Đau đầu khi mời cưới đồng nghiệp

Huyền Trang
02/11/2022 - 18:30
Đau đầu khi mời cưới đồng nghiệp
Nghe đồng nghiệp thì tưởng thân, nhưng nếu không làm việc cùng nhóm có khi chẳng nói chuyện với nhau bao giờ.

Một thành phần khách mời quan trọng trong đám cưới chính là đồng nghiệp của cô dâu chú rể. Nhưng không phải lúc nào chuyện mời cưới đồng nghiệp cũng diễn ra suôn sẻ vì rất nhiều tình huống éo le có thể diễn ra xoay quanh đối tượng này.

Mời cưới 70 đồng nghiệp nhưng chỉ đúng 1 người đến dự

Cách đây không lâu, câu chuyện của một người phụ nữ (đề nghị được giấu tên) ở Trung Quốc đã khiến cộng đồng mạng dậy sóng. Theo đó cô đã mời 70 đồng nghiệp đến dự đám cưới nhưng chỉ 1 người đến dự.

Theo chia sẻ, cô đã làm việc ở công ty được 5 năm và tin rằng mối quan hệ của mình với nhiều đồng nghiệp khá tốt đẹp. Cô cũng từng dự đám cưới của khoảng 1/3 số đồng nghiệp đã mời.

Dù biết rằng có thể không đủ 70 đồng nghiệp có mặt trong ngày trọng đại của mình nhưng việc chỉ có 1 người đến dự khiến cô bẽ bàng. Người đó là thực tập sinh đang làm việc dưới sự hướng dẫn của cô.

Trên tài khoản mạng xã hội, người phụ nữ này cho biết đã rất xấu hổ, tủi nhục với khách quan có mặt tại đám cưới và với gia đình nhà chồng. Sau đám cưới, cô đã xin nghỉ việc vì không thể làm việc trong một tập thể có cách ứng xử kỳ lạ như vậy.

Chú rể vay tiền không trả, đồng nghiệp quy thành tiền mừng cưới

Đầu năm 2021, anh Chương ( 27 tuổi, Trung Quốc) bắt đầu làm việc ở công ty cùng với anh Trần (28 tuổi, Trung Quốc) và được anh này dẫn dắt. Vài tháng sau, anh Trần mượn của anh Chương 500 NDT (khoảng 1,7 triệu đồng) với lời hứa “Tháng sau có lương mình sẽ gửi trả bạn luôn”. Nhưng sau đó anh Trần không có động tĩnh sẽ trả lại số tiền này còn anh Chương vì nghĩ số tiền không nhiều nên cũng không đòi.

Đến tháng 9/2022, anh Trần làm đám cưới, có mời anh Chương và đồng nghiệp đến dự. Vẫn còn nhớ đến món nợ trước đây, anh Chương viết 1 tờ giấy ghi dòng chữ "Số tiền 500 NDT bạn mượn tôi không cần trả nữa, chúc hai bạn trăm năm hạnh phúc" rồi bỏ vào phong bì thay tiền mừng cưới.

Hai ngày sau đám cưới, anh Trần đi làm trở lại, cầm 1.000 NDT (khoảng 3,4 triệu đồng) đưa cho anh Chương để cắt đứt quan hệ. Anh Trần gọi khoản tiền này là để hậu tạ vì tờ giấy trong phong bì mừng cưới và không muốn liên quan gì đến người đồng nghiệp này nữa. Sự việc diễn ra trước sự chứng kiến của các đồng nghiệp trong công ty và không lâu sau đó, cả 2 đều nghỉ việc.

Đi làm 3 tháng thì mời cưới, cô dâu tinh tế ghi 3 chữ trên thiệp mời đồng nghiệp

Sau khi vào công ty được 3 tháng thì Tiểu Phương (28 tuổi, Trung Quốc) kết hôn. Giống như nhiều cô dâu khác, cô cũng rất hào hứng chuyện phát thiệp cho người thân, bạn bè. Tuy nhiên đến nhóm đối tượng đồng nghiệp thì Tiểu Phương lại không khỏi do dự vì mới đi làm chưa lâu.

Đem chuyện này tham khảo ý kiến của chồng, cô nhận được lời khuyên rằng nên mời đồng nghiệp đến tham dự. Chú rể này cho rằng mời là việc của Tiểu Phương còn đến dự hay không là việc của đồng nghiệp. Tuy nhiên để tránh sự bàn tán của mọi người, anh chồng gợi ý Tiểu Phương nên ghi “Không nhận quà” ở thiệp mời.

Hành động của Tiểu Phương đã khiến các đồng nghiệp bất ngờ và có hành động cực kỳ tinh tế. Không chỉ có mặt đầy đủ, những đồng nghiệp này còn mang đến một chiếc bánh kem làm quà tặng cô dâu chú rể với dòng chữ: “Tình cảm là quan trọng nhất”.

Những tình huống khó lường khi mời cưới đồng nghiệp: Phải làm sao cho tinh tế? - Ảnh 2.

Đám cưới sẽ tuyệt vời hơn khi cả người mời lẫn người được mời đều tinh tế.


Dù ở vị trí cô dâu chú rể hay người được mời thì cũng nên cân nhắc cách mời cưới và mừng cưới sao cho tinh tế, hợp tình hợp lý. Bởi sau tất cả thì đám cưới vẫn là chuyện vui, đừng để những vấn đề không đáng có khác ảnh hưởng đến ngày trọng đại và các mối quan hệ về sau.

Nguồn: ETtoday, Kankanews
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm