Dấu ấn Việt Nam trong nửa nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an

Ngự Bình
25/03/2021 - 17:35
Dấu ấn Việt Nam trong nửa nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì một phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Với nhiều sáng kiến, đề xuất được đưa ra tại Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã khẳng định vị thế trong bối cảnh thế giới trải qua một năm đầy khó khăn do dịch Covid-19.

Trên cương vị là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đã đảm nhận tốt vai trò Chủ tịch HĐBA ngay trong tháng đầu tiên của nhiệm kỳ (tháng 1/2020). 

Trong hơn 1 năm qua, việc tham gia chủ động, tích cực tại HĐBA thể hiện hình ảnh một Việt Nam trách nhiệm, đề cao luật pháp quốc tế, nỗ lực xây dựng đồng thuận, tìm kiếm giải pháp thỏa đáng cho các tranh chấp, xung đột... Việt Nam đã để lại những dấu ấn đặc biệt: Lần đầu tiên thúc đẩy HĐBA thông qua một Tuyên bố Chủ tịch về tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc; tổ chức đối thoại ASEAN - Liên hợp quốc, qua HĐBA nâng tầm ASEAN và qua ASEAN cụ thể hoá nhiều nội dung hợp tác ở cấp độ toàn cầu. Việt Nam lần đầu tiên đề xuất và thúc đẩy Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua việc lấy ngày 27/12 hàng năm là Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh với số nước đồng bảo trợ kỷ lục là 112 nước.

Việt Nam cũng tập trung ưu tiên thúc đẩy những vấn đề quan trọng như: Khắc phục hậu quả bom mìn phục vụ tái thiết hậu xung đột; bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang; an ninh và biến đổi khí hậu; phụ nữ, hòa bình và an ninh; trẻ em và xung đột vũ trang; hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đặc biệt, các ưu tiên của Việt Nam về vai trò của phụ nữ với hòa bình và an ninh cũng được thúc đẩy. Điểm nhấn là việc tổ chức Hội nghị quốc tế về phụ nữ, hòa bình và an ninh "Tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng và củng cố hòa bình: Từ cam kết đến kết quả" từ ngày 7 đến 9/12/2020. Đây là sự kiện có quy mô toàn cầu, góp phần thúc đẩy Chương trình nghị sự phụ nữ, hòa bình và an ninh được cộng đồng quốc tế rất quan tâm. Việt Nam đã đề xuất Cam kết hành động Hà Nội với những khuyến nghị hành động cụ thể nhằm tăng cường sự hiện diện và tham gia của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình. 

Mặt khác, tăng cường trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế-xã hội, ghi nhận vai trò quan trọng của phụ nữ trong giải quyết các thách thức mới nổi. Từ đó thúc đẩy phát triển bền vững và gắn kết xã hội, những yếu tố then chốt giúp xây dựng và củng cố một nền hòa bình bền vững, bao trùm.

Dấu ấn Việt Nam trong nửa nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (trái) và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tại trụ sở Liên hợp quốc, New York (Mỹ)

Tiền đề thuận lợi để tiếp tục phát huy trong năm 2021

Đánh giá về năm đầu tiên đảm nhiệm Ủy viên không thường trực HĐBA Liên hợp quốc của Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh: "Thành công mà Việt Nam có được là do ta đã đi cùng tiếng nói chung, nguyện vọng chung của các nước".

Trong vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy đối thoại, giảm căng thẳng, đối đầu, tìm giải pháp công bằng, hợp lý để giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế. Việt Nam sẽ nỗ lực thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc. Việt Nam tiếp tục ưu tiên tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực, đặc biệt liên quan đến vấn đề ngăn ngừa xung đột và sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế vì một thế giới tốt đẹp, ổn định hơn.

Tháng Chủ tịch HĐBA lần thứ hai của Việt Nam (4/2021) sẽ là điểm nhấn về sự tham gia của Việt Nam tại HĐBA trong năm 2021, với nhiều đóng góp có ý nghĩa và thực chất về cả nội dung và hoạt động. Mặt khác, Việt Nam là nước ASEAN duy nhất còn lại trong HĐBA. Do đó, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực nâng cao vai trò, hình ảnh của ASEAN trong HĐBA, đặc biệt trong những lĩnh vực như gìn giữ hòa bình. Việt Nam sẽ phát huy vai trò của ASEAN trong nỗ lực chung về ngăn ngừa xung đột và kiến tạo sau hòa bình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm