi khác là Thủa ấy xứ Đoài. Tháng 6/2016, Thủa ấy xứ Đoài (Ngày xưa) được công diễn cho khán giả và khách mời. Tuy nhiên sau đó phía đầu tư là TCHN đột ngột dừng biểu diễn. Tháng 10/2017, vở Tinh hoa Bắc Bộ do đạo diễn Hoàng Nhật Nam dàn dựng được ra mắt trên đúng địa điểm trước đó đã diễn ra vở Thủa ấy xứ Đoài. Tháng 3/2018, phía TCHN cho biết TAND Hà Nội đã thụ lý đơn kiện đạo diễn Việt Tú, đòi bồi thường số tiền hơn 6 tỷ đồng với cáo buộc đạo diễn Việt Tú vi phạm nhiều nguyên tắc thỏa thuận hợp đồng giữa hai bên như: Cố tình xâm phạm, chiếm đoạt quyền sở hữu khi tự ý đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với kịch bản vở diễn. Tháng 5/2018, TAND Hà Nội đã thụ lý đơn khởi kiện của phía Việt Tú phản tố TCHN yêu cầu doanh nghiệp này và Công ty Sen Vàng (bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) chấm dứt hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với kịch bản Thuở ấy xứ Đoài và trả nợ, bồi thường thiệt hại tổng cộng 7,2 tỷ đồng. |