Khi bạn đặt chân đến miền sơn cước Cao Bằng, sẽ đi qua vùng Pác Nặm, qua hồ Ba Bể, rồi ngược lên vùng núi đá Cô Muông, mắt lữ khách hay chạm tới những con ngựa trắng... Cùng với hạt dẻ, những con ngựa trắng là tài sản vô giá của người dân vùng núi cao vực thẳm huyện Trùng Khánh, Cao Bằng.
Hạt dẻ trồng không khó, nhưng nuôi ngựa trắng thì rất khó. Mùa đông ở Trùng Khánh thường rét đậm. Người nuôi ngựa phải biết cách chăm ngựa như chăm con ruột của mình, yêu ngựa như yêu con. Người ta thường lo đóng chuồng, che chắn gió và choàng chăn cho ngựa. Nuôi ngựa cũng còn khó trong cách chọn giống.
Ngựa trắng có vóc dáng đẹp và có nhiều điểm cá biệt. Ông Nguyễn Văn Thuận ở huyện Trùng Khánh cho hay: “Đi chợ chọn ngựa cũng là một công việc phải đầu tư trước khi nuôi. Thường thì đi chợ ngựa thì phải đi từ rất sớm. Lúc không giờ đã đi. Cái việc mang đèn pin đi đường soi đường và việc dùng đèn pin soi vào mắt ngựa trắng thấy con ngươi của ngựa có màu đỏ hồng là một yếu tố quan trọng. Xung quanh viền mắt ngựa cũng có màu hồng. Da ngựa và thân ngựa trắng phải có màu trắng hồng, hay trắng như mây là ngựa quý. Ngựa mẹ đẹp sinh ra con cũng đẹp theo, đó là một kinh nghiệm. Khi cúi xuống nhìn đến vó ngựa cũng phải chú ý đến móng. Móng con ngựa trắng có màu trắng ngà thì mới là ngựa khỏe”.
Ngựa trắng có nhiều giá trị, ngoài việc người dân nuôi để kéo xe, thồ hàng thì còn là mua bán, trao đổi, dùng thịt để ăn, dùng xương để nấu cao... Thịt ngựa trắng là món ngon. Người Cao Bằng, Băc Kạn rất hay nấu thịt ngựa, nướng thịt ngựa để ăn với xôi nếp nương. Thứ lá thơm dùng để ướp với thịt ngựa trắng thì chỉ có người dân tộc Tày, Nùng Dao, mới biết. Đồng bào trộn với thịt ngựa rồi nướng trên than hoa làm nên hương vị quê nhà, đậm đà và khó quên lắm. Còn cao ngựa trắng thì họ nấu rất công phu. Cao ngựa đóng thành bánh như bánh xà phòng thơm có giá từ 800 ngàn đồng tới 1,2 triệu đồng một lạng.
Cao dùng cho người cao tuổi, phụ nữ sau sinh nở để phục hồi sức khỏe. Từ vùng Pác Nặm, vùng hồ Ba Bể nguợc lên Trùng Khánh, hiện có khoảng 3000 con ngựa trắng. Nếu đi chợ ngựa hoặc hỏi thăm mua cao ngựa ở chợ Trùng Khánh cũng có bán. Cao ngựa đã trở thành vị thuốc quý, là món quà rất có giá trị cho con cháu tặng ông bà cha mẹ làm quà sinh nhật cho mẹ khi đi xa về, làm quà mừng tuổi khi Tết đến. Những người Tày, Nùng, Hoa, Sán Chay rất có kinh nghiệm nấu cao ngựa rất lâu năm để chăm sóc sức khỏe cho chính gia đình mình.
Ở Trùng Khánh những người nuôi ngựa trắng họ có một thú đam mê nuôi ngựa và đi chợ khoe ngựa. Ngựa thồ hàng đi chợ có thể bán, có thể để khoe. Những bầy ngựa trắng vắt vẻo trên nương, thung dung gặm cỏ, ăn lá trên núi đá xám cô liêu bên những thảm hoa mùa tam giác mạch cuối đông.
Ngựa trắng lẫn vào mùa hoa dẻ mùa xuân, mây khoác trên vai núi và ngựa ẩn hiện, vùng biên ải đẹp như tranh phong thuỷ ngàn đời nay vẫn còn lưu giữ trong hồn ta. Bạn có thể gặp ngựa trắng trên đường đi động Ngườm Ngao, đi bộ chơi xuân và gặp lễ hội Lồng Tồng (lễ hội xuống đồng), lễ hội Mời mẹ Trăng, lễ hội Thanh Minh... Và bạn đã đến Cao Bằng vẫn muốn trở lại vào mùa xuân, rong ruổi trên những nẻo đường chìm trong mây và đâu đó gặp bầy ngựa trắng trong sương, hồn bạn sẽ dịu lại và êm đềm trong cuộc sống chậm của bạn.
Ngựa trắng lẫn vào mùa hoa dẻ mùa xuân, mây khoác trên vai núi và ngựa ẩn hiện, vùng biên ải đẹp như tranh phong thuỷ ngàn đời nay vẫn còn lưu giữ trong hồn ta. Bạn có thể gặp ngựa trắng trên đường đi động Ngườm Ngao, đi bộ chơi xuân và gặp lễ hội Lồng Tồng (lễ hội xuống đồng), lễ hội Mời mẹ Trăng, lễ hội Thanh Minh... Và bạn đã đến Cao Bằng vẫn muốn trở lại vào mùa xuân, rong ruổi trên những nẻo đường chìm trong mây và đâu đó gặp bầy ngựa trắng trong sương, hồn bạn sẽ dịu lại và êm đềm trong cuộc sống chậm của bạn.