pnvnonline@phunuvietnam.vn
Dát vàng lên nón lá trình diễn áo dài, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam nói gì khi bị kêu “phí phạm”?
Trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài TP.2020 diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, BST Áo dài Di sản Việt của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của quan khách và công chúng.
BST Áo dài Di sản Việt với 26 thiết kế áo dài lấy cảm hứng từ các dịa danh nổi tiếng, các di sản UNESCO chính là một trong những bộ sưu tập ấn tượng, đặc sắc nhất của NTK nổi tiếng này, đã tạo được tiếng vang cả trong nước và quốc tế trong thời gian vừa qua.
Không phải lần đầu ra mắt nhưng lần này, BST Áo dài Di sản Việt của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam được chú ý đặc biệt khi kết hợp áo dài với những chiếc nón lá dát vàng. Những chiếc áo dài mang hình ảnh các di sản của người Việt kết hợp với chiếc nón lá truyền thống đặc trưng của nền văn hóa lúa nước ngàn đời thực sự tạo được ấn tượng mạnh với những người có mặt.
NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam chia sẻ, áo dài và nón là từ lâu đã là những trang phục phụ kiện quen thuộc của người phụ nữ Việt và anh muốn sự kết hợp đặc biệt này sẽ nâng tầm các giá trị đó lên một tầm cao mới.
Được biết, những chiếc nón lá dát vàng này được thực hiện hết sức công phu và tỉ mỉ bởi bàn tay khéo léo, lành nghề của những nghệ nhân làng nghề dát vàng truyền thống Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội). Nhiều người cho rằng quá phí phạm khi dát vàng lên nón lá, nhưng NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam cho biết đây là mong muốn cá nhân của anh, muốn nâng tầm và quảng bá rộng rãi cho văn hóa Việt Nam.
Thời gian qua, nhiều NTK nước ngoài đã "ăn cắp" áo dài và vì thế, việc khẳng định hình ảnh áo dài của người Việt là hết sức cần thiết. Sự kết hợp giữa nón lá dát vàng và áo dài lần này cũng là cách để anh tôn vinh những di sản của người Việt, hướng tới chào mừng 90 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam.
Thông qua hình ảnh áo dài nón lá, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam mong muốn quảng bá rộng rãi hình ảnh áo dài, nón lá cũng như làng nghề truyền thống tới không chỉ trong nước mà còn cả với bạn bè quốc tế.