pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đào Phong Lan trở lại thi đàn sau 17 năm vắng bóng
Nhà thơ Đào Phong Lan
Em không thể nói lời từ biệt gồm 56 bài thơ tình, trải dài thời gian sáng tác từ năm 1991 đến năm 2015. Đây là những bài thơ được Đào Phong Lan tuyển chọn để đánh dấu một giai đoạn phong cách văn chương của mình.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, một trong những độc giả đầu tiên của tập thơ nhận xét: "Tập thơ 56 bài, chia làm 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông nhưng thực chất chỉ có một mùa: Mùa Yêu, của một phụ nữ tự thú "Hồn ta mềm như cỏ/Chưa gió về đã lay" không thể từ biệt nhân duyên và không thể từ biệt thi ca. Những ai từng ưa thích thơ Đào Phong Lan trước đây, sẽ nguyên vẹn xao xuyến khi đọc Em không thể nói lời từ biệt".
Bắt đầu làm thơ từ năm lên 8 tuổi và được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai từ năm 13 tuổi, Đào Phong Lan ghi dấu ấn riêng trong văn học từ rất sớm, đặc biệt trong mảng thơ tình. Chị xuất bản tập thơ đầu tiên Giêng Hai (NXB Thanh Niên) năm 1995, khi mới 20 tuổi. Thơ của chị, đặc biệt là lục bát, thể hiện nghệ thuật ngôn từ trong sáng mà sắc sảo.
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn khi ấy đã viết về thơ chị: "Tôi rất yêu chất dân dã của thơ cô. Những câu lục bát nhuần nhuyễn, ý tứ, lung linh. Thơ Đào Phong Lan đầy nữ tính, thật dịu dàng e ngại và chờ mong khắc khoải. Đào Phong Lan có hồn thơ, và cô dường như đã yêu, đã nắm được cái dịu ngọt, lúng liếng, tình tứ, mênh mang của ca dao". Nhưng không chỉ có lục bát, nhiều bài thơ của chị được độc giả yêu thích được viết dưới dạng thơ tự do và nổi tiếng nhất là những bài thơ về tình yêu.
Đào Phong Lan từng giành giải Ba truyện ngắn của Hội Nhà văn Việt Nam và Tuần báo Văn nghệ trẻ tổ chức năm 1997 ngay từ khi chị còn là sinh viên trường Viết văn Nguyễn Du, khóa 5. Chị cũng nhiều lần đạt giải Nhất (1993, 1997) giải Nhì (1994, 1996, 2001) và giải Ba (1995, 1998) về thơ trên Tập san Áo Trắng - NXB Trẻ và một số giải thưởng khác. Cuối năm 2022, khi vừa quay lại với văn chương, chị cũng đoạt giải thưởng Truyện ngắn hay 2022 của Hội Nhà văn TPHCM.
Thơ của Đào Phong Lan được nhiều nhạc sĩ yêu thích và phổ nhạc, trong số đó có những bài đã rất phổ biến. Như bài Đêm xoang Tây Nguyên được nhạc sĩ Văn Chừng phổ nhạc từ năm 1996 và trở thành một trong những bài hát rất được yêu thích tại Tây Nguyên, hoặc bài T'rưng (Bùi Khánh Nguyên phổ nhạc, NSND Rơ Chăm Phiang thể hiện), bài Bóng lá được nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện phổ nhạc thành ca khúc Mẹ ơi… Chị cũng có khả năng tự viết nhạc và sáng tác bài hát, từng được biết đến với vai trò tác giả ca khúc Mùa hoa chờ đợi viết về hoa cúc quỳ Tây Nguyên.
Em không thể nói lời từ biệt
Em không thể nói lời từ biệt
Như vung tay ném đá qua trời
Nơi ta đứng
Mùa thu ngơ ngác
Đám cúc hoa óng ả xanh ngời...
Bài hát cũ
Con đường xưa anh hát
Gió giận nhau đi mãi không về
Đám lá nép vào nhau
Buồn xơ xác
Ngã xuống mặt đường chiếc bóng tái tê
Câu thơ rơi như lá vàng trên đất
Khẽ cuốn theo gót gió la đà
Cửa đóng mở ngôi nhà hạnh phúc
Như đón em vào
Lại đuổi em ra.
Em không thể nói lời từ biệt
Giọt thu rơi vỡ tan tành
Anh nhìn kìa
Muôn ngàn chiếc lá
Chỉ run run
lặng lẽ
xa cành...
ĐÀO PHONG LAN