Đào tạo nghề lưu động ngắn hạn cho phụ nữ nghèo An Nhơn

N.M
30/11/2023 - 15:03
Đào tạo nghề lưu động ngắn hạn cho phụ nữ nghèo An Nhơn

Các lớp đào tạo nghề ngắn hạn giúp nhiều phụ nữ nghèo ở thị xã An Nhơn có cuộc sống ổn định

Quan tâm đến đào tạo nghề lưu động ngắn hạn tại cơ sở cho chị em phụ nữ, góp phần làm thay đổi đời sống của người phụ nữ và thu hút đông đảo hội viên đến với tổ chức Hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội LHPN thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định).

Thị xã An Nhơn có Khu công nghiệp Nhơn Hòa - KCN của tỉnh Bình Định đóng trên địa bàn, nhiều cụm công nghiệp thuộc thị xã và 24 làng nghề truyền thống, đã và đang giữ vai trò đầu mối quan trọng trong việc thúc đẩy giao lưu và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các vùng phía Nam tỉnh với các vùng phụ cận của các tỉnh duyên hải miền Trung - Tây Nguyên. Vì vậy, người lao động ở địa phương, trong đó hội viên, phụ nữ còn độ tuổi lao động thì làm công nhân ở các công ty, doanh nghiệp ở các khu, cụm công nghiệp, chủ yếu làm may mặc, đan bàn ghế nhựa giả mây; nhiều chị em lớn tuổi hơn thì trồng trọt, chăn nuôi, mở dịch vụ ăn uống...

Tuy nhiên, theo chị Lê Vũ Vân Kiều, Chủ tịch Hội LHPN thị xã An Nhơn, hầu hết chị em chưa có tay nghề về sử dụng máy may công nghiệp, chưa có nhiều vốn kinh nghiệm về nấu ăn, chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh trong trồng trọt, chăn nuôi... Các chị em thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo không có điều kiện để học nghề, tập huấn nâng cao hiểu biết, kỹ năng trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Đào tạo nghề lưu động ngắn hạn cho phụ nữ nghèo An Nhơn- Ảnh 1.

Phụ nữ thị xã An Nhơn học trồng nấm

Chủ tịch Hội LHPN thị xã An Nhơn cho biết, bên cạnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ cho chị em hội viên, phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh thì với hội viên, phụ nữ nghèo, cận nghèo, Hội LHPN thị xã phối hợp Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội, Trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp dạy nghề thị xã và Hội LHPN xã, phường rà soát, khảo sát đối tượng để mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn 3 tháng.

Kết quả, qua 3 năm, các cấp Hội LHPN thị xã An Nhơn đã mở 25 lớp dạy nghề với 591 học viên, trong đó năm 2023 mở 17 lớp với 306 học viên, vượt chỉ tiêu giao (2 lớp với 36 học viên). Nội dung đào tạo nghề gắn với nhu cầu công việc của chị em. Đó là dạy may công nghiệp để giới thiệu các chị vào làm ở các công ty may mặc trên địa bàn như Công ty May An Nhơn, Công ty seplus và đào tạo nghề cho các chị được các cấp Hội LHPN thị xã hỗ trợ trao sinh kế là máy may để các chị nhận hàng may gia công tại nhà.

Lớp đào tạo nghề được chị em đăng ký nhiều nhất là kỹ thuật chế biến món ăn gồm 8 lớp với 160 học viên. Nhiều chị em đã xin làm việc cấp dưỡng ở các trường học bán trú, căng tin, các quán ăn. Nhiều chị em tự về mở điểm dịch vụ ăn uống. Đặc biệt, trong các lớp nấu ăn này, nhiều chị đã thành lập các tổ dịch vụ nấu đám tiệc, tạo việc làm cho nhiều chị em nông nhàn ở địa phương. Đó là những tổ phụ nữ sản xuất - kinh doanh giỏi được các cấp biểu dương khen thưởng như: Tổ liên kết nấu đám tiệc Mai Danh - Nhơn Phong; Tổ liên kết nấu đám tiệc Hằng Nga - Nhơn Thọ; Tổ liên kết nấu đám tiệc phường Bình Định; các chị được đào tạo nghề về nuôi, phòng trừ bệnh cho gia súc, gia cầm, trồng nấm rơm.

Đào tạo nghề lưu động ngắn hạn cho phụ nữ nghèo An Nhơn- Ảnh 2.

Các chị em học tỉa rau quả

Ngoài ra, các cấp Hội LHPN thị xã An Nhơn còn đào tạo nghề cho hội viên, phụ nữ thông qua các hội viên, phụ nữ trực tiếp tham gia làm việc tại các hợp tác xã, các tổ liên kết, tổ hợp tác. Tiêu biểu như Tổ may gia công của chị Út Mận, Nhơn Hòa; Tổ hợp tác đan nhựa giả mây cô Đỗ Thị Hòa, Nhơn Khánh; Tổ liên kết đan nhựa giả mây chị Cưỡng Nhơn Tân; Tổ liên kết đan nhựa giả mây Nhơn Hạnh, Nhơn Mỹ. Hiện nay, Hội LHPN thị xã An Nhơn có 29 tổ liên kết sản xuất, Hợp tác xã giúp phụ nữ phát triển kinh tế với 712 thành viên.

Đồng thời hàng năm, Hội còn tư vấn giới thiệu gần 400 chị em vào làm việc tại các công ty, xí nghiệp trong và ngoài địa phương, tư vấn xuất khẩu lao động 05 chị sang Nhật ở Nhơn Hậu, Nhơn An, Nhơn Tân.

Việc đào tạo nghề cho hội viên phụ nữ ở thị xã An Nhơn còn gắn với hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm, trao sinh kế cho hội viên nghèo, khó khăn để vươn lên thoát nghèo bền vững. Chị Lê Vũ Vân Kiều cho biết, trong năm 2023, việc vay vốn ngân hàng chính sách cho các chị kinh doanh, khởi nghiệp là 1 tỷ 659 nghìn đồng; vốn khuyến công của thị xã 35 triệu đồng (hỗ trợ máy sản xuất bánh tráng cho chị Thân Thị Tám - Nhơn Phúc); tiếp cận dự án liên kết chuỗi giá trị trong dự án giúp giảm nghèo bền vững: 36 triệu đồng (Dự án phát triển thị trường tiêu thụ tinh dầu xả của HTX Nông - Công - Thương An Nhơn); Ngân sách xã, phường và kinh phí của hội xã, phường trao sinh kế 25 triệu/15 xã, phường….

Việc giúp phụ nữ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững luôn được Hội LHPN thị xã An Nhơn quan tâm. Chị Lê Vũ Vân Kiều cho biết, Hội LHPN thị xã tổ chức các hoạt động giúp phụ nữ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững gắn với thực hiện Đề án hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp và các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững được triển khai trên địa bàn thị xã. Trọng tâm là hỗ trợ trao sinh kế, dụng cụ sản xuất, tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội; đào tạo nghề, giải quyết việc làm; trao tặng thẻ bảo hiểm, hỗ trợ xây dựng nhà ở, tạo điều kiện cho chị em phụ nữ nghèo có chỗ ở ổn định, từ đó yên tâm làm ăn, xây dựng kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đào tạo nghề lưu động ngắn hạn cho phụ nữ nghèo An Nhơn- Ảnh 3.

Khai giảng lớp nghề Nuôi, phòng bệnh cho lợn

Kết quả, đến nay thành lập mới 05 Hợp tác xã; vận động 01 Hợp tác xã tham gia các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp; duy trì 01 tổ hợp tác, 21 mô hình tổ liên kết sản xuất tại địa phương, góp phần giải quyết việc làm lúc nông nhàn cho chị em hội viên, thu nhập ổn định từ 3.500.000 đồng đến 4.500.000 đồng/người/tháng, trong đó ưu tiên cho hội viên, phụ nữ nghèo có khả năng lao động. Tham gia dự án trao sinh kế, giảm nghèo bền vững trong Chương trình mục tiêu quốc gia.

Hàng năm, duy trì tổ chức Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp, giới thiệu sản phẩm chị em làm ra đến với người tiêu dùng. Tổng số vốn Hội đang quản lý là 296 tỷ đồng /35.684 thành viên (tăng 22 tỷ đồng so với năm 2021) cho các khách hàng vay theo quy định của Ngân hàng chính sách xã hội, trong đó có hộ nghèo, cận nghèo. Tranh thủ tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế trong xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Nhơn Khánh, với 262 triệu 500 nghìn đồng cho 25 hộ vay chăn nuôi bò sinh sản không tính lãi.

Bên cạnh đó, ký kết Kế hoạch phối hợp với Mặt trận, đoàn thể thị xã về thực hiện giúp đỡ, hỗ trợ hội, đoàn viên và nhân dân thoát nghèo bền vững (KH số 11/KH-MT-ĐT ngày 17/6/2022). Theo đó, ngày 22/6/2022, Hội LHPN thị xã tổ chức ký cam kết/phân công danh sách hội viên phụ nữ nghèo có khả năng lao động cho 15 Hội LHPN xã/phường thực hiện việc giúp đỡ/hỗ trợ, thoát nghèo bền vững. Trên cơ sở đó, hàng năm, 100% xã, phường xây dựng Kế hoạch giúp phụ nữ nghèo. Toàn thị xã có 1.556 hộ nghèo, trong đó hộ nghèo do phụ nữ làm chủ là 892 hộ (chiếm 57%), phụ nữ làm chủ hộ nghèo trong độ tuổi lao động là 367 chị, đã giúp 367 chị (đạt 100% chỉ tiêu NQCB đề ra), từ năm 2020 đến nay, các cấp Hội đã giúp 216 hộ phụ nữ nghèo, cần nghèo làm chủ hộ thoát nghèo, hộ cần nghèo.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm