Đặt tên con dài, cán bộ tư pháp từ chối đăng ký khai sinh có đúng không?

Lg. Bách Việt
21/07/2020 - 07:45
Đặt tên con dài, cán bộ tư pháp từ chối đăng ký khai sinh có đúng không?

Ảnh minh họa

Việc đăng ký khai sinh là trách nhiệm của cha mẹ đối với trẻ được sinh ra. Việc đặt tên cho con do cha mẹ thỏa thuận và được pháp luật tôn trọng. Tuy nhiên, Luật Hộ tịch sẽ can thiệp trong trường hợp đặt tên con quá dài, khó sử dụng.

Hỏi

Vừa qua tôi có đến UBND xã làm giấy khai sinh cho con. Do đầy đủ giấy tờ nên việc làm thủ tục khá nhanh chóng. Thế nhưng đến khi viết tên cho con vào giấy khai sinh thì gặp rắc rối. Cán bộ tư pháp xã đề nghị tôi thay đổi họ tên của cháu cho ngắn lại vì phần chữ đệm quá dài. Tôi có giải thích với vị cán bộ tư pháp là do tên được cả gia đình thảo luận và thống nhất. Do 2 bên nội ngoại giờ mới có cháu đầu nên muốn ghép tên cháu mang cả bên nội lẫn bên ngoại và phải thật ý nghĩa. Giờ muốn thay đổi, tôi phải trao đổi lại trong gia đình. Hơn nữa, việc đặt tên con thế nào là quyền của cha mẹ chứ pháp luật đâu có cấm cản. Tôi cũng đã tra cứu quy định trong Luật Hộ tịch phần nội dung đăng ký khai sinh cũng chỉ nêu: "Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch". Thế nhưng cán bộ tư pháp xã vẫn không đồng ý làm giấy khai sinh cho con tôi nếu tôi không làm ngắn tên con tôi lại. Vậy, pháp luật có quy định nào về việc đặt tên cho con không?

hoangtranthanh…@gmail.com

Trả lời

Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với giấy khai sinh của người đó. Vì vậy, có thể nói giấy khai sinh rất quan trọng và là cơ sở để thực hiện các giấy tờ khác liên quan đến nhân thân của mỗi người sau này. Theo quy định tại điều 15 Luật Hộ tịch, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.

Về nội dung đăng ký khai sinh được quy định trong khoản 1 điều 14 Luật Hộ tịch như sau:

+ Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch;

+ Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú;

+ Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh.

Nghị định 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch, phần xác định nội dung đăng ký khai sinh quy định: "Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán".

Cụ thể hóa nội dung này, Bộ Tư pháp đã ban hành thông tư số 4/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch. Tại khoản 1, điều 6, mục 1 hướng dẫn về nội dung khai sinh quy định: "Việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng".

Thông tư không quy định cụ thể như thế nào là tên quá dài. Vì vậy cán bộ tư pháp xã khi tiếp nhận đăng ký khai sinh có thể căn cứ vào tình huống cụ thể để xem xét. Trong trường hợp tên khai sinh quá dài, khó sử dụng thì cán bộ tư pháp sẽ trao đổi lại với người đến đăng ký khai sinh để điều chỉnh cho phù hợp và đảm bảo các yêu cầu như quy định của pháp luật.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm